Phản ứng này được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc cũng lên án các "lệnh trừng phạt sai lầm" mà Mỹ vừa tuyên bố nhằm vào một loạt thực thể của Trung Quốc liên quan tới Triều Tiên.
Trước đó, ngày 20/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã xác định Triều Tiên là quốc gia bảo trợ cho khủng bố, động thái mới nhất sẽ cho phép Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Ngày 21/11, Chính phủ Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một loạt thực thể của Trung Quốc và Triều Tiên, cũng như là những con tàu bị nghi ngờ hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Phản ứng trước tuyên bố của ông Trump, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này khẳng định quân đội và nhân dân Triều Tiên rất "giận dữ" về quyết định "rõ ràng phi lý" của Mỹ.
Triều Tiên cũng tái khẳng định quyết tâm tiếp tục xây dựng các lực lượng hạt nhân bất chấp các trừng phạt và đe dọa của Mỹ. Người phát ngôn trên nhấn mạnh: "Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là vũ khí răn đe để đảm bảo chủ quyền đất nước".
Triều Tiên đã bị liệt vào "danh sách các nước bảo trợ khủng bố" hồi năm 1988. Năm 2008, chính quyền Tổng thống George W.Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách này để tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán hạt nhân.
Quyết định đưa lại Triều Tiên vào danh sách này của ông Trump thực hiện chủ trương "gây sức ép tối đa" nhằm cô lập hơn nữa quốc gia Đông Bắc Á này.
Sau tuyên bố của chính quyền Mỹ, Trung Quốc nhấn mạnh cần đối thoại để giảm căng thẳng khu vực, cho rằng ngay trong tuần này cần "làm nhiều hơn" để tổ chức các cuộc đối thoại giải quyết khủng hoảng.
Phản ứng về việc Mỹ ngay sau đó mở rộng danh sách trừng phạt cả các công ty Trung Quốc bị cáo buộc làm ăn kinh doanh với Triều Tiên dù Bắc Kinh đã cam kết tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ Bắc Kinh "kịch liệt lên án bất cứ nước nào áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương dựa trên luật pháp của riêng họ, những quy tắc hay biện pháp sai lầm nhằm thể hiện quyền uy luật pháp của họ".
Ông Lục Khảng cũng đề nghị Washington cung cấp các "bằng chứng vững chắc" cho thấy các công ty Trung Quốc mà họ cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.