Trên đất Sochi, Bác Hồ ghép cành hữu nghị

Hồ Chủ tịch đang chuẩn bị ghép cành vào cây Hữu nghị, dưới sự hướng dẫn của nhà nông học Xô viết Zorin, tháng 7/1959.
Hồ Chủ tịch đang chuẩn bị ghép cành vào cây Hữu nghị, dưới sự hướng dẫn của nhà nông học Xô viết Zorin, tháng 7/1959.
TP - Trong 2 ngày 19 và 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN tổ chức tại Sochi. Thành phố biển nổi tiếng này của nước Nga vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm bền vững với những người bạn Việt Nam thân thiết suốt chiều dài lịch sử trong thế kỷ qua.

Cây độc đáo nhất thế giới được thanh niên Việt Nam đặt tên

Năm 1934, nhà nông học Xô viết Fedor Mikhailovich Zorin, học trò xuất sắc của nhà sinh học vĩ đại Mít-su-rin có ý tưởng lai ghép vào thân cây chanh hoang dã (Poncirus trifoliata) trong khu vườn thí nghiệm ở Sochi những loài cây ăn quả khác. Ông đã ghép vào cây gốc này giống quýt Nhật Bản, chanh Italia, bưởi Mỹ, bưởi Ấn Độ, cam Tây Ban Nha...

“Khi rời khỏi chức vụ Tổng thư ký LHQ để về hưu, có thể tôi sẽ về làm vườn ở Sochi” TTK LHQ Ban Ki Moon đã nói vui khi được trao danh hiệu “Người làm vườn danh dự” tại Sochi ngày 17/5/2013, sau khi ông ghép cành vào Cây Hữu nghị.

Thành quả của nhà nông học Zorin ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận thời đó. Mùa thu năm 1940, khi thăm khu vườn này, Otto Shmidth, nhà thám hiểm nổi tiếng Liên Xô hào hứng ghép một nhành cây vào cây chanh gốc này để làm kỷ niệm. Đây là nhánh cành đầu tiên được lai ghép vào thân cây, sau đó đã trở nên huyền thoại.

Sử sách còn ghi lại năm 1957, vào một ngày hè, có các bác sĩ trẻ Việt Nam đến thăm khu vườn của Zorin, khi đến cây chanh hoang dã được ghép nhiều cành này, một vị bác sĩ đề nghị gọi tên cây này là Cây Hữu nghị. Và tên gọi đó, từ đề xuất của các bạn Việt Nam, cây chanh hoang dã có tên gọi chính thức và là cây độc đáo nhất thế giới. Độc đáo là bởi, tính đến nay, đã có đại diện của hơn 160 quốc gia trên thế giới đến đây thăm viếng và ghép hơn 600 cành vào Cây Hữu nghị.

Trên đất Sochi, Bác Hồ ghép cành hữu nghị ảnh 1

Tấm biển tên của ông Ban Ki - moon ghép cành năm 2013.

Từ gần 60 năm nay, đã có hàng chục nguyên thủ quốc gia, các nhà hoạt động chính trị, văn nghệ sĩ đã đến đây, ghép cành vào cây huyền thoại này. Có thể điểm tên những nhân vật kiệt xuất như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, lãnh tụ Cuba Raul Castro, lãnh đạo các nước Đông Âu XHCN, các nước đang phát triển, văn nghệ sĩ nổi tiếng (như nghệ sĩ dương cầm Van Cliburn, người Mỹ, giải nhất cuộc thi âm nhạc mang tên Tchaikovsky)… Đặc biệt, năm 2013, Tổng thư ký LHQ Ban Ki - moon cũng đã đến đây, đích thân ghép cành vào Cây Hữu nghị, biểu thị mong ước hòa bình, tình hữu nghị thân ái sẽ luôn ngự trị trên Trái đất thân yêu của chúng ta.

“Cây Hữu nghị” còn độc đáo bởi Bảo tàng gắn với lịch sử của nó, mở cửa từ năm 1981. Suốt chiều dài lịch sử của mình, Bảo tàng “Cây Hữu nghị” nhận được trên 20.000 hiện vật từ khắp nơi trên thế giới.

Trên đất Sochi, Bác Hồ ghép cành hữu nghị ảnh 2

Cây Hữu nghị, được trồng từ năm 1934.

“Chữ ký xanh” của Hồ Chủ Tịch

Mùa hè năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang nghỉ ở Liên Xô theo lời mời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô. Sau một thời gian nghỉ ở Crimea, Người đến thành phố biển Sochi vào ngày 15/7. Tại đây, Hồ Chủ tịch được phía bạn bố trí nghỉ ở ngôi biệt thự “Bocharov Ruchey “dành cho các lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô như N.Khrushev, L.Brezhnev…(sau khi Liên Xô tan rã, “Bocharov Ruchey” là nhà nghỉ mùa hè duy nhất của Tổng thống Nga ở biển Đen, nơi Tổng thống Putin đón tiếp các nguyên thủ quốc gia).

Ngày hôm sau, Hồ Chủ tịch leo lên đỉnh núi Akhum cao 600 mét. Trên đường về, lúc giữa trưa, Người ghé thăm “Trạm chọn giống cây nhiệt đới”, nơi có Cây Hữu nghị nổi tiếng của nhà nông học F.M.Zorin.

Trên Cây Hữu nghị hiện có 45 loài cây ăn quả được ghép. Mỗi một quốc gia chỉ có 1 đại diện được ghép cành vào Cây Hữu nghị.

Tại đây, F.M.Zorin và các đồng nghiệp nồng nhiệt chào đón vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nông học Xô viết nổi tiếng đã hướng dẫn Hồ Chủ tịch ghép 2 cành chanh vào thân Cây Hữu nghị để kỷ niệm.

Trong một cuốn hồi ký của mình, bà E.S.Katukova, phu nhân của nguyên soái Liên Xô M.E.Katukov kể lại bên cây Hữu nghị, Hồ Chủ tịch có nói, Người luôn muốn dành hết thời gian nghỉ ngơi của mình để làm các công việc trồng, chăm sóc, ghép cành cây cối như một nhà nông thực sự.

Sau khi ghép cành xong, một tấm biển đề tên Người được treo vào cành cây để làm kỷ niệm. Nói như người Nga, Hồ Chủ tịch đã để lại “chữ ký xanh” lại đây, vĩnh viễn. Đã mấy chục năm trôi qua, thật khó để tìm được trong rùm ròa những cành lá sum suê của cây Hữu nghị “chữ ký xanh” của Người vào mùa hè cách đây đã gần 6 thập kỷ. 

Trong nắng gió của thành phố biển tuyệt đẹp này, “chữ ký xanh” của Hồ Chủ tịch, của Raul Castro, của thị trưởng Hiroshima, của nhà du hành vũ trụ Yury Gagarin, của Tổng thư ký LHQ Ban Ki - moon… được nuôi dưỡng bởi nhựa sống của một nguồn cội, như đang cùng rì rào hát lên giai điệu của tình hữu nghị bất diệt.

Trên đất Sochi, Bác Hồ ghép cành hữu nghị ảnh 3

Cây mộc lan do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trồng tại công viên Riviera (Sochi), năm 1961.

Ngày nay, khi đến Vườn-Bảo tàng “Cây Hữu nghị” ở Sochi, ngoài đến thăm Cây Hữu nghị nổi tiếng, du khách còn có thể đến thăm khu vườn cạnh đó, nơi có hơn 60 cây xanh do các chính khách nổi tiếng, thế hệ trẻ các nước trên thế giới đã vun trồng.

Ngoài Bảo tàng-Vườn cây Hữu nghị có “chữ ký xanh” lưu dấu kỷ niệm của Hồ Chủ tịch, ở Sochi có một địa danh mà du khách thường tìm đến thăm. Đó là công viên Riviera, được hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh những vườn diệp tùng, lạc diệp tùng cổ thụ, nơi đây còn có Vườn Hữu nghị, nơi các chính khách, nhà du hành vũ trụ, các văn nghệ sĩ nổi tiếng các nước trồng cây mộc lan làm kỷ niệm. 

Hiện ở đây, vẫn còn đó những cây mộc lan vững chãi với tấm biển đề tên người trồng là những chính khách Việt Nam nổi tiếng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng (trồng 5/8/1961), Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ (trồng 15/11/1969)… Đến mùa, những bông mộc lan nở trắng muốt, thơm ngát cả một vùng.

Ở Bảo tàng-Vườn cây Hữu nghị Sochi, vẫn lưu giữ tại đó những nắm đất từ mộ của các danh nhân như Karl Marx, Chopin, Mozart, Tchaikovsky, Tolstoy, Goethe, Gandhi, Bolivar…

Cũng tại đây những nắm đất từ những địa danh thấm đẫm đau thương của chiến tranh, như Hiroshima, như Lidice, như pháo đài Brest, như Oradur, như Khatyn…

Vẫn còn đó những nhánh cây xanh ghép, để tưởng nhớ đến những vĩ nhân, như Jawaharlal Nehru, như Darwin, như Joliot-Curie…

Và vẹn nguyên, giữa mạch sống tuôn trào của thân Cây Hữu nghị, “chữ ký xanh” của những con người vĩ đại đã dành hết cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và củng cố tình ái hữu nhân gian…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.