Đây là loại giấy do chính họa sĩ Bằng nghiên cứu chế tác và nhà nghiên cứu Bửu Ý tâm đắc đặt tên là trúc chỉ.
Giấy tre được chế tác bằng phương pháp thủ công như quy trình làm giấy truyền thống của nước ta hàng trăm năm nay.
Nghĩa là cũng bóc vỏ, chẻ nhỏ thân cây rồi ngâm nước, đun với nước vôi, xả sạch, nghiền thành bột, xeo giấy... Bột tre gắn kết với nhau bằng liên kết tự nhiên (xơ tre) chứ không dùng keo hay bất kỳ loại hóa chất nào nên giấy tre có đặc tính bền dai, ít bị mối mọt, ẩm nát, giòn gẫy... có thể dùng để thêu tranh - một số công dụng mà ít ai ngờ tới.
Mặt khác, họa sĩ Bằng kết hợp với thủ pháp chế tác giấy độc đáo của các nước khác để tạo ra một loại giấy mà trong đó có thể hoàn toàn chủ động trong việc sáng tác, thậm chí sáng tác ngay trong quá trình làm giấy.
Bởi thế mỗi tờ giấy tre anh làm ra đều mang tính độc bản; khi soi vào ánh sáng các họa tiết tạo hình chìm trong nền giấy hiện ra sinh động, cuốn hút. “Nguyên tờ giấy tre đặt trong cái khung đã là một tác phẩm nghệ thuật” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói.