Triển lãm về chủ quyền sẽ ra quốc tế

TP - Sau hơn hai năm lan tỏa trong nước, triển lãm tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam sẽ diễn ra tại Mỹ, Pháp, Nga và Séc.

Triển lãm về chủ quyền sẽ ra quốc tế ảnh 1 Triển lãm chủ quyền lan tỏa trong nước và sắp ra quốc tế. Ảnh: Toan Toan

Lan tỏa

Sáng 30/10, phát biểu tại lễ tổng kết triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trương Minh Tuấn cho biết, từ tháng 6/2013 đến nay, Bộ chủ trì, phối hợp tổ chức 41 triển lãm tại 30 tỉnh thành, 9 điểm đảo, huyện đảo và hai đơn vị lực lượng vũ trang. Theo báo cáo của ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, ước tính, hơn 300.000 người đến xem, nghiên cứu trực tiếp, phục vụ truyền thông, học tập.

“Triển lãm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,  ông Tuấn nhấn mạnh. Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng - người tham gia triển lãm từ những ngày đầu - cho rằng, người dân xem sẽ hiểu biết hơn về lịch sử khai phá, sáng lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền, từ đó tinh thần yêu nước lên cao. “Khi đó, họ sẵn sàng xả thân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia”, ông nói.

Ông Đoàn Công Huynh đánh giá, chuỗi triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý trong hơn hai năm qua thành công nhất định. Trước hết, hình thức truyền thông thị giác sinh động tác động sâu rộng, lan tỏa với người dân ở cơ sở, từ đó nối dài kênh thông tin đại chúng, làm người dân hiểu rõ hơn về chủ quyền. Ông ví von, chuỗi triển lãm như cuộc chạy tiếp sức: Bộ chủ trì triển lãm thành công ở địa phương, địa phương tiếp tục triển lãm di động giúp “nối dài hiệu quả triển lãm, sự thụ hưởng thông tin ở tất cả các vùng miền, kể cả vùng sâu vùng xa”.

Xuất ngoại thế nào?

Theo kế hoạch do Thủ tướng phê duyệt, sau thành công trong nước, triển lãm sẽ mở rộng ra bốn nước, trước mắt là Nga, Pháp, Séc và Mỹ.

Bộ TT&TT kỳ vọng hiệu quả khi đưa triển lãm tư liệu quý ra nước ngoài, bởi vấn đề biển Đông đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Không có điều kiện đưa triển lãm đến nhiều nước, những người tổ chức mong muốn huy động sự góp sức của hơn bốn triệu kiều bào tại nước ngoài, có thể dịch tư liệu sang các tiếng trong khu vực để các bằng chứng về chủ quyền biển đảo Việt Nam đến được nhiều người hơn. Các đơn vị thẩm định tư liệu đang sắp xếp lại, vì khó có điều kiện chuyển hết khối lượng đồ sộ như thế ra nước ngoài.

“Triển lãm ra nước ngoài lúc này rất cần, là cơ hội để giới thiệu tất cả tư liệu chủ quyền. Không riêng trong nước, tôi thấy nhiều nơi còn lưu giữ được tư liệu, chỉ có điều chưa được tập hợp thành hệ thống. Khi thành hệ thống, cái nọ kiểm chứng cái kia, tăng thêm giá trị minh chứng chủ quyền. Lâu nay, chúng ta ít hoặc giới thiệu không đầy đủ, tổng thể nên lần này giúp bạn bè quốc tế nhìn nhận, đánh giá đúng về lịch sử chủ quyền, cơ sở pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, nói với phóng viên Tiền Phong.

Với tư cách chủ tịch hội đồng thẩm định tư liệu các triển lãm trong nước, GS Ngọc góp ý, nếu bê nguyên số tư liệu này ra quốc tế, không có sự chuẩn bị thật cơ bản, công phu trở về tư liệu nguyên gốc thì đem triển lãm nước ngoài hẳn hiệu quả không cao. “Nhiều tư liệu chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, giới thiệu một số tư liệu còn đại khái, chưa đi sâu vào tư liệu nguyên gốc. Trong nước, người xem không truy tận nguồn, ra nước ngoài bị đòi hỏi thì chúng ta lúng túng”, GS Ngọc nói.

Trong báo cáo tổng kết do ông Đoàn Công Huynh trình bày, Bộ TT&TT rút kinh nghiệm: Cần đổi mới mô hình triển lãm để tạo điều mới mẻ, cần bớt tính hàn lâm, biểu đạt sao cho hấp dẫn, dễ hiểu hơn nữa. Còn sơ sót trong chú thích, pano, ví dụ đã “triển lãm” còn “trưng bày”, đã “bản đồ” còn “tư liệu”, đôi chỗ nhầm giữa đảo và đá. Đôi khi sự phối hợp cập nhật thông tin chuẩn xác còn chậm, như thông tin về bãi Bàn Tha khác nhau trên một số tư liệu. 

Theo phê duyệt của Thủ tướng, từ nay đến hết 2017, Bộ TT&TT tiếp tục chủ trì và phối hợp các đơn vị tổ chức triển lãm tại 48 tỉnh thành gồm 18/29 tỉnh thành có biển, 14 tỉnh có biên giới với nước láng giềng, 16 Bộ Tư lệnh Quân khu, Quân đoàn, Vùng Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.