Khai thác gỗ như chốn không người
Để vào được trong sào huyệt của các băng nhóm lâm tặc khai thác du sam ở Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, chúng tôi nhờ cậy người dân bản địa dẫn đường. Người dẫn đường căn dặn trước chuyến hành trình, cần chuẩn bị nồi niêu, thức ăn và võng chống muỗi, vì cả đi và về có nhanh cũng mất 2 ngày đêm.
Xuất phát từ 6 giờ sáng, qua nhiều cung đường lầy lội, đến 14 giờ cùng ngày chúng tôi mới đến được tiểu khu 1133, là nơi tập trung nhiều cây du sam của Khu bảo tồn. Càng vào sâu bên trong, những đoạn dốc dựng đứng, cảnh quan um tùm và lối mòn ẩn kín càng minh chứng khu rừng còn nguyên sơ. Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung có diện tích khoảng 22 nghìn ha. Theo những người sống lâu năm ở địa bàn, du sam tập trung từ các sườn núi cao hơn 1500 mét trở lên so với mực nước biển, ở địa thế hình chóp nón, tại tiểu khu 1133, 1132 và 1618 thuộc lâm phần quản lý trước đây của Công ty TNHH Đức Hòa. Nhiều người vẫn ví von, nếu đặt chân đến được các tiểu khu này, thì như đến được cổng trời.
Tới gần một bãi đất rộng ở tiểu khu 1133, nhóm phóng viên bắt đầu mệt lả do chuyến đi kéo dài và liên tục. Cảm giác về một khu rừng hoang sơ bỗng nhiên tan biến, khi chúng tôi lại thấy xuất hiện những con đường mòn, dấu vết cây đổ ngả nghiêng. Lần tìm hơn chục mét nữa, lộ ra 1 gốc du sam đường kính hơn 2 mét đã nhuốm màu đen, chứng tỏ cây đã bị lâm tặc đốn hạ từ lâu. Cách vị trí này không xa, hàng chục cây gỗ quý khác cũng chịu cảnh tượng tương tự. Cạnh con đường nhỏ, nhiều thân du sam đã được cắt xẻ thành dạng hộp, thơm mùi tinh dầu nằm im lìm trên đất chờ đến ngày vận chuyển ra khỏi rừng. “Số gỗ này còn nguyên màu vàng và mùi thơm nồng, chứng tỏ du sam vừa bị đốn hạ. Ở khu vực này, muốn đi ra được ngoài đường chính, đem đi tiêu thụ phải mất nhiều thời gian. Có thể lâm tặc đốn xong thì trời mưa to, đường đi lầy lội nên chúng chưa kịp vận chuyển gỗ ra khỏi rừng” – Người dẫn đường nhận định.
Chuyển “nhầm” gỗ tang vật?
Làm việc với nhóm phóng viên, ông Đặng Xuân Lộc, Giám đốc Khu bảo tồn, kiêm hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết: Sau khi phát hiện quần thể du sam bị đốn hạ, cơ quan này đã vào hiện trường để kiểm tra, lập biên bản, thống kê thiệt hại.
“Chúng tôi đã lập biên bản vụ vi phạm cất giữ gỗ trái phép tại tiểu khu 1133. Hiện trường khai thác thuộc lô 2, 45, 50, 66 khoảnh 2; lô 39 khoảnh 5 và lô 12, 13, 21 khoảnh 7 thuộc tiểu khu 1133. Tổng số bị đốn hạ gồm 40 cây, trong đó có 25 cây du sam, 13 cây dầu gió (gỗ dổi) và 2 cây kền kền, khối lượng 97,666 m3 gỗ tròn, riêng gỗ du sam là 82,061 m3” – Ông Lộc nói.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 9/11/2016, Công an huyện Đắk Song đã khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” xảy ra tại tiểu khu 1133 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Công an Đắk Song đã phối hợp với kiểm lâm Khu bảo tồn vào hiện trường lập biên bản, chở số gỗ tang vật vụ án về trụ sở theo đúng thẩm quyền. Tuy nhiên khi kiểm tra hành chính, lực lượng kiểm lâm phát hiện, người được làm hợp đồng thuê vào hiện trường lại không vận chuyển số gỗ tang vật vụ án.
Số gỗ du sam bị “chở nhầm”, không phải là tang vật của vụ án.
Theo báo cáo của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, ngày 26/10/2016 trên đường vào hiện trường kiểm tra, giám sát việc thu gom tang vật vụ án tại tiểu khu 1133, lực lượng kiểm lâm phát hiện 1 xe càng cày, trên xe có 3 hộp gỗ (2 hộp hình dạng tròn, 1 hộp hình vuông) du sam có đường kính từ 40 đến 70 cm. Tổng khối lượng 1,9 m3. Khi kiểm tra thực tế, số gỗ này không phải là tang vật của vụ án mà Công an huyện Đắk Song đã khởi tố trước đó. Người điều khiển xe càng cày là Trần Văn Hưng và phụ xe Trần Văn Hải (trú tại xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song). Cả hai cho biết, họ đã được Công an huyện Đắk Song hợp đồng để thuê chở gỗ tang vật. Kiểm tra cho thấy, số gỗ du sam nói trên không lấy từ tiểu khu 1133, mà được lấy từ tiểu khu 1132. Mở rộng điều tra tại tiểu khu 1132, lực lượng kiểm lâm phát hiện 10 cây gỗ đã bị đốn hạ, trong đó có 8 cây du sam (có 2 cây dấu vết đã cũ, 6 cây dấu vết còn mới) và 2 cây gỗ dầu gió. Tổng khối lượng 33,308 m3.
Theo báo cáo của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung: Ngày 29/10, trong khi kiểm lâm đang đưa xe và tang vật về Khu bảo tồn để xử lý, thì có 3 cán bộ công an huyện Đắk Song đề nghị đưa số gỗ và phương tiện về trụ sở công an huyện. Vì Công an huyện Đắk Song xác nhận Trần Văn Hưng là người được cơ quan này thuê chở tang vật của vụ án, nên kiểm lâm đã trả phương tiện để ông Hưng tiếp tục thực hiện hợp đồng vận chuyển, nhưng vẫn lập biên bản thu giữ số gỗ du sam vì xác định rõ đây không phải là tang vật của vụ án. Còn ông Hưng thì khai: Vào hiện trường cứ thấy gỗ là bốc xếp lên xe, mà không xác định được gỗ nào mới được xem là gỗ tang vật của vụ án ?!
Trao đổi với nhóm phóng viên về vấn đề này, lãnh đạo công an huyện Đắk Song xác nhận: chiếc xe càng cày bị Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bắt giữ, chính là phương tiện đã được Công an huyện thuê để chở số gỗ tang vật của vụ án phá rừng trước đó. “Khi vào hiện trường vận chuyển gỗ có cơ quan chức năng giám sát. Còn việc chở gỗ không đúng yêu cầu, là do cơ quan chức năng chưa vào kịp, họ bốc nhầm. Số gỗ này do lâm tặc khai thác bỏ giữa đường. Không có chuyện lợi dụng việc vận chuyển gỗ tang vật để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép!” – Lãnh đạo Công an huyện Đắk Song khẳng định.
Ngày 29/9/2016, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định số:1677/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra đặc biệt do Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Công an huyện Đắk Song và Kiểm lâm trực tiếp kiểm tra quần thể du sam bị khai thác trái phép tại tiểu khu 1133 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Thế nhưng, dù vụ án đã được khởi tố, đang được điều tra, du sam vẫn tiếp tục bị đốn hạ tại tiểu khu 1132 như giữa chốn không người. Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ đạo công an tỉnh Đắk Nông sớm làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.