Triển vọng ảm đạm khi tên lửa đánh chặn Mỹ lại trượt mục tiêu

Một tên lửa Standard Missile-3 Block IIA trong lần được phóng trong một vụ thử từ tuần dương hạm USS Lake Erie. Ảnh: US Navy.
Một tên lửa Standard Missile-3 Block IIA trong lần được phóng trong một vụ thử từ tuần dương hạm USS Lake Erie. Ảnh: US Navy.
TP - Một hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ đã bắn trượt mục tiêu trong cuộc thử nghiệm ở ngoài khơi quần đảo Hawaii hôm 31/1. Thông tin này làm dấy lên lo ngại về cách Mỹ sẽ bảo vệ mình nếu hứng tên lửa từ Triều Tiên hay một nước thù địch nào đó và gây bi quan ở Nhật Bản khi nước này chuẩn bị lắp đặt hệ thống đắt đỏ.

Một quan chức Lầu Năm Góc nói rằng một tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA do công ty Raytheon chế tạo đã được phóng từ một địa điểm thử nghiệm ở Hawaii. Hệ thống này hoạt động giống như cách bắn một viên đạn để chặn viên đạn khác đang bay tới. Đây là vụ thất bại lần thứ hai liên quan đến thử nghiệm SM-3, lần trước là vào tháng 6 năm ngoái.

Ông Mark Wright, phát ngôn viên của Cơ quan phòng thủ tên lửa, xác nhận “một tên lửa được phóng đi trong cuộc thử nghiệm sử dụng vũ khí thật”, nhưng không xác nhận vụ thử nghiệm thất bại. Nhưng hai quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ tên lửa đó đã bắn trượt tên lửa giả đang bay tới, báo New York Times đưa tin.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn ở mức cao. Nhưng việc một hệ thống tên lửa bắn trượt có vẻ là điều xảy ra thường xuyên đến mức ngay cả những người ủng hộ hệ thống này cũng không coi đây là chiếc khiên phòng vệ. Chỉ khoảng một nửa vụ phóng thử trong vòng 13 năm qua kể từ khi hệ thống này bắt đầu được sử dụng được tuyên bố là thành công hoặc thành công một phần. Tháng 8 năm ngoái, Mỹ đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung ở ngoài khơi bờ biển Hawaii.

Trong khi đó, phân tích các đợt bắn thử của Triều Tiên và những tên lửa được trưng ra trong các cuộc diễu binh trên đường phố Bình Nhưỡng cho thấy Triều Tiên có thể đang tìm cách phát triển loại đầu đạn hạt nhân có thể điều khiển được. Nếu thành công, công nghệ này sẽ giúp đầu đạn tránh được các tên lửa đánh chặn.

Vụ thử nghiệm thất bại của Mỹ lần này rơi vào thời điểm Nhật Bản đang triển khai kế hoạch lắp đặt hệ thống Aegis Ashore cực kỳ tốn kém. Tháng 1 năm nay, Mỹ phê chuẩn kế hoạch bán 4 hệ thống tên lửa SM-3 Block IIA cho Nhật Bản khi hai quốc gia đồng minh này nỗ lực đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng lớn từ Triều Tiên.

Hệ thống SM-3 Block IIA có thể lắp trên các tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis Offshore và cả hệ thống Aegis Ashore (trên đất liền). Tokyo có kế hoạch nâng cấp các hệ thống tên lửa và lắp thêm hệ thống Aegis Ashore để gia tăng năng lực phòng thủ và giảm bớt gánh nặng lên các nhân sự của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang làm nhiệm vụ trên các tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis Offshore.

Tại Tokyo, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng nước này cần tự kiểm tra kết quả thử nghiệm dù nước này cũng phát triển hệ thống với Mỹ, Japan Times đưa tin. Vẫn chưa rõ vì sao vụ phóng thử của Mỹ thất bại.

CNN đưa tin Lầu Năm Góc không công khai thừa nhận vụ phóng thử thất bại một phần do “tính nhạy cảm liên quan đến việc Triều Tiên tham dự Olympic Games sắp tới và căng thẳng tiếp diễn giữa Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”.

Gọi lãnh đạo Triều Tiên là “đồi bại”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với người Mỹ trong bài phát biểu hôm 30/1 rằng việc Bình Nhưỡng theo đuổi tên lửa hạt nhân có thể “sớm đe dọa đất nước của chúng ta” và tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa để ngăn điều đó xảy ra.

Hủy đề cử đại sứ Mỹ vì chia rẽ

Trong khi đó, chính quyền của ông Trump tiếp tục bị chia rẽ liên quan đến Triều Tiên khi việc hủy đề cử một nhà ngoại giao được nhiều người đề cao tiếp tục làm dấy lên câu hỏi rằng chính quyền Mỹ sẽ đối phó cứng rắn đến mức nào với Triều Tiên trước nguy cơ Bình Nhưỡng sẽ nối lại hoạt động thử tên lửa sau khi kết thúc kỳ Olympic Games sắp tới.

Việc đề cử ông Victor Cha vào vị trí Đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc bị rút lại từ cuối tuần trước sau khi ông này cảnh báo Nhà Trắng rằng một cuộc tấn công “hộc máu mũi” vào Bình Nhưỡng sẽ gây ra nguy cơ kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh thảm khốc đe dọa hàng trăm ngàn mạng sống. Cảnh báo này giống những lời mà Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson từng đưa ra.

Nhưng những người khác trong chính quyền, trong đó có cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster, vẫn khẳng định rằng tấn công quân sự sẽ được cân nhắc như một lựa chọn nghiêm túc để gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng. Mâu thuẫn nội bộ đó được bộc lộ trong vụ rút đề cử ông Cha làm đại sứ.

Vài tháng sau khi chính quyền Trump bắt đầu quá trình dẫn đến việc đề cử, ông Cha được các quan chức trong Hội đồng an ninh quốc gia hỏi rằng liệu ông đã chuẩn bị để quản lý những nỗ lực ngoại giao nhằm dẫn đến một cuộc tấn công như vậy hay chưa, bao gồm nhiệm vụ sơ tán người dân Mỹ ra khỏi Seoul, CNN dẫn lời một nguồn tin cho biết. Ông Cha quan ngại trước một cuộc tấn công như vậy, và ông đã thể hiện điều đó trong bài viết thể hiện quan điểm riêng của báo Washington Post hôm 30/1 vừa qua. Sau một số trao đổi với ông Cha, Nhà Trắng gần như im lặng, ngay cả khi Hàn Quốc đang tiến hành quá trình chính thức tiếp nhận ông Cha làm đại sứ. Việc rút đề cử ông Cha phản ánh lo ngại của một số quan chức trong Nhà Trắng rằng đề cử ai đó phản đối khả năng tấn công Triều Tiên sẽ làm hỏng lựa chọn quân sự trước con mắt Quốc hội và các quan chức chính
quyền Mỹ.

MỚI - NÓNG