“Théâtre D’opéra Spatial”, tác phẩm từng giành giải nhất tại Hội chợ Bang Colorado (Mỹ), được tạo ra hoàn toàn bằng AI và khiến các họa sĩ phẫn nộ |
Họa sĩ Dave McKean - một nghệ sĩ đa phương tiện chuyên minh họa sách, bìa album, truyện tranh, kể từ khi ông rời Đại học Nghệ thuật Berkshire (Anh) vào năm 1986 lo lắng. Ông Kane cũng đã luôn đi đầu trong nghệ thuật kỹ thuật số, nhưng ông nhận thấy rằng, sự trỗi dậy của nghệ thuật AI là một điều rất mới, rất khác biệt.
Nghệ thuật AI trên các nền tảng phổ biến như Midjourney và Lensa cho phép người dùng chỉ cần nhập miêu tả hình ảnh họ muốn và công cụ AI sẽ tạo ra nó chỉ sau vài giây. “Một số hình ảnh từ một người bạn họa sĩ trên Facebook khiến tôi bối rối. Tôi đã nghiên cứu cách hoạt động của AI trong nguyên một ngày”, ông McKean nói.
“Chỉ mất khoảng vài phút để hiểu nguyên tắc của nó và chỉ sau một lần xem qua các kết quả để thấy được sức mạnh vô tận của nó, phản ứng ngay lập tức của tôi là: “Chà, sự nghiệp của mình thế là hết. Tại sao mọi người phải trả tiền cho tôi để làm bìa album, trong khi bất cứ ai cũng có thể nhập một vài từ vào một chương trình, và trong vài phút đã có thể nhận được một tác phẩm hoàn thiện hoàn toàn miễn phí”, ông McKean nói.
Họa sĩ Dave McKean lo ngại về nghệ thuật được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo |
Nhưng AI tạo ra nghệ thuật như thế nào? Nói một cách đơn giản nhất, nó sẽ rà soát toàn bộ Internet, tìm các “mẩu” tác phẩm nghệ thuật hiện có để ghép lại thành hình ảnh mà bạn yêu cầu. Nhưng thực chất nó phức tạp hơn thế rất nhiều – một hiện tượng mà ông McKean gọi là “học sâu”. Nó không cắt dán hình ảnh hiện có mà nó hiểu bản chất của những gì bạn đang yêu cầu. Ví dụ như nó có thể “học sâu” về màu sắc, hình dạng, tỷ lệ, kết cấu, độ phản chiếu của một quả chuối và sau đó nó có thể tạo ra một quả chuối nguyên bản hoàn toàn mới cho bạn. Nếu bạn yêu cầu một quả chuối làm bằng đá, nó sẽ “học sâu” bản chất của đá, rồi áp dụng điều đó vào bản chất của chuối và thế là một quả chuối đá ra đời. Bởi vì nó đang dựa vào một tập dữ liệu hình ảnh trực tuyến gần như vô tận, khi bạn bắt đầu nhập các từ mang tính cảm xúc, trừu tượng, mâu thuẫn hơn vào, nó sẽ cố gắng giải quyết tất cả khái niệm này theo cách của riêng nó.
Những tác động thương mại của nghệ thuật AI bắt đầu xuất hiện. Cần một bìa sách, hoặc một hình minh họa cho một album? Tại sao bạn phải thuê một họa sĩ minh họa để vẽ nó, thời gian có thể mất hàng tháng, trong khi bạn có thể tự làm miễn phí chỉ trong vài giây?
“Thế giới truyền thông thương mại phần lớn hướng đến kết quả cuối cùng về ngân sách và thời gian... Rõ ràng, thế giới đó sẽ coi AI là hệ thống sản xuất tối ưu. Mọi hạn chế trong công cụ mới này sẽ sớm được giải quyết trong tương lai. Nó chỉ mới xuất hiện vài tháng trước và hãy xem những gì nó đã đạt được. AI sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta và hiện đã được các nhà khoa học sử dụng khi cần xử lý số liệu khổng lồ”, ông McKean nói.
“Tôi ngạc nhiên về tốc độ mà AI đã thâm nhập vào các lĩnh vực sáng tạo của chúng ta. Tôi thấy lạ là có người lại muốn đọc thơ AI, nghe nhạc AI hoặc xem hình ảnh AI, trong khi chúng ta đã có nhiều thành tựu đáng kinh ngạc của nhân loại trong những lĩnh vực này”, ông nói thêm.
Ông McKean nói: “Đối với tôi, lập luận rằng đó là sự dân chủ hóa sự sáng tạo là hoàn toàn điên rồ. Việc cung cấp một từ cho AI và để nó tạo ra một bức tranh cho bạn không phải là định nghĩa về “sự sáng tạo” mà tôi biết. Nó giống việc bật một đĩa nhạc piano hơn là tự mình chơi đàn piano”.
Ông Tom Abba, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Kỹ thuật số của Đại học West of England (Anh) cũng đã theo dõi sát sao AI. Ông Abba cũng cho rằng hậu quả đối với thế giới nghệ thuật là nghiêm trọng. “Mối nguy hiểm là cộng đồng các họa sĩ minh họa và nhà thiết kế sẽ bị bỏ quên. Không ai thực sự tin rằng một giám đốc nghệ thuật sẽ tìm kiếm một họa sĩ minh họa, trong khi một công cụ máy tính đã có thể tạo ra một kết quả sử dụng được”, ông nói.
Đối với ông Abba, trong khi mọi người đều đang vui vẻ thử nghiệm các chương trình nghệ thuật AI, thì có một số câu hỏi sẽ phải được giải quyết. “Ít nhất đối với tôi, những câu hỏi về mặt đạo đức, tính nguyên bản và mục đích của nghệ thuật vẫn chưa được trả lời. Hơn nữa, ai là người giữ bản quyền đối với một tác phẩm nghệ thuật AI? Máy móc, người cho nó ý tưởng hay người họa sĩ đã (vô tình) cung cấp hình ảnh?”, ông nói.
Cuối cùng, ông McKean, người sau gần 40 năm làm việc với tư cách là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, đang phải đối mặt với thứ ông tin là một mối đe dọa mà ông thậm chí không thể hình dung nổi khi mới bắt đầu sự nghiệp.
“Sau khi quan sát hàng nghìn bức ảnh tạo ra bằng AI, tôi không cảm thấy niềm yêu thích nghệ thuật và sự sáng tạo của mình ở đây. Nếu AI muốn tạo ra nghệ thuật khiến tôi cảm nhận được, nó chỉ nên làm công cụ hỗ trợ cho một con người. Đối với tôi, nghệ thuật vẫn là một đam mê của con người. Trong những thập kỷ tới, tôi sẽ xem liệu có ai khác đồng ý với tôi không”, ông cho biết.