Trình 2 phương án kỳ họp Quốc hội, dành bao nhiều thời gian để Đại biểu chất vấn?

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ. Ảnh Như Ý
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ. Ảnh Như Ý
TPO - Sáng 18/8, tiếp tục chương trình làm việc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết kỳ họp thứ Nhất, chuẩn bị kỳ họp thứ 2 dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo đó, việc tổ chức kỳ họp thứ 2 cần được chuẩn bị, cân nhắc thật kỹ về cả nội dung, cách thức tiến hành và các điều kiện bảo đảm để kỳ họp khai mạc đúng thời gian quy định (ngày 20/10), bảo đảm chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch.

Về nội dung kỳ họp liên quan đến xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Bộ luật Tố tụng hình sự và cho ý kiến 5 dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến các vấn đề kinh tế-xã hội, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, đồng thời quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; quyết định kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021- 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021- 2025.

Chất vấn 2,5 ngày

Về các phương án tổ chức kỳ họp, khác với kỳ họp trước do làm công tác nhân sự nên buộc phải tập trung. Tại kỳ họp này, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, Tổng Thư ký Quốc hội trình 2 phương án, trong mỗi phương án đều có áp dụng họp trực tuyến.

Trong đó, phương án 1 là Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ (nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp). Phương án này cũng được dự kiến bố trí thảo luận 73 tổ về các dự án luật, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước… Trong đó, 200 đại biểu Quốc hội ở Trung ương chia thành 10 tổ họp tại Nhà Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội ở địa phương, 1 tổ là 1 địa phương.

Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày và 1 ngày dự phòng (Quốc hội làm việc một ngày thứ bảy); phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 10/11.

Với phương án này, ông Bùi Văn Cường khẳng định, Văn phòng Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện các điều kiện bảo đảm về kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phục vụ họp trực tuyến, nhất là đáp ứng được các yêu cầu về biểu quyết qua mạng, biểu quyết bằng phiếu; phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng (Trung tâm công nghệ thông tin - Cơ yếu) để chuyển, nhận tài liệu qua đường cơ yếu.

Với phương án 2, Quốc hội sẽ họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 2 đợt. Phương án họp tập trung chỉ được tiến hành trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

Qua đó, thời gian họp trực tuyến dự kiến sẽ là 11 ngày (từ 20/10 – 2/11) và có bố trí thảo luận ở tổ. Sang đợt 2, họp tập trung trong 6 ngày (từ 4 –10/11).

Cả hai phương án đều có dự kiến tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong khoảng thời gian 2,5 ngày. Vấn đề tổ chức kỳ họp sẽ còn được tiếp tục cho ý kiến tại các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tới.

MỚI - NÓNG