Triển khai hàng loạt nghiên cứu về virus corona mới

Trong hai tuần đến một tháng, Việt Nam có thể tự sản xuất bộ test phục vụ xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm virus corona Ảnh: minh họa
Trong hai tuần đến một tháng, Việt Nam có thể tự sản xuất bộ test phục vụ xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm virus corona Ảnh: minh họa
TP - Viện Pasteur TPHCM được giao nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus học bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới, trong khi Học Viện Quân Y được giao chế tạo ít nhất 10.000 test sau một tháng, nhằm phát hiện chủng virus corona mới phục vụ mục đích phòng dịch.

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phê duyệt một số đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước nhằm cấp bách phục vụ mục đích phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó xác định được đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus học bệnh này tại Việt Nam.

Nghiên cứu cũng đặt mục tiêu xây dựng được mô hình dự báo tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra ở từng miền Nam, Bắc. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp dự phòng đồng thời xây dựng phác đồ điều trị bệnh này.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, việc triển khai nghiên cứu dịch tễ học tổng thể sẽ giúp Việt Nam có thể chạy đua với thế giới, góp phần làm sáng tỏ bức tranh dịch tễ học của bệnh này.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xét giao trực tiếp cho Học viện Quân Y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real time RT-PCR nhằm phát hiện chủng virus corona mới. Đồng thời giao cho Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa – Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP HCMvà Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ thực hiện nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của virus Corona 2019 (nCoV-2019).

Do đã chủ động nghiên cứu ngay từ khi xuất hiện dịch nên các đơn vị được giao chủ trì và phối hợp cam kết trong thời gian một tháng có thể sản xuất hàng loạt phục vụ công tác phòng, chống dịch. Cụ thể Học viện Quân y chế tạo ít nhất 10.000 test mỗi loại đạt tiêu chuẩn cơ sở còn Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa – Biochem sản xuất 20.000 test đạt tiêu chuẩn cơ sở.

Riêng bộ sinh phẩm RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện có thể có sản phẩm sau hai tuần nếu được tạo điều kiện thông quan nhanh hóa chất, nguyên liệu nhập khẩu và được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur TPHCM cung cấp chứng dương nCoV-2019. Sau 18 tháng, các đơn vị nghiên cứu phải hoàn thiện toàn bộ các quy trình, đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu, độ ổn định và tiêu chuẩn cơ sở với các sản phẩm trên.

Để các nghiên cứu đáp ứng được mục tiêu cấp bách, các đơn vị sản xuất đề nghị Bộ Y tế cho phép đưa vào sử dụng các bộ sinh phẩm này theo quy trình rút gọn để phục vụ công tác phòng, chống đại dịch.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xem xét, phê duyệt một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia để góp phần công tác phòng, chống dịch bệnh trên (nếu có) theo hướng nghiên cứu sản xuất vắc - xin, nghiên cứu tác dụng của một số thuốc trong điều trị, sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch, xe cứu thương áp suất âm.

MỚI - NÓNG