"Tôi cầu xin chính phủ Mỹ hoặc Hàn Quốc hãy cứu tôi", ông Kim nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN hôm qua.
Ông Kim, 62 tuổi, bị các nhân viên an ninh đưa vào phòng trong một khách sạn ở Bình Nhưỡng. Ông đề nghị cuộc phỏng vấn thực hiện bằng tiếng Hàn, người phiên dịch do CNN chọn.
Từng sống ở Fairfax, Virginia, Mỹ, hồi 2001, ông chuyển tới Diên Cát, thuộc châu tự trị Diên Biên, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Đây là địa điểm gần biên giới Trung Quốc với Triều Tiên, là một trung tâm thương mại giữa hai nước.
Từ đây, ông Kim cho hay hàng ngày đi tới Rason, đặc khu kinh tế ở phía Triều Tiên, nơi ông là giám đốc một công ty chuyên về thương mại quốc tế và dịch vụ khách sạn. Ông tự nhận mình làm gián điệp nhân danh "những nhân tố bảo thủ của Hàn Quốc".
"Tôi chụp các bức ảnh bí mật quân sự và các cảnh gây scandal", ông nói.
Ông này cũng kể tên một số người Hàn Quốc yêu cầu ông giúp phá hủy hệ thống của Triều Tiên và truyền bá rộng rãi chương trình tuyên truyền chống lại chính phủ Bình Nhưỡng. Các quan chức Triều Tiên đã theo dõi hoạt động của ông từ 2009, hai năm sau khi ông thành lập công ty.
Ông Kim bắt đầu làm gián điệp vào tháng 4/2013, mua chuộc người dân địa phương "thu thập các tài liệu quan trọng", để ông đưa sang Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên không phải "bất kỳ lúc nào được yêu cầu" ông cũng thực hiện.
Ông bị bắt vào tháng 10 năm ngoái khi đang gặp gỡ một nguồn tin để nhận chiếc USB và máy ảnh có chứa bí mật quân sự. Đối tác của ông là một cựu lính Triều Tiên, 35 tuổi, cũng bị bắt. Ông Kim nói mình không biết mặt người này.
Trong gần hai năm làm gián điệp, ông Kim chỉ nhận được khoảng 5.300 USD. Khi được hỏi tại sao mạo hiểm với một khoản tiền không đáng kể như vậy, ông nói "vấn đề không phải là tiền".
Ông bỏ lại vợ và hai con ở Trung Quốc và không liên lạc với họ từ khi bị bắt. Nỗ lực liên lạc với vợ ông Kim bằng số điện thoại ông cung cấp không thực hiện được. Ông Kim trả lời phỏng vấn khi các quan chức Triều Tiên có mặt, vì thế CNN không thể xác định ông có bị ép buộc hay không.
Nếu đúng, ông Kim là công dân Mỹ duy nhất đang bị giam làm tù nhân ở Triều Tiên. Hai công dân Mỹ Kenneth Bae và Matthew Miller được thả hồi tháng 11/2014. Tính đến lúc đó, Bae bị tù hai năm ở Triều Tiên.
Sau cuộc phỏng vấn, nhà chức trách Triều Tiên cung cấp cho CNN hộ chiếu của ông Kim để kiểm tra. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay họ không thể xác nhận liệu ông Kim có phải công dân Mỹ hay không. "Việc công bố về những trường hợp cụ thể về người Mỹ bị bắt có thể làm rắc rối thêm với những nỗ lực không mệt mỏi của chúng tôi nhằm giải thoát họ", tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Mục sư Hyeon Soo Lim, người mang quốc tịch Canada, đang bị giam, nói với CNN rằng ông hy vọng được trở về nhà "vào một ngày nào đó".
Ông Kim dường như có sức khỏe tốt, được dùng ba bữa mỗi ngày. Ông bị giữ ở một khách sạn ở Bình Nhưỡng, theo quy tắc các tù nhân quốc tế chưa bị buộc tội. Ông có thể đọc báo chí địa phương và xem truyền hình.
Ông cũng biết về vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, được thực hiện hôm 6/1, nói rằng nó có nghĩa đây là lúc "chính phủ Mỹ từ bỏ các chính sách thù địch chống lại Triều Tiên".
"Vụ thử bom thành công, đó là lúc từ bỏ các chính sách thù địch và giúp đỡ Triều Tiên. Mỹ cần tìm cách để hòa giải với Triều Tiên. Tôi cho rằng cách chính để làm điều đó là một hiệp ước hòa bình", ông nói.
Khi được hỏi những lời của ông giống với chương trình tuyên truyền của Triều Tiên, liệu có ai tác động lại hay soạn trước, ông Kim nói không có, cáo buộc truyền thông phương Tây "hiểu sai" tình hình của Triều Tiên.
Các tù nhân phương Tây từng bị giam ở Triều Tiên cho biết những thú nhận của mình đều được đưa ra do áp lực từ Bình Nhưỡng.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng cao, khi Hàn Quốc khôi phục chương trình phát thanh dọc biên giới. Bình Nhưỡng cáo buộc việc này "tương tự hành động chiến tranh".
Mỹ hôm qua điều máy bay ném bom B-52 đến Osan, Hàn Quốc, có sự hộ tống của các máy bay F-15 của Hàn Quốc. Các quan chức Mỹ cho biết động thái nhằm thể hiện sự đoàn kết với Seoul sau vụ thử bom của Bình Nhưỡng.