Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đều khẳng định muốn một cuộc gặp trực tiếp lần thứ ba. Nhưng Triều Tiên gần đây nói rằng họ đang mất kiên nhẫn, đặt thời hạn đến cuối năm nay cho Mỹ thay đổi quan điểm đàm phán.
Triều Tiên cũng đã thử nhiều giới hạn chịu đựng của Mỹ với hàng loạt vụ phóng tên lửa, gần đây nhất là 2 tên lửa được phóng ngày 31/10.
Vụ phóng tên lửa hôm 31/10 là một nỗ lực để nhắc nhở Mỹ về thời hạn tháng 12, ông Andray Abrahamian, học giả thỉnh giảng tại ĐH George Mason, đánh giá. “Nhưng tôi nghĩ Bình Nhưỡng đã rút ra kết luận rằng họ có thể xoay xở ngay cả khi không có thỏa thuận. Điều đáng buồn là điều này sẽ làm mất đi nỗ lực đối thoại trong nhiều năm tới”, ông Abrahamian nói với Reuters.
Nỗ lực tái tranh cử và cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông Trump có thể khiến ông Kim đánh giá quá cao vị thế của Triều Tiên trên bàn đàm phán, Reuters dẫn nhận xét của một nhà ngoại giao giấu tên ở Seoul.
“Dường như ông Kim đang nghĩ rằng ông ấy có khả năng giúp đỡ hoặc phá hỏng cuộc đua tái tranh cử của ông Trump...Nhưng Trump là tất cả những gì ông Kim có. Để phi hạt nhân hóa, ông Kim cần tin tưởng khả năng ông Trump sẽ tái đắc cử”, nhà ngoại giao nói.
Người Mỹ bước vào cuộc đàm phán cấp làm việc ngày 5/10 ở Stockholm vẫn với quan điểm Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không đảo ngược và có thể kiểm chứng, và lệnh cấm thử vũ khí sẽ là bước đi đầu tiên. Dù một số bài báo nói rằng Mỹ định đề xuất tạm dỡ trừng phạt than và hàng may mặc của Triều Tiên, nhà ngoại giao nói rằng cuộc gặp ở Stockholm không bàn đến chi tiết.
“Mỹ sẽ không chấp nhận rủi ro dỡ bỏ trừng phạt trước, sau khi đã nhiều lần tặng quà ông Kim mà không nhận lại tiến triển đáng kể nào trong phi hạt nhân hóa, kể cả các cuộc gặp thượng đỉnh”, nhà ngoại giao nói.
Dù các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc vẫn được áp dụng, một phần thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc đang tăng, và quan hệ chính trị giữa hai nước được cải thiện rất nhiều.
Korea Risk Group, nhóm chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, ước tính có đến 350.000 du khách Trung Quốc đã thăm Triều Tiên trong năm nay, mang lại cho nước này doanh thu khoảng 175 triệu USD - cao hơn số tiền Triều Tiên kiếm được từ khu công nghiệp Kaesong chung với Hàn Quốc khi khu này còn hoạt động. Đó có thể là một phần lý do khiến Triều Tiên ít hứng thú hơn với đề xuất của Mỹ.
Liên Hợp Quốc báo cáo rằng Triều Tiên đang tránh được nhiều biện pháp trừng phạt, và nước này kiếm được 2 tỷ USD bằng các cuộc tấn công trên mạng. “Cuộc gặp ở Stockholm gợi ý rằng Bình Nhưỡng đang ổn nhờ hậu thuẫn của Trung Quốc. Tôi lo rằng thay vì cố đạt được thỏa thuận, Triều Tiên nghĩ Trump cần một chiến thắng hơn, từ đó đánh mất cơ hội”, ông Abrahamian nhận định.
Triều Tiên tuyên bố thử thành công giàn rocket cỡ lớn
Ngày 1/11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nước này đã thử thành công hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ lớn. KCNA viết: “Học viện Khoa học Quân sự của Triều Tiên đã thành công một lần nữa trong quá trình thử hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ siêu lớn trong chiều 31/10”.L.A