Tréo ngoe quy định tách cá nội và cá ngoại

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các doanh nghiệp thủy sản, quy định không trộn lẫn nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu và trong nước đang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa. Nhiều trường hợp bi hài sẽ xảy ra khi doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm phối trộn sang thị trường châu Âu.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản gửi tới Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất sửa đổi một số quy định bất cập trong ngành thủy sản.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết, hiện các doanh nghiệp đều không biết khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu” sản phẩm có nguồn gốc trong nước và nhập khẩu trong cùng một lô hàng được hiểu như thế nào mới đúng. Doanh nghiệp gặp khó do Luật Thủy sản (2017), Nghị định 26/2019 và Nghị định 37/2024 và 38/2024 đều không có định nghĩa cụ thể về hành vi này.

Theo ông Hòe, trên thực tế, việc các doanh nghiệp sản xuất ra thành phẩm có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng và từ các nguồn khác nhau (gồm khai thác và nhập khẩu) là hoàn toàn bình thường và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, nếu áp theo quy định không được trộn lẫn nguyên liệu, doanh nghiệp gặp không ít tình huống bi hài. Chẳng hạn, theo yêu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng phối trộn (seafood mix) hoặc những sản phẩm giá trị gia tăng như sản phẩm “hải sản xiên que” (một que xiên sẽ bao gồm cả cá ngừ, cá dũa, trong đó cá ngừ có xuất xứ từ nhập khẩu; cá dũa thu mua trong nước) sẽ không thể làm thủ tục xuất khẩu và chịu chi phí tăng gấp nhiều lần vì vướng quy định tréo ngoe.

Tréo ngoe quy định tách cá nội và cá ngoại ảnh 1

Nhiều sản phẩm xiên que có trộn lẫn hải sản có nguồn gốc trong nước và nhập khẩu sẽ lúng túng khi thực hiện yêu cầu.

“Nếu thực hiện quy định trên, doanh nghiệp phải tách các miếng cá ra khỏi que. Những miếng cá nào có nguồn gốc nhập khẩu phải đóng vào 1 container. Những miếng cá nào có nguồn gốc khai thác trong nước sẽ đóng vào riêng container khác, kèm với số que xiên. Khi lô hàng được xuất khẩu, khách hàng sẽ nhận sản phẩm và tự lấy 2 loại cá rồi xiên vào que thành sản phẩm theo yêu cầu”, ông Hòe dẫn chứng.

Một trường hợp khác là vấn đề “container ghép”. Ví dụ khách hàng đặt và yêu cầu giao 1 container gồm: 10 tấn cá ngừ, 5 tấn cá phèn và 5 tấn cá nục. Cá ngừ có nguồn gốc nhập khẩu, cá phèn và nục được thu mua từ bà con ngư dân trong nước. Nếu theo Nghị định 37/2024, doanh nghiệp bắt buộc phải tách 10 tấn cá ngừ vào một container. Số cá phèn, cá nục đóng riêng vào container khác.

Theo đại diện VASEP, điều này rất bất cập và khiến doanh nghiệp phải trả gấp đôi chi phí cước tàu vận chuyển mà còn phát sinh gấp đôi nguồn lực, chi phí quản lý/thông quan của cả doanh nghiệp cùng nhà nhập khẩu ở nước ngoài. Đặc biệt, hiện trên thế giới, chưa nước nào có quy định này khi sản phẩm hải sản khai thác xuất sang thị trường châu Âu.

VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) rà soát, đánh giá lại và báo cáo Chính phủ sửa đổi, tháo gỡ phù hợp quy định, đồng thời đảm bảo việc xử phạt vi phạm phải tương ứng, đúng với các hành vi đã quy định tại Nghị định 37/2024 giúp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan thẩm quyền cùng hiểu giống nhau và xử lý vi phạm đồng nhất.

Ngoài ra, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU (hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) hiện nay. Bởi việc cấp giấy S/C tại các cảng cá ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian. Nhiều lô hàng phải chờ đến 2-3 tháng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG