Triều Tiên gửi thông điệp cứng rắn ra thế giới

Đại tướng Kim Jong-un (giữa). Ảnh: Getty Images
Đại tướng Kim Jong-un (giữa). Ảnh: Getty Images
TP - Hôm qua, CHDCND Triều Tiên truyền đi thông điệp với cộng đồng quốc tế rằng “đừng mong đợi bất kỳ thay đổi nào” ở nước này, sau cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il.

> Bình Nhưỡng: "Sẽ không có bất cứ thay đổi nào”

Thông điệp này được đưa ra trong thông báo của truyền hình nhà nước Triều Tiên và được cho là của Ủy ban Quốc phòng nước này.

“Chúng tôi tuyên bố một cách trọng thể và tự tin rằng những chính trị gia ngu ngốc khắp thế giới, trong đó có nhóm bù nhìn ở Hàn Quốc, không nên mong đợi bất kỳ thay đổi nào từ chúng tôi”, thông báo nói.

Ông Kim Jong-il qua đời hôm 17-12. Ông lãnh đạo Triều Tiên từ khi cha ông là ông Kim Il-sung qua đời năm 1994. Dưới thời ông Kim Jong-il lãnh đạo, Triều Tiên tiến hành hai vụ thử hạt nhân. Con trai ông Kim Jong-il, Đại tướng Kim Jong-un, đã chính thức được gọi là “lãnh đạo tối cao của đảng, nhà nước và quân đội”.

Những nước hàng xóm của Triều Tiên đang chú ý quan sát xem có sự thay đổi về lãnh đạo nào sẽ tác động mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và cộng đồng quốc tế hay không.

Triều Tiên vẫn duy trì mối quan hệ không thân thiện với Hàn Quốc và bị cô lập trên trường quốc tế vì vấn đề nhân quyền và chương trình vũ khí hạt nhân.

Những cuộc đàm phán 6 bên, gồm hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản, về việc kết thúc tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng bị trì hoãn nhiều tháng nay.

Thông báo từ Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên (được cho là cơ quan hoạch định chính sách tối cao của Triều Tiên) nói rằng, nước này sẽ không bao giờ thỏa hiệp với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Ông Lee khiến Bình Nhưỡng giận dữ khi kết nối vấn đề viện trợ nhân đạo với sự tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cũng chỉ trích quyết định “không thể tha thứ” của Hàn Quốc khi chỉ cho phép hai phái đoàn không chính thức đi qua biên giới để tham dự lễ tang ông Kim Jong-il.

Trong lúc cả khu vực đang dõi theo, Mỹ sắp gửi một số nhà ngoại giao cấp cao tới Đông Á để thảo luận tình hình ở Triều Tiên.

Nhà ngoại giao Kurt Campbell sẽ có một số cuộc đàm phán tại Bắc Kinh, Seoul và Tokyo từ ngày 3 đến 7-1 tới, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Ông Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ là quan chức ngoại giao cao cấp nhất đến khu vực Đông Á kể từ khi ông Kim Jong-il qua đời.

Ngày 30-12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên phù hợp lợi ích chung của tất cả bên liên quan, trong đó có hai miền Triều Tiên. Trung Quốc ủng hộ thúc đẩy hòa giải và hợp tác liên Triều.

Hôm 29-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc có cuộc nói chuyện kéo dài 20 phút về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Hai bên “chia sẻ quan điểm rằng hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề ưu tiên chung của hai bên và đồng ý duy trì sự hợp tác, phối hợp gần gũi trong những tuần và những tháng tiếp theo”, Lầu Năm góc thông báo.

Triều Tiên cử hành tang lễ cho ông Kim Jong-il hôm 29-12 với hàng trăm ngàn binh lính và công dân xếp hàng ở quảng trường Bình Nhưỡng. Những quan chức cấp cao của đảng và quân đội Triều Tiên hoan nghênh lãnh đạo mới Kim Jong-un trước đám đông.

Gia Tùng
theo BBC, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.