Triết lý kinh doanh của “người đàn bà sữa tươi”

TP - “Không bao giờ tối đa hóa lợi nhuận mà phải hài hòa lợi ích, vì cộng đồng”,  nữ doanh nhân Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH, một phật tử với pháp danh Diệu Huệ - nói như vậy khi trò chuyện về cái nghiệp kinh doanh của mình.

Phòng làm việc của nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Top 50 năm 2015 theo bình chọn của Forbes) thoáng đãng mà tĩnh lặng, phảng phất mùi trầm hương trong buổi chiều thu Hà Nội. Nội thất bài trí giản dị. Trên bàn làm việc đặt đóa sen bằng đồng xinh xắn, cạnh đó là tấm biển nhỏ khắc tên phật tử Diệu Huệ.

Kế bên đại bản doanh 60 Lý Thái Tổ của bà Thái Hương chính là KS Metropole cổ kính, nơi Tổng thống Israel Shimon Peres từng ở trong thời gian thăm Việt Nam, gặp gỡ với bà Thái Hương và uống ngon lành ly sữa tươi TH True Milk, khà một cái rồi nhận xét: “Ly sữa Israel chất lượng hàng đầu thế giới. Ly sữa TH dùng công nghệ Israel, nó cũng vậy”.

Triết lý kinh doanh của “người đàn bà sữa tươi” ảnh 1

Ðồng hành cùng cải cách giáo dục

Ðáng ngạc nhiên, “người đàn bà sữa tươi” Thái Hương mở đầu câu chuyện không phải về sữa mà về cải cách giáo dục. Bà say sưa nói về triết lý giáo dục, về việc dạy và học trước yêu cầu của hội nhập, về việc đào tạo và đãi ngộ thầy cô giáo… “Ðáng tiếc, còn một vế nữa rất quan trọng cần song hành cùng cải cách giáo dục, đó là phát triển thể chất và trí tuệ cho học sinh, thì dường như lại chưa được chú trọng đúng mức” - bà Thái Hương nói.

Lứa tuổi vàng - 12 năm đầu tiên của cuộc đời - không được ăn uống đủ chất, suy dinh dưỡng, chính là nguyên nhân vì sao người Việt vẫn thấp bé, nhẹ cân hơn hầu hết các nước trong khu vực và thế giới. “Là doanh nhân, tôi muốn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Nói đổi mới dạy và học rất đúng. Nhưng cần chú ý tới tháp dinh dưỡng và bữa ăn học đường. Học sinh phải khỏe thì mới có thể học tốt. Lứa tuổi vàng cần được chăm sóc kịp thời. Ðể có một nguồn nhân lực tốt, cải cách dạy và học cần song hành cùng cải cách trí lực và thể lực. Tất cả trẻ em, không phân biệt giàu nghèo, đều cần được uống những ly sữa tươi học đường tốt nhất theo quy chuẩn” – bà Thái Hương nói.

Ðược biết, trong hai năm 2013-2014, TH dày công nghiên cứu, chủ động phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Bộ Y tế, Bộ GD&ÐT và các chuyên gia Pháp khảo sát trên hàng ngàn học sinh của 12 trường mẫu giáo và tiểu học ở Nghĩa Ðàn, Nghệ An. Mỗi ngày các em được uống 1 ly sữa tươi TH True Milk 180ml có bổ sung vi chất, uống 5 ngày/tuần liên tục trong 5 tháng. Kết quả cho thấy, các chỉ số chiều cao, cân nặng và tình trạng thiếu vi chất đều được cải thiện rõ rệt.

Từ kết quả trên, lần đầu tiên tại Việt Nam ra đời tiêu chuẩn sữa tươi học đường của TH, được Bộ Y tế chính thức công nhận. Nhưng chỉ một mình TH làm thôi chưa đủ, hiện nữ doanh nhân Thái Hương đang tích cực vận động và kêu gọi ban hành ngay quy chuẩn quốc gia về sữa học đường, không thể chậm trễ thêm nữa.

Ðược biết, từ năm 2011, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 641 phê duyệt Ðề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; trong đó, nêu rõ mục tiêu đến năm 2020 “triển khai chương trình sữa học đường đối với toàn bộ các trường mẫu giáo và tiểu học”.

“Sữa học đường song hành cùng cải cách giáo dục chính là một cuộc cách mạng về nguồn lực xã hội. Sẽ tạo ra những thế hệ vàng cho Việt Nam” . 

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH

Chất giọng trầm xứ Nghệ quyết liệt, tư duy táo bạo tràn đầy năng lượng, đó là cảm nhận chung khi trò chuyện với nữ doanh nhân này. Người ta đúc kết rằng, những doanh nhân đạt tới một tầm nào đó đều có triết lý kinh doanh riêng làm kim chỉ nam cho hành động của họ. Giờ đây ngồi đối diện với một trong những “nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á”, Tổng GÐ Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch Tập đoàn TH, bà Thái Hương, tôi thấy cái lý của đúc kết đó.

Doanh nhân nào mà chả vì lợi nhuận nhưng ngoài việc “không tối đa hóa lợi nhuận mà hài hòa lợi ích” như bà tâm sự, tôi còn thấy lấp lánh đâu đó nét kiêu hãnh, tự tôn dân tộc ẩn chứa trong con người phụ nữ gốc Ðô Lương xứ Nghệ này. Bà Thái Hương chia sẻ: “Sữa học đường song hành cùng cải cách giáo dục chính là một cuộc cách mạng về nguồn lực xã hội. Sẽ tạo ra những thế hệ vàng cho Việt Nam. Mình đi con đường này không cần phải đi chùa nữa đâu, vì đây là công đức cho đất nước rồi. Rất mong cộng đồng cùng chung tay vì tầm vóc Việt!”. Và tôi tin, lời kêu gọi của nữ doanh nhân này sẽ được nhiều người hưởng ứng bởi cái tâm và tầm của một dự án dành cho cộng đồng với những mục tiêu hết sức tốt đẹp và nhân văn.

Triết lý kinh doanh của “người đàn bà sữa tươi” ảnh 2

Nhân viên Tập đoàn TH trong một lần đưa sữa đến với trẻ em vùng cao Sơn La.

“Chỉ có doanh nhân mới tạo ra việc làm”

Chúng tôi thực sự bất ngờ với những dự án tầm cỡ khác mà nữ doanh nhân này hé lộ. Theo đó, Tập đoàn TH đã nghiên cứu xong toàn bộ tháp dinh dưỡng và công nghệ dạy học liên cấp từ 2 tuổi đến tốt nghiệp cấp 3 rồi vào ÐH. Ðó là hệ thống trường học TH School, sẽ bắt đầu tuyển sinh ngay năm tới. Ngoài ra, sắp tới TH còn cho ra đời hệ thống chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, theo dõi và cảnh báo sức khỏe bằng chip thế hệ mới nhất của Mỹ… Hóa ra, những dự án táo bạo của nữ doanh nhân xứ Nghệ này đều có chung một mẫu số - đi thẳng vào công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.

Hàng triệu hécta đất nông lâm trường trên cả nước mà trong mười năm chỉ nộp ngân sách được 1.800 tỷ đồng, tính ra mỗi hécta chỉ có 90.000 đồng, tức là khoảng 10kg gạo, một sự lãng phí ghê gớm! Nhưng vẫn đồng đất nông lâm trường ấy, chính những doanh nghiệp như TH đã nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ, biến nó thành “trang trại châu Âu giữa lòng xứ Nghệ”, đem lại công ăn việc làm cho cả ngàn con người nơi đây.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng hai lần tới thăm trang trại của TH, lần thứ hai khi ông đã về nghỉ. Bà Thái Hương kể, khi tận mắt chứng kiến những thành công của trang trại TH sau 5 năm với biết bao thách thức gian truân, nay quay trở lại, nguyên Chủ tịch nước nhắn nhủ: “Ngày hôm nay tôi đã nghỉ rồi, nhưng tôi muốn nói, chính quyền hãy san sẻ những điều cần san sẻ với doanh nhân”.

Xin mượn câu nói của tỷ phú Mỹ Donald J.Trump để thay cho lời kết bài viết này: “Không có chính phủ nào có thể tạo ra việc làm cả. Chỉ có những doanh nhân mới có thể nhìn thấy tương lai và biến chúng thành sự thật,  rủi ro, thất bại, và thành công lặp đi lặp lại. Trong quá trình đó, họ tạo ra những ngành nghề mới và những cơ hội mới cho mọi người trên khắp thế giới”.

MỚI - NÓNG