Triều cường gây ngập lụt tại TPHCM: Từ chống sang sống chung

Triều cường gây ngập lụt tại TPHCM: Từ chống sang sống chung
TP - Nhiều người dân sống ở các vùng của TPHCM thường xuyên bị ngập lụt dường như đã phải quen bởi hết công trình chống ngập này đến công trình khác được thi công nhưng cứ đến mùa là lại ngập.

> Ngập lụt TPHCM: Không chống nổi thì ...sống chung
> Ai chịu trách nhiệm vỡ bờ bao?

Đường Tân Hóa biến thành sông sau một trận mưa
Đường Tân Hóa biến thành sông sau một trận mưa.

Bến Phú Định nói riêng và phường 16 (quận 8, TPHCM) nói chung là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi triều cường. Khi triều cường lên thì toàn bộ khu vực này mênh mông nước, buôn bán ế ẩm, đi lại khó khăn... chẳng khác gì ốc đảo giữa thành phố.

Ngập nhiều nên quen

Bà Chi, người dân ở hẻm 49, đường Phú Định (phường 16, quận 8) nói: “Quanh khu vực này cứ triều cường lên là ngập, chính quyền cùng với người dân hết nâng đường rồi nâng nhà nhưng tình trạng ngập vẫn không khá hơn bao nhiêu”.

Mọi sinh hoạt trong gia đình gần như bị đảo lộn mỗi khi mùa triều cường đến. Trong nhà hầu như đồ đạc luôn phải kê cao hơn nền nhà từ 10- 20 cm để đề phòng nước dâng vì “ai cũng đi làm chứ có ở nhà đâu mà dọn dẹp cho kịp”. “Nhiều lần tôi định chuyển nhà nhưng nghĩ lại ở đâu cũng ngập, với lại ngập nhiều cũng quen nên không chuyển nữa”, bà Chi cho biết thêm.

Trong khi đó, mỗi lần triều cường lên là xưởng cơ khí của gia đình anh Thư lại bị nước bao vây, tấn công máy móc, vật dụng. Anh Thư nói:“Nước ngập kiểu này một đằng làm ăn không được, một đằng lại thêm hư hỏng vật dụng, máy móc, nhưng cũng đành chịu thôi chứ biết kêu ai bây giờ”.

Để đối phó với triều cường, anh Thư phải luôn kê cao máy móc, còn khi nào nghe đài báo triều cường đạt đỉnh thì coi như hôm đó không làm được gì, chỉ tập trung dọn máy móc. Nhà bà Lê Thị Ngọc Hương phải sắm hai cái máy bơm trữ sẵn để bơm nước, “không thì nước ngập như sông, không cách nào ở được. Chỉ vào cái máy bơm để trước sân, bà Hương nói: “Trước đây nước ngập ít nên chỉ dùng bao cát, giờ nước ngập ngày càng nhiều và năm nào cũng như năm nào nên gia đình tôi sắm luôn hai cái máy bơm để sẵn chứ sức đâu mà đắp bao cát với tát nữa mãi”.

Anh Nguyễn Quang Hiệp, chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở đường số 41 (phường 16, quận 8) luôn phải kê sẵn hàng hóa lên cao, khi nào ai mua thì lấy xuống bán, chỉ thứ gì khó đưa lên cao được như sành sứ thì đành
để vậy.

Ở hẻm 154 và 172 đường 41, dù cốt đường vừa mới được nâng lên cách đây không lâu nhưng nước vẫn ngập. Anh Hiệp cho biết: “Cứ nhà nào thấp hơn đường là chắc chắn có máy bơm bởi nước ngập dữ lắm, không bơm thì không cách nào ở được”.

“Chống không nổi”

Sống ở mặt tiền đường 41 gần 5 năm nhưng đây là năm anh Hiệp thấy triều cường lên cao và phức tạp nhất. Theo anh, mọi năm cứ đến tháng 9- 10 là triều cường lên cao nhất, còn từ tháng 11 trở đi, nước chỉ trán qua đường thôi. Tuy nhiên, năm nay ngược lại, đến tháng 12 rồi mà triều cường vẫn cao. Chưa năm nào triều cường lên mà nước vào nhà cả, vậy mà năm nay đã 2- 3 lần nước tràn vào nhà.

“Người ta nói chống ngập kiểu gì mà đường đã nâng, xóm cũng nâng, bờ bao quanh bến Phú Định mới xây xong, vậy mà ngập vẫn ngập là sao? Nhiều khi thấy người dân đưa đón con đi học mà thấy thương vì không té xe thì cũng dắt bộ bởi nước ngập hơn nửa bánh thì làm sao mà đi được”, anh Hiệp nói.

Lãnh đạo phường 16, quận 8 cho hay, hầu hết các khu dân cư trong phường đều bị ngập nên gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Đối với những điểm ngập sâu hay gần trường học thì phường thường bố trí lực lượng dân phòng túc trực ở đó nhằm hỗ trợ và hướng dẫn người dân lưu thông, tránh gặp nguy hiểm.

Chị Nguyễn Thị Hoa, có con học ở trường tiểu học Hòa Bình nói: “Nhiều lúc nước ngập dữ quá, xe chết máy nhưng cũng may là có lực lượng công an phường với cảnh sát giao thông đẩy xe, chỉ đường giúp chứ không mà dắt bộ thì không biết khi nào mẹ con tôi mới về tới nhà”.

Những gì chính quyền địa phương giúp đỡ người dân sống chung với lụt lội cũng chỉ nằm trong một số việc như vậy.

Về việc khắc phụ ngập úng, ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng Quản lý thoát nước (Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM) cho rằng, hiện vẫn còn một số công trình kênh rạch đang thi công (như kênh Tân Hóa- Lò Gốm) nên tạm thời phải bít đường thoát nước, khiến mỗi khi có triều cường kết hợp với mưa lớn sẽ gây nên tình trạng ngập úng trên diện rộng ở các khu vực như đường Tân Hóa, Đặng Nguyên Cẩn, Hòa Bình... Bên cạnh đó, thiếu vốn để thực hiện chương trình chống ngập cũng là một vấn đề lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt kéo dài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG