Triều Tiên ghi nhận gần 30 người tử vong sau khi bị sốt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Báo giới Triều Tiên ngày 14/5 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 21 trường hợp tử vong mới trong số "những người bị sốt", nâng tổng số lên 27 người.

Theo hãng thông tấn KCNA, kể từ cuối tháng 4 đến nay, Triều Tiên đã ghi nhận 524.440 người có dấu hiệu sốt. Riêng ngày 13/5, số ca bị sốt mới được báo cáo là 174.400 người.

Khoảng 243.630 người đã hoàn tất điều trị, nhưng KCNA cho biết không có bao nhiêu trường hợp đã được xét nghiệm COVID-19. KCNA cũng không công bố số F0 tính đến thời điểm hiện tại.

Khoảng 280.810 người đang bị cách ly, và tổng cộng 27 người đã tử vong sau khi bị sốt. Trong đó có ít nhất một người được xác nhận mắc COVID-19.

Triều Tiên ghi nhận gần 30 người tử vong sau khi bị sốt ảnh 1

Chủ tịch Kim Jong-un thăm trung tâm chỉ đạo phòng chống dịch hôm 12/5. Ảnh: Yonhap

Triều Tiên ghi nhận gần 30 người tử vong sau khi bị sốt ảnh 2

Ảnh: Yonhap

Đảng Lao động Triều Tiên ngày 14/5 đã tiếp tục họp với Chủ tịch Kim Jong-un. Trong đó, ông Kim cho biết: "Sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm là một sự xáo trộn lớn đối với đất nước chúng ta kể từ khi thành lập".

"Nhưng nếu chúng ta không mất tập trung trong việc thực hiện chính sách phòng dịch, duy trì sức mạnh tập thể và sự kiển soát dựa trên ý chí đoàn kết của đảng và nhân dân, tăng cường chiến đấu chống lại dịch bệnh, thì chúng ta có thể vượt qua khủng hoảng", Chủ tịch Kim nói.

Tại cuộc họp, các quan chức cũng nghe báo cáo từ cơ quan y tế rằng "trong hầu hết các trường hợp, thương vong về người là do sơ suất bao gồm việc sử dụng thuốc quá liều vì thiếu kiến thức về phương pháp điều trị", theo KCNA.

Các chuyên gia quốc tế nhận định với năng lực xét nghiệm hạn chế của Triều Tiên, những con số được công bố có thể chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ca bệnh.

Chuyên gia Kee Park (trường Y Harvard) cho biết Triều Tiên đã xét nghiệm khoảng 1.400 người mỗi tuần, nhưng công suất này là không đủ để xét nghiệm hàng trăm nghìn người có triệu chứng.

Chủ tịch Kim Jong-un cho biết cuộc khủng hoảng y tế hiện nay có một phần nguyên nhân do sự kém cỏi và thiếu trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phòng dịch. Nhưng sự lây lan không phải là không kiểm soát được, và người dân phải có niềm tin rằng đất nước sẽ vượt qua khủng hoảng trong thời gian ngắn nhất có thể, KCNA cho biết.

Chủ tịch Kim đã đề nghị đóng góp vật dụng y tế của gia đình ông cho những gia đình đang gặp khó khăn.

Ông cũng cho biết các quan chức y tế phải học hỏi kinh nghiệm phòng dịch từ các nước tiên tiến khác, bao gồm cả Trung Quốc.

Theo Yonhap, việc Triều Tiên công khai thông tin về tình hình dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại có thể tạo cơ hội mở ra cánh cửa đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm Hàn Quốc để hội đàm với tân Tổng thống Yoon Suk-yeol. Cả Seoul và Washington đều khẳng định sẵn sàng cung cấp cho Bình Nhưỡng các gói viện trợ y tế, bao gồm vắc xin và vật tư.

Các nhà quan sát cho rằng có khả năng tình hình dịch bệnh ở Triều Tiên đã nhanh chóng trở nên nghiêm trọng do thời gian gần đây nước này tổ chức nhiều sự kiện lớn, bao gồm cả một cuộc duyệt binh ở thủ đô hồi cuối tháng trước.

Theo Yonhap, Reuters
MỚI - NÓNG