Ông Kim từng nói rằng Triều Tiên đang đối mặt với tình hình “tồi tệ nhất từ trước đến nay” do nhiều yếu tố, trong đó có đại dịch COVID-19, các biện pháp trừng phạt do Mỹ chủ trương và đợt lũ lụt tồi tệ vào mùa hè trước. Nhưng đây là lần đầu tiên ông so sánh tình hình với nạn đói lịch sử.
Các nhóm theo dõi tình hình Triều Tiên chưa phát hiện dấu hiệu nào cho thấy đang xảy ra nạn đói hàng loạt hay thảm họa nhân đạo ở nước này. Nhưng những phát biểu của ông Kim cho thấy ông nhìn nhận tình hình hiện nay nghiêm trọng như thế nào. Các nhà quan sát bên ngoài đánh giá đây là phép thử lớn nhất đối với ông trong suốt 9 năm cầm quyền.
“Có rất nhiều trở ngại và khó khăn phía trước chúng ta, và vì vậy cuộc đấu tranh của chúng ta để thực hiện các quyết định của Đại hội đảng lần thứ 8 sẽ không thuận buồm xuôi gió”, hãng thông tấn KCNA dẫn lời ông Kim nói với các bí thư chi bộ hôm 8/4. “Tôi yêu cầu tổ chức đảng các cấp thực hiện một cuộc “hành quân gian khổ” để giảm bớt khó khăn cho người dân, dù chỉ một chút”, ông Kim nói.
Thuật ngữ “cuộc hành quân gian khổ” là cụm từ của người Triều Tiên để nói về khó khăn trong nạn đói những năm 1990 mà nguyên nhân là do mất nguồn hỗ trợ từ Liên Xô, nhiều năm quản lý sai lầm và thiên tai. Không rõ bao nhiêu người chết trong nạn đói đó, có thể dao động từ vài trăm ngàn đến 3 triệu người, và Triều Tiên phụ thuộc vào viện trợ quốc tế trong nhiều năm.
Giới phân tích cho rằng các khó khăn của Triều Tiên hiện nay là hệ quả của vấn đề quản lý, tự cô lập và các biện pháp trừng phạt quốc tế. Số liệu từ Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc giảm khoảng 80% trong năm ngoái, sau khi Triều Tiên đóng cửa biên giới để ngăn đại dịch. Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên không có lựa chọn khác vì đại dịch bùng phát diện rộng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống y tế lạc hậu của nước này.
Ông Cha Deok-cheol, phó phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hôm qua nói với báo giới rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sắp nới lỏng hạn chế ở biên giới với Trung Quốc. Báo chí Triều Tiên nói rằng nước này đã lập các cơ sở chống dịch bệnh mới ở biên giới và thông qua luật về khử trùng hàng hóa nhập khẩu.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không để nạn đói xảy ra ở Triều Tiên vì Bắc Kinh không muốn đón một làn sóng người tị nạn tràn qua biên giới hoặc một bán đảo Triều Tiên thống nhất hai miền và thân Mỹ ngay ở cửa ngõ của mình.
Khi ông Kim trao đổi thông điệp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước, báo chí Triều Tiên nói rằng ông Tập đã cam kết “mang lại cho người dân hai nước cuộc sống tốt đẹp hơn”. Giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ sớm cung cấp cho Triều Tiên thực phẩm, phân bón và những hàng hóa thiết yếu khác vốn đã trở nên khan hiếm ở Triều Tiên do giai đoạn đóng cửa biên giới.