Trì hoãn Brexit ảnh hưởng thế nào đến bầu cử Nghị viện châu Âu?

Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images
TPO - Tình trạng bế tắc của Chính phủ Anh đã làm dấy lên những tranh cãi về việc gia hạn Điều khoản 50 – phương tiện pháp lý giúp Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đang phản đối mạnh mẽ việc cho nước Anh thêm thời gian để giải quyết những bê bối trong nội bộ Chính phủ của mình.

Anh Quốc theo dự kiến sẽ chính thức rời EU vào ngày 29 tháng 3 tới, nhưng điều này có thể thay đổi nếu nước này yêu cầu gia hạn và được 27 nước thành viên còn lại của khối EU chấp thuận. Việc kéo thời điểm rời EU dài hơn thời hạn được thỏa thuận nhiều khả năng sẽ xung đột với thời điểm bầu cử Nghị viện châu Âu, dự kiến sẽ diễn ra vào thời điểm giữa các ngày 23 và 26 tháng 5 tới. Cơ quan này, được thành lập bởi các nhà lập pháp của 28 nước thành viên EU, bao gồm cả Anh, có trách nhiệm phê chuẩn các chính sách đối với toàn châu Âu, như các chính sách về tổng ngân sách của khối EU.

“Điều mà chúng ta không muốn xảy ra, dù có hay không có thỏa thuận, là việc để những rắc rối trên chính trường Anh quốc lan tới châu Âu. Dù chúng ta đều hiểu rằng nước Anh cần thêm thời gian, song việc để Điều khoản 50 kéo dài hơn cả thời hạn bầu cử Nghị viện châu Âu, với chúng ta là điều không thể chấp nhận được.” Guy Verhofstadt, một thành viên của Nghị viện châu Âu, và là người đại diện của cơ quan này trong tiến trình Brexit, cho biết trên Twitter vào hôm thứ Tư vừa qua (16/1).

Bình luận của ông được đưa ra trong thời điểm dự luật về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May vừa gặp thất bại lịch sử trước Hạ viện vào hôm thứ Ba vừa qua (15/1). Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã để ngỏ khả năng nước Anh sẽ trì hoãn thời điểm rời EU. Ông Macron cho biết Anh “sẽ cần thêm thời gian để vượt qua tình trạng rối ren hậu Brexit, nên họ có thể sẽ bỏ qua cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu để tìm hướng đi khác.”

Trả lời phỏng vấn từ CNBC qua email vào hôm thứ Tư vừa qua (16/1), ông Seb Dance, thành viên Công đảng Anh tại Nghị viện châu Âu, cho biết viễn cảnh để Brexit trùng thời điểm với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, là “một cơn đau đầu có hệ thống.”

“Về lý thuyết, tác động của việc trì hoãn Brexit trong thời điểm các cuộc bầu cử tại EU đang diễn ra hiển nhiên sẽ gây nhiều rắc rối,” ông Dance cho biết, “Nhưng xét trên thực tế, thì nó cũng chẳng tạo nhiều khác biệt cho lắm, vì cuộc bầu cử này có thể diễn ra ở các nước thành viên khác mà chẳng cần phải tổ chức tại Anh.”

Tuy nhiên, một số khác cho rằng điều này vẫn có thể gây nhiều vấn đề cả trên thực tế, do giới chức EU muốn dành thời gian tập trung vào việc mở các cuộc vận động và đối thoại với cử tri trước thềm cuộc bầu cử. Làn sóng tư tưởng dân túy sau cuộc khủng hoảng nợ công đã gây nhiều lo ngại tới các chính đảng truyền thống, về việc hình thái tiếp theo của Nghị viện châu Âu sẽ ra sao.

Theo một quan chức giấu tên từ phía EU, việc kéo dài thời hạn Brexit đồng nghĩa với khả năng Anh vẫn có thể tham gia vào các vòng bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu, do nước này, trên lý thuyết, vẫn là một thành viên của Liên minh châu Âu vào thời điểm đó.

Zsolt Darvas, chuyên gia đầu ngành thuộc khối kinh tế Bruegel, nhắc lại quan điểm trên trong một email gửi tới CNBC vào thứ Sáu vừa qua (18/1): “Nếu việc gia hạn vượt quá thời điểm bầu cử, nước Anh vẫn phải ứng cử các thành viên của mình vào Nghị viện châu Âu. Nếu không, nghị viện châu Âu sẽ phải tự thỏa thuận với nhau trong việc tìm ứng viên thay thế các vị trí của Anh sau thời điểm Brexit. Thỏa thuận mới này có thể bị xem xét lại, hoặc bị đình chỉ thi hành do thời điểm Brexit ban đầu đang bị bị tạm hoãn.”

“Về phần Anh quốc, sẽ thật kỳ quặc nếu vẫn đề cử các thành viên cho Nghị viện châu Âu, khi nhiều người cho rằng nước này sẽ rời EU không lâu sau thời điểm bầu cử; thêm nữa, Anh sẽ phải hành động khẩn trương để vẫn có thể tham gia vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, điều có thể khiến nước này phải trả giá.” Ông Darvas nhận định.

Phía Nghị viện châu Âu đã từ chối bình luận về khả năng gia hạn Điều khoản 50 cho nước Anh. “Quan điểm hiện tại của chúng tôi vẫn là để Anh rời khỏi EU theo đúng thời hạn dự kiến là ngày 29 tháng 3 tới…chúng tôi có thể, và sẽ có thể, không đắn đo với bất cứ viễn cảnh nào. Hiện tại, quả bóng đang nằm bên phần sân của nước Anh.” Người phát ngôn của Nghị viện châu Âu cho biết trong một email gửi tới CNBC.

Dù vậy, truyền thông quốc tế nhận định phía EU vẫn sẵn sàng cho tình huống phải gia hạn Điều khoản số 50, trong bối cảnh Thủ tướng Anh Theresa May đang gặp khó trong việc giúp các thỏa thuận của bà được Quốc hội Anh thông qua.

Một quan chức giấu tên của EU cho biết với CNBC rằng hiện vẫn chưa có một dấu hiệu sẵn sàng nào cho tình huống trên, nhưng “điều này vẫn có thể xảy ra nếu có một kế hoạch và thỉnh cầu nào đó từ phía nước Anh.”

Điều đó có nghĩa là EU vẫn sẽ để ngỏ khả năng chấp nhận yêu cầu gia hạn từ phía Anh, với điều kiện nước này phải vạch ra một kế hoạch hành động rõ ràng sau khi rời khỏi EU.

Theo Theo CNBC
MỚI - NÓNG