Sống khoa học
Theo ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu thì thuốc trị bệnh tiểu đường sẽ phát huy tối đa tác dụng của nó khi được kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện đều đặn và giảm cân nếu cần. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng một cách trực tiếp tích cực hoặc tiêu cực đến công dụng của thuốc.
Bỏ bữa hay ăn quá no trong một bữa thì đều làm cho hàm lượng đường trong máu của bạn tăng cao. Chính vì thế, thay vì chỉ ăn thành 3 bữa chính bạn nên chia ra thành nhiều bữa nhỏ mỗi ngày, để giúp hàm lượng đường trong máu được cân bằng. Tránh xa các loại đồ hộp vì chúng có chứa nhiều chất béo và tinh bột hoàn toàn bất lợi cho bệnh nhân mắc tiểu đường.
Thể dục có những ảnh hưởng tích cực đối với quá trình chuyển hóa glucose trong máu cũng như khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường không nên áp dụng bài tập như mang vác các vật nặng, quá sức; chạy bộ hay đi bộ quá lâu sẽ gây nên ảnh hưởng tiêu cực cho đôi chân.
Theo dõi lượng đường huyết thường xuyên là yếu tố quan trọng làm căn cứ cho việc kê đơn và điều trị, vì vậy bạn nên tập cho mình thói quen này.
Trao đổi kỹ với bác sĩ
Trong quá trình chữa bệnh, sự trao đổi giữa bệnh nhân và bác sĩ là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả điều trị. Dưới đây là những vấn đề mà bạn không nên bỏ qua khi trao đổi với bác sĩ:
Liệt kê các loại thuốc đang dùng: Cho bác sĩ biết tên các loại thuốc, thảo dược hay vitamin đang dùng sẽ giúp bác sĩ hiểu hơn về các vấn đề của bạn để có phương pháp điều trị thích hợp, tránh tình trạng tương tác hay phản ứng thuốc. Chưa kể một số loại thuốc điều trị bệnh khác (VD: thuốc điều trị cao huyết áp) có thể làm tăng lượng đường glucozo trong máu.
Trong trường hợp dùng thuốc và phát hiện hàm lượng đường glucozo trong máu tăng hoặc giảm bạn nên tham vấn bác sĩ để kiểm tra lại đơn thuốc. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra thường xuyên lượng đường trong máu sau khi sử dụng một loại thuốc trị bệnh mới.
Điểm tên các loại bệnh từng gặp: Ngoài việc cho bác sĩ biết các loại thuốc bạn đang sử dụng thì bạn cũng cần chia sẻ mọi rắc rối về sức khỏe mà bạn đang gặp phải, nhất là các bệnh về tim mạch, tiền sử cao huyết áp, phẫu thuật… Vấn đề tuổi tác cũng quan trọng không kém, bởi theo kết quả nghiên cứu, người già là đối tượng dễ gặp phản ứng phụ khi dùng thuốc điều trị tiểu đường, đặc biệt là khi dùng ở liều lượng cao.
Ngoài ra, bạn không nên bỏ qua những câu hỏi căn bản nhất khi bác sĩ kê đơn như:
- Tôi nên dùng loại thuốc này vào thời điểm nào? Trước/sau hay cùng thời điểm với các bữa ăn?
- Nên dùng thuốc mấy lần một ngày?
- Có nên dùng thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày?
- Phải làm gì nếu không may tôi lỡ quên uống thuốc?
- Tác dụng phụ của thuốc là gì?
- Khi gặp phải những tác dụng phụ của thuốc tôi phải xử trí ra sao?
Làm gì khi “mãi không khỏi”?
Quá nôn nóng hay dễ nản chí trong quá trình điều trị là tâm lý thường gặp ở đa số bệnh nhân. Nhưng khi thuốc chưa phát huy tác dụng thì chán nản chỉ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi hơn. Bạn nên hiểu không có loại thuốc trị tiểu đường nào là “thần dược” cả. Cùng một loại thuốc nhưng nó có thể hiệu quả với người này nhưng lại vô tác dụng với người kia. Vì vậy, qua quá trình điều trị nếu không thấy có chuyển biến tích cực, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để thay đổi một loại thuốc phù hợp hơn và mang lại hiệu quả tích cực hơn.
Hãy kiên trì khi dùng thuốc và xác định tư tưởng rằng bệnh tiểu đường là một căn bệnh nan y, khó có thể điều trị dứt điểm trong một sớm một chiều, đôi khi bạn còn phải “chung sống” với nó đến hết đời.
Bạn cũng đừng quên ghi lại chi tiết những tác dụng phụ của thuốc, biểu hiện và thời gian kéo dài của các biểu hiện đó; lưu ý cả diễn tiến của bệnh, các loại thuốc dùng kèm trong quá trình điều trị… Đó sẽ là những “căn cứ” rất quan trọng mà bạn cần cung cấp cho bác sĩ để phát hiện ra những bất thường của cơ thể và đưa ra quyết định đổi loại thuốc khác.
Lưu ý: Không dùng thuốc đã hết hạn, có sự thay đổi về màu sắc, biến chất như chảy nước, vỡ vụn hay có biểu hiện bị mốc.