'Triết gia' bán vé số

'Triết gia' bán vé số
TP - Ông Kim Ngọc, người thực hiện chính sách khoán hộ tạo ra một cuộc đột phá trong nông nghiệp vào giữa thập niên 1960 ở miền Bắc, khiến ông bị kỷ luật, và bây giờ đã được nhà nước vinh danh.

Đi chạp mộ ông khoán hộ

Nhưng câu chuyện “khoán hộ” vẫn chưa trọn vẹn vì còn một nhân vật nữa chưa được xem xét phục hồi. Người đó được mệnh danh là “triết gia khoán hộ”, hiện đang bán vé số ở Huế

Tôi tìm đến chợ Thông thuộc làng An Ninh Thượng, phường Hương Long, ngoại ô TP Huế, để tìm ông. Vừa đến gần chợ đã thấy một ông già gầy gò trên chiếc xe đạp cà tàng, tay cầm xấp vé số. Khuôn mặt hốc hác nhưng đôi mắt thì rất sáng và nụ cười đôn hậu. Tôi đoán ngay ông vé số là “triết gia khoán hộ” Lê Xuân Thiết.

Sau đó, trong căn nhà của ông đại lý vé số tên Vinh, người cưu mang ông Thiết suốt 22 năm qua, câu chuyện của “ông thầy khoán hộ” đã khiến tôi bất ngờ. Trước khi gặp ông, tôi cứ nghĩ sẽ viết tiếp về một số phận bi thương, nhưng ông không phải là con người như vậy.

Bản luận chứng “Khoán hộ”

Trước đó, ông từng du học học kinh tế học ở tận Kiev, Liên Xô cũ. Nhưng vì lý do sức khỏe, ông về học trong nước. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế - Kế hoạch Hà Nội năm 1967 với tấm bằng loại ưu, chàng trai 30 tuổi Lê Xuân Thiết nhận quyết định về công tác tại Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phúc. Lúc đó cả miền Bắc bị đói, và đối tượng đói nhất lại chính là người sản xuất ra lúa gạo. Chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phú (đầu năm 1968 Vĩnh Phúc sáp nhập với Phú Thọ thành Vĩnh Phú - NV) thì nông dân lại no đủ.

Đó là kết quả của chính sách “khoán hộ” do Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng và triển khai khắp toàn tỉnh từ năm 1968. Nông dân được giao ruộng đất để tự cày cấy, sau khi đóng sản lượng (đã được khoán theo hộ) cho nhà nước thì được hưởng phần còn lại, nhờ vậy mà năng suất đạt rất cao, lúa gạo đầy nhà.

Nhưng đến cuối năm 1968, chính sách “khoán hộ” bị cấm và Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc bị kiểm điểm nặng nề. Thiết liền tìm đến huyện Lập Thạch, nơi vẫn còn “lén lút” thực hiện “khoán hộ” và nhận ra việc ông Kim Ngọc làm là quá đúng, đúng với khoa học và đúng cả đạo lý.

Nhưng do ông Kim Ngọc có thực tiễn mà chưa đúc kết thành lý luận, nên không bảo vệ được chính sách khoán hộ. Vậy là Thiết viết một bản luận chứng dài 72 trang, chứng minh chính sách khoán hộ là đúng, là hợp quy luật; tựu trung trong mấy ý sau: cần giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho hộ nông dân; ai giỏi nghề gì thì làm nghề ấy; nông dân được quyền bán cái mình làm ra ở đâu đắt nhất và mua cái mình cần ở đâu rẻ nhất; xoá bỏ ngăn sông cấm chợ.

“Trên cơ sở thực tiễn của ông Kim Ngọc, tôi đã nâng lên thành luận điểm khoa học, để bằng mọi cách bảo vệ một chân lý đang bị vùi dập”, ông Thiết nói.

Bấy giờ là giữa năm 1974, sau bảy năm làm việc (1967-1974), cơ quan Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú yêu cầu Thiết làm báo cáo tập sự. Nhân cơ hội này, Thiết đã đưa ra bản luận chứng về chính sách khoán hộ thay cho bản báo cáo tập sự. Vậy là tai ương bắt đầu đổ xuống.

