Triều Tiên khó chịu với Mỹ?

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong một cuộc thị sátẢnh: KCNA
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong một cuộc thị sátẢnh: KCNA
TP - Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) hôm qua đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un vừa thị sát một cuộc bắn thử vũ khí dẫn đường chiến lược mới. Cũng trong hôm qua, Bình Nhưỡng yêu cầu loại Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khỏi tiến trình đàm phán hạt nhân. 

Dù đến giờ chưa rõ đó là loại vũ khí gì, một số bài báo dẫn lời các quan chức Mỹ cho rằng đó có thể là tên lửa dẫn đường tầm ngắn, không phải tên lửa đạn đạo. Bài báo của KCNA sử dụng từ “chiến thuật”, và nói rằng ông Pak Jong Chon - tư lệnh Bộ chỉ huy pháo binh, cũng tham gia sự kiện, cho thấy đây có thể là cuộc bắn thử pháo, theo giới phân tích.

“Ông Kim đang cố đưa gửi một thông điệp đến chính quyền Trump rằng tiềm lực quân sự của họ đang tăng lên mỗi ngày”, Guardian dẫn đánh giá của nhà nghiên cứu Harry Kazianis, thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia (Mỹ). “Chính quyền của ông ấy đang bực bội với sự thiếu linh hoạt của Washington trong những cuộc đàm phán gần đây”, ông Hazianis nói.

Ông Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Dongguk (Hàn Quốc), đồng ý rằng vụ thử là thông điệp gửi đến Mỹ, rằng Bình Nhưỡng đang khó chịu với tiến trình đàm phán bế tắc. Nhưng đây không phải vụ thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa, cho thấy “Triều Tiên vẫn muốn duy trì đối thoại với Mỹ”, ông Koh nói.

Japan Times dẫn lời bà Jean Lee, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson, Mỹ, cho rằng ông Kim có thể muốn dùng vụ thử lần này để đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở lại thành ưu tiên hàng đầu của ông Trump.

Các chuyên gia đánh giá vụ thử còn giúp Bình Nhưỡng chứng tỏ với dư luận trong nước rằng họ vẫn tiếp tục phát triển vũ khí, trong bối cảnh tiến trình ngoại giao với Washington đang có dấu hiệu đi xuống.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm qua cáo buộc ông Pompeo hạ thấp ý nghĩa những phát biểu của ông Kim Jong Un về chuyện ông nói sẽ đợi Washington đến cuối năm nay để đưa ra các điều khoản mà hai bên có thể chấp nhận được nhằm cứu vãn tiến trình ngoại giao. Các nhà quan sát cho rằng việc Bình Nhưỡng đòi loại ông Pompeo khỏi tiến trình này và vụ thử vũ khí mới cho thấy Bình Nhưỡng đang khó chịu với chuyện đàm phán bế tắc.

Trước đó, trong một bài phát biểu đầu tuần này, ông Pompeo nói rằng ông Kim đã hứa sẽ phi hạt nhân trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Donald Trump, và rằng các quan chức Mỹ đang làm việc với Triều Tiên để “vẽ ra lộ trình để chúng ta có thể đi đến mục tiêu đó”. “Ông ấy (ông Kim) muốn làm xong vào cuối năm nay. Tôi muốn thấy nó sớm hơn”, ông Pompeo nói.

Thông báo của Triều Tiên nói rằng ông Pompeo đã “diễn giải sai ý nghĩa trong yêu cầu của chúng tôi” rằng phải hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay. Thông báo còn nói ông Pompeo có “tài bịa chuyện”, rằng nếu ông Pompeo tiếp tục đàm phán sẽ khiến tiến trình đối thoại gặp “vướng mắc”. Bình Nhưỡng nói rằng cần phải có người khác “cẩn thận và chín chắn hơn trong giao tiếp với chúng tôi”.

Ði tàu sang Nga

Trong lúc này, có thêm nhiều dấu hiệu nữa cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra vào tuần sau, khi Tổng thống Nga trên đường tới vùng Viễn Đông để sang Trung Quốc dự một hội nghị quốc tế.

Nhiều báo Nga đã viết về khả năng diễn ra sự kiện thượng đỉnh này, cho biết đã có các biện pháp hạn chế tiếp cận được triển khai tại một số địa điểm ở thành phố tiếp giáp với Triều Tiên. Đài truyền hình Nhật Bản Fuji còn phát đoạn phim một người đàn ông được cho là ông Kim Chang-son, quan chức phụ trách lễ tân của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đang kiểm tra một nhà ga ở thành phố của Nga.

Yonhap hôm qua dẫn các nguồn tin nói rằng ông Kim có thể sẽ sử dụng đoàn tàu đặc biệt thay vì đi máy bay để sang gặp ông Putin, vì khoảng cách giữa Bình Nhưỡng với Vladivostok tương đối ngắn. Nếu chọn đường bộ, ông Kim có thể cân nhắc hai lựa chọn. Ông có thể đi tuyến đường thẳng nếu qua cây cầu đường sắt nối thành phố Rason ở đông bắc Triều Tiên sang thành phố Khasan của Nga. Hoặc nhà lãnh đạo này cũng có thể đi qua huyện Đồ Môn và Hồn Xuân thuộc châu tự trị Diên Biên của Trung Quốc để đến Vladivostok. Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il cũng đi tuyến đường này sang Nga để gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vào năm 2011.

MỚI - NÓNG