Trèo đèo, lội suối làm phim chống dịch

 Bộ đội vùng biên giới tuyên truyền dịch Covid-19 Ảnh: QUANG QUYẾT
Bộ đội vùng biên giới tuyên truyền dịch Covid-19 Ảnh: QUANG QUYẾT
TP - Cơ quan phần lớn đều nhận lệnh hạn chế di chuyển, nhưng tổ công tác đặc biệt của Điện ảnh Quân đội xung phong lên đường làm phim chống dịch của bộ đội ở điểm nóng, nhất là đến các chốt, đồn biên phòng xa xôi miền biên viễn.

NHƯ THỜI CHIẾN 
Đạo diễn Nguyễn Quang Quyết (Điện ảnh Quân đội) cùng ê kíp quay phim, biên kịch và lái xe vác máy lên Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Gần hai tuần nhóm đi gần 30 chốt, đồn biên phòng, tiêu chí cứ chọn đồn, chốt ở địa thế hiểm trở nhất có thể. “Khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi nảy ý tưởng làm phim tuyên truyền phòng, chống dịch của bộ đội vốn luôn là lực lượng tiên phong trong thời chiến cũng như thời bình”, đạo diễn nói.

Thường thường muốn lên đường làm một bộ phim tài liệu cần có kịch bản rõ ràng, có dự toán hẳn hoi được duyệt lên duyệt xuống mới tính tiếp. Ấy thế nhưng khẩn trương như thời dịch bệnh, nên dù mới chỉ dừng ở ý tưởng nhưng ê kíp được Thủ trưởng cho phép lên đường sau hai ngày đề xuất. Cả cơ quan đều nhận công văn hạn chế di chuyển đến các vùng dịch, riêng tổ công tác được lên đường ngay.
Hỏi vui xem anh em có nao núng chút nào ở thời điểm toàn dân “ở đâu hãy ngồi yên ở đó”, đạo diễn thật thà kể trước khi lên đường anh em động viên tinh thần lẫn nhau. “Anh em làm công tác tư tưởng với gia đình, tự xác định mình có nguy cơ cao bởi phải di chuyển lên các điểm chốt, đi nhiều vùng, tác nghiệp với đủ đối tượng từ bộ đội, người dân, người nước ngoài cho tới hướng dẫn viên du lịch. Được cái thủ trưởng quan tâm trang bị đồ bảo hộ, nước sát khuẩn đầy đủ”, anh nói.
Làm phim thời dịch còn cực nhọc ở chỗ, khi quay phim phải mặc đồ bảo hộ, rồi thực hiện nghiêm quy trình sát khuẩn trong điều kiện vừa làm vừa chạy. Trong suốt chặng đường di chuyển, có những điểm xa như mốc Mường Khương ê kíp phải mất cả tiếng trèo đèo lội suối mới tới nơi, điều kiện sinh hoạt khá ngặt nghèo. Hết Lào Cai đoàn lại lên miền địa đầu Tổ quốc, đến chốt Xín Cái (Mèo Vạc), Má Lé (Đồng Văn) thử thách không kém vì thời tiết khắc nghiệt. 
Điểm đến trong hành trình này thường không định sẵn, tùy thuộc vào các điểm nóng để thẳng tiến, ê kíp trước đó cũng kịp tác nghiệp ở khu vực cách ly của trường Sỹ quan Lục quân-nơi tiếp nhận hàng nghìn công dân Việt Nam từ Hàn Quốc về cách ly. Xong những chốt ở vùng biên, đoàn sẽ trở về thủ đô ghi nhận thêm tuyến chống dịch hàng đầu ở đây, đặc biệt là hình ảnh của quân y. “Với tình hình nóng hổi này, anh em chúng tôi đề xuất Thủ trưởng cho phát sóng ngay đầu tháng 4”, đạo diễn nói.

Trèo đèo, lội suối làm phim chống dịch ảnh 1
 

ẤM LÒNG TRONG MÙA DỊCH
Về tới các chốt mới biết bộ đội ta khó khăn đủ đường, dù được sự quan tâm nhưng thiếu thốn trang thiết bị vật tư y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn. Sau vài ngày thực địa, ê kíp đứng ra kêu gọi anh em, bạn bè thân quen trên facebook chung tay hỗ trợ bộ đội căng mình chống dịch. Tất nhiên đoàn làm phim phải chú thích “chỉ nhận nhu yếu phẩm chống dịch, không nhận tiền mặt”, toàn bộ số quà tặng được vận chuyển lên Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, một phần mang trực tiếp tới các chốt xa xôi, khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ trực chốt nhiều nơi phải dựng lều dã chiến, chống chọi lại mưa to, gió rét. Phần lớn các chốt không có điện, phải dùng ắc quy, có nơi dùng lửa đốt thay đèn. “Những địa bàn khó khăn, bộ đội phải di chuyển đường xa gánh nước, tận dụng từng chút một nhưng được cái tinh thần anh em cực tốt. Các đồng chí ấy nói vui mà thật, nước không có nên ba ngày tắm một lần”, đạo diễn kể. Có nước tắm là may mắn rồi, có những điểm như chốt trên mốc 519 không có nước, phải tích nước mưa dùng dè sẻn.

Làm phim về bộ đội chống dịch ở các tuyến đầu, nhưng đạo diễn Quang Quyết khẳng định không để bộ đội kể công hay kể khổ vì “tinh thần nhường cơm xẻ áo của bộ đội xưa nay vẫn vẹn nguyên”. Không ngại khó, ngại khổ lao vào các điểm nóng làm phim vừa là nhiệm vụ, vừa là máu nghề nghiệp, đổi lại ê kíp được tiếp theo tinh thần thép, gặp thêm những chuyện về tình người rưng rưng. 

Chuyện về đồng chí Mừng ở chốt trên Lũng Cú chẳng hạn. Từ trước Tết tới giờ chưa được về nhà, anh bám chốt 24/24. “Con anh ấy bị ốm nhưng vợ biết chồng bận chống dịch không dám thông báo. Con nằm viện hơn một tháng, về bố mới được biết, vợ nói muốn chồng an tâm công tác. Chúng tôi may mắn ghi được hình ảnh xúc động sinh nhật đồng chí Mừng. Thường anh không về nhà chị sẽ lên thăm chồng dịp này. Sinh nhật thời dịch, chốt nơi anh đóng quân quá xa xôi nên mọi người tổ chức sinh nhật cho nhau qua zalo. Hoàn cảnh đành chịu, nhưng chan chứa tình cảm”, đạo diễn nói.

Nói đùa với ê kíp rằng, lên đường bây giờ khác nào “né dịch”, bởi dân Thủ đô ngồi nhà cũng nơm nớp, đạo diễn tự nhận lên miền núi có vẻ an toàn hơn, ít ra về tinh thần, bởi bà con cũng nghe và biết tới con Corona đấy, nhưng hồn nhiên lắm. “Cùng bộ đội vào nhà dân tuyên truyền chống dịch, bà con thật thà không có tiền mua khẩu trang đâu, khi nào bộ đội và xã cho mới dùng”, anh kể. Nhập gia tùy tục, về với bà con phải uống rượu. Uống rượu có quà là thịt gác bếp đặc sản, đoàn làm phim tặng lại bà con nào gạo, bánh, khẩu trang, nước sát khuẩn, vui cả đôi đường.

box:

CHỐNG DỊCH Ở VÙNG BIÊN
Ê kíp làm phim ghi nhận, bộ đội vùng biên cắm chốt chống dịch ở hầu khắp ngõ ngách, đường bộ giáp biên giới. Tại Hà Giang, ê kíp ghi lại hình ảnh phía Trung Quốc trao trả mấy chục bà con Việt Nam qua biên giới. Bộ đội ta kiểm tra sức khỏe và bà con đưa về khu cách ly, vừa động viên tinh thần vừa phổ biến kiến thức chống dịch. Bộ đội Biên phòng phối hợp Công an xã thiết lập quy trình chống dịch chặt chẽ và nhịp nhàng: thống kê danh sách người dân ở từng thôn bản, nắm rõ ai đi ai ở, nên khi có người mới về sẽ được đưa đi cách ly ngay.
Trèo đèo, lội suối làm phim chống dịch ảnh 2
MỚI - NÓNG