“Tôi không phải là kẻ cơ hội !”

Chính sách khoán hộ đã bị kết án là sai lầm, ông Kim Ngọc bị kỷ luật, vì vậy bản luận chứng khoán hộ của Lê Xuân Thiết không chỉ bị Ủy ban Kế hoạch tỉnh Phú Thọ kết luận là: xét lại, chống Đảng, theo tư bản chủ nghĩa, mà còn bị kết thêm tội “ngoan cố”! Đảng ủy cơ quan liền đề nghị Thiết viết kiểm điểm và thừa nhận mình sai lầm. Thiết không chịu. Có người rỉ tai Thiết, nếu cậu cứ ngoan cố vậy thì sẽ chết.

Thiết lắc đầu: “Tôi là người làm khoa học, tôi không phải là kẻ cơ hội! Thấy đúng mà vẫn nhận sai thì có tội với dân với nước. Thấy Đảng sai mà vẫn im lặng phục tùng mới là chống Đảng!”. Vậy là Thiết nhận án kỷ luật: khai trừ Đảng, chuyển sang làm nhân viên dọn vệ sinh cho cơ quan. Thiết vẫn nhẫn nhục với công việc của người lao công.

Thiết là một điển hình của số phận người Việt của một thời. Từ tấm bé đã làm chú liên lạc cho Việt Minh huyện Hương Trà, đi tập kết để cố gắng trở thành người trí thức, nhưng nỗi thăng trầm của Thiết là ở chỗ anh lại muốn trở thành một trí thức thật đúng nghĩa. Tôi tha thiết mong ước rằng giới trẻ sẽ tìm hiểu câu chuyện về Thiết – một người trí thức trẻ đã biết dấn thân và theo đuổi chân lý bằng tất cả nhiệt huyết và trí tuệ của mình - Ông Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Minh triết thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Năm 1976, Thiết được điều về Ủy ban Kế hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước khi đi, ông bí thư chi bộ còn bảo Thiết nhận sai lầm đi để ghi vào lý lịch nhẹ hơn.

Thiết vẫn không chịu: “Nếu nhà nước dùng được thì dùng, không thì thôi. Tôi không thể nói trái sự thật”. Vì vậy, về đến Huế, Thiết đã gặp ngay sự lạnh nhạt của quê nhà và vui vẻ ra nhận công việc ở phòng Kế hoạch huyện Hương Trà. Một năm sau, huyện này sáp nhập với hai huyện khác thành huyện Hương Điền.

Ông chủ tịch huyện Hương Điền Nguyễn Sĩ Hạt lúc đó có vẻ đã nhận ra lợi ích của khoán hộ, nên đã âm thầm nhắm anh chàng Thiết này, nhưng lại tạm giao nhiệm vụ thư ký cho ban cải tạo công thương.

Thiết đã thấy trước kết cục của “cuộc cách mạng” này nên nhân lúc ông Hạt đi công tác dài ngày, ở nhà có chủ trương đưa cán bộ về cơ sở, liền đăng ký về Xí nghiệp vôi Long Thọ.

Tại đây, Thiết lại nhận công việc ở phòng kế hoạch, và lại bất đồng quan điểm với lãnh đạo. Ông trưởng phòng rất hiểu Thiết liền can: “Thôi đừng nói nữa, họ bỏ tù anh đó”.

Vẫn là một trí thức

Ngột ngạt quá, Thiết liền cáo bệnh và xin nghỉ mất sức. Đó là năm 1980, Thiết 43 tuổi, sau 30 năm ra đi giờ trở về làng An Ninh Hạ với hai bàn tay trắng. Lúc này anh mới nghĩ đến một việc làm cho bản thân mình: lấy vợ. Năm đó Thiết cưới cô y tá ở bệnh viện y học dân tộc tỉnh, một năm sau sinh con trai. Cứ tưởng là an phận, “nhưng đó lại là năm cực khổ chưa từng có trong đời tôi”. Trên khoé mắt của ông già vé số chợt ngấn nước, và đó là giọt nước mắt duy nhất mà tôi chứng kiến trong suốt cuộc trò chuyện.

Đói triền miên, con nhỏ lại bị bệnh mà không có tiền mua thuốc. Ông nói mấy lần ngã ngựa vẫn không đau, nhưng nhìn con bị bệnh không có thuốc thì đau đớn lắm. Năm 1990, lương hưu mất sức lao động cũng bị cắt. Thiết hụt hẫng như rơi tự do, gia đình bắt đầu lục đục, vợ ôm con bỏ về tập thể bệnh viện tá túc. Thiết bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh một cách quyết liệt, cái quyết liệt của bản năng sinh tồn. Ông già vé số nheo mắt cười: “Đó cũng là qui luật thiết thân của con người”.

Vẫn nụ cười thanh thản
Vẫn nụ cười thanh thản .

Bán trứng lộn, lượm chai bao đồng nát, làm đủ thứ mà vẫn không đủ ăn. Năm 1988, đứa em rể làm đại lý vé số thấy ông anh cử nhân kinh tế học đã từng đi Liên Xô về mà đói rách tả tơi liền bảo về bán vé số. Ông nói hoá ra cái nghề bán vé số này lại giúp ông tồn tại đến tận bây giờ và có lẽ ông sẽ còn nương nhờ nó cho đến ngày nhắm mắt. Chỉ có điều, trong 22 năm đó, ai cũng tưởng rằng khổ ải đã biến cải anh chàng cử nhân kinh tế ngang bướng thành một ông già tội nghiệp. Nhưng tôi nhận ra: ông vẫn là một người trí thức đúng nghĩa!

Bản luận chứng dài 72 trang viết tay được đánh máy còn 40 trang, ông Thiết cho biết đã bị mất cả bản chính lẫn bản nháp. Nhưng ông nói nếu còn thì nó cũng lỗi thời lắm rồi, bởi “khoán hộ” theo ông vẫn chỉ là giải pháp tình thế lúc đó mà thôi.

“Chiến lược của tôi là giải phóng sức lao động, biến sức lao động thành hàng hoá; sau đó, giải phóng tư liệu sản xuất khỏi những bàn tay vô cảm”, ông Thiết nói rất say sưa về cuộc nghiên cứu kinh tế mà ông xem như món nợ đời mình. Ông cho biết đang viết một cuốn sách về những điều mà ông đã đánh đổi cả cuộc đời để có được.

Tôi hỏi ông có nguyện vọng được phục hồi như ông Kim Ngọc không, ông cười lắc đầu: “Muộn rồi, vả lại nhu cầu cho bản thân tôi đâu có nhiều”. Điều cuối cùng trong câu chuyện hết sức nhiệt huyết của “triết gia” bán vé số vẫn là một niềm khắc khoải: “Xã hội muốn phát triển thì phải có nền tảng kinh tế chính trị học. Các bạn trẻ cần phải đam mê và đi sâu nghiên cứu để xây dựng nền tảng đó. Đó chính là nền móng của nền kinh tế quốc gia, là động lực phát triển xã hội”.

Ông Thiết cho biết sau khi hoàn tất bản luận chứng, đã gửi cho hai người thầy của mình là ông Nguyễn Khắc Mai và Tôn Thất Tịnh (đều là người Huế tập kết ra Bắc). Ông Mai bây giờ đã về hưu ở Hà Nội, làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt.

Ông Mai cho biết vào năm 1973 có nhận một bản thảo đánh máy khoảng 40 trang của ông Thiết trình bày những luận điểm chứng minh sự đúng đắn của khoán hộ.

“Tôi tán thành những luận điểm ấy. Vì vậy, việc kỷ luật Thiết là không đúng, và khuyên Thiết nên khiếu nại. Nhưng Thiết thấy không giải quyết được gì, nên thôi”, ông Mai nói.

Ông Tôn Thất Tịnh cho hay lúc đó ông làm ở Viện Triết học có nhận bản báo cáo về khoán hộ của Lê Xuân Thiết do ông Nguyễn Khắc Mai chuyển. “Cậu ấy bị oan lắm, nhưng bọn tôi không cứu được” - ông Tịnh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG