Trên chiến hạm Mỹ ở Đà Nẵng

Trên chiến hạm Mỹ ở Đà Nẵng
TP - Đã là lần thứ 2 Blue Ridge vào Đà Nẵng, nhưng khi chiến hạm này rẽ mép nước cập cảng Tiên Sa, không ít người cùng ồ lên kinh ngạc bởi vóc dáng đồ sộ của chỉ huy Đệ thất hạm đội – một trong những đơn vị Hải quân mạnh nhất Hoa Kỳ…

>Hải quân Mỹ muốn nâng tầm huấn luyện với phía Việt Nam
>Chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ sắp ghé thăm Đà Nẵng

USS Blue Ridge – tàu chỉ huy của hạm đội 7

Không riêng tôi mà có lẽ nhiều anh em phóng viên thường trú tại Đà Nẵng đều không thể nhớ hết được đã đặt chân lên bao nhiêu chiến hạm hải quân các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ. Từ USS Peleiliu, USS Preible, USS Mustin, John S. Mc Cain đến USS George Washington, USS Lassen…. Chiến hạm USS Blue Ridge cập cảng Đà Nẵng lần thứ nhất (2009) và nay là lần thứ 2.

Mùa hè, nắng đổ lửa trên từng lan can chiến hạm, ánh thép chói lên từ những tên lửa, những chiếc trực thăng và khoảng mênh mông ở bong tàu. Cảm xúc của tôi khi đặt chân lên chiến hạm Hoa Kỳ là lo... lạc đường. Bởi lẽ, những USS Mustin hay USS Blue Ridge, với hàng trăm phòng, từng lối đi uốn lượn đều như… ma trận.

Soái hạm USS Blue Ridge chỉ được nghỉ làm chỉ huy Đệ thất hạm đội một lần duy nhất vào năm 2004 bởi nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng (nhiệm vụ soái hạm thời gian này được trao cho USS Coronado). 9 tháng sau, đến ngày 27-9-2004, USS Blue Ridge trở lại và ấn định là tàu chỉ huy Hạm đội 7. Theo Hải quân Mỹ, USS Blue có một lý lịch trích ngang đáng nể: USS Blue Ridge là tàu chiến đầu tiên thuộc lớp BLUE RIDGE và là tàu chỉ huy của Hạm đội 7. Tàu USS Blue Ridge là tàu thứ 3 trong Hải quân được đặt tên theo dãy núi Blue Ridge ở phía Đông Hoa Kỳ.

Ngày 14-11-1970, sau 3 năm đóng khẩn trương, Cty Philadelphia Naval Shipyard, Philadelphia, NJ cho hạ thủy tàu với các thông số đỉnh: Động cơ: Hai tua bin hơi nước, một tua bin khí; chân vịt: 1; dài: 194 m; rộng: 32,9 m; chiều cao mớn nước: 8,8 m; lượng dãn nước: 18.400 tấn; tốc độ: 23 hải lý; máy bay: tất cả các loại máy bay trực thăng.

Ngoài ra, USS Blue Ridge được trang bị hai tổ hợp súng bắn nhanh 20mm 2× Phalanx CIWS guns. Tàu chứa đủ thực phẩm cho thuỷ thủ suốt 90 ngày và có thể vận chuyển đồ dùng để hỗ trợ di tản khẩn cấp cho 3.000 người. Tàu Blue Ridge có sức chứa hơn 250 sỹ quan, 1.200 thủy thủ nam và 100 nữ.

Trung tá Lê Bá Hùng và phóng viên Tiền Phong ở cảng Tiên Sa Ảnh: Thanh Hải
Trung tá Lê Bá Hùng và phóng viên Tiền Phong ở cảng Tiên Sa Ảnh: Thanh Hải.

Thông điệp và người cũ

Vào Đà Nẵng lần này, trên USS Blue Ridge, không khó để nhận ra hai người cũ, từng thăm và mang những thông điệp hòa bình đến Đà Nẵng, đó là Đô đốc Tom Carney - Tư lệnh, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 73 (lực lượng tiếp viện hậu cần Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ - CTF - 73) và một người gốc Việt rất nổi tiếng: Trung tá Lê Bá Hùng.

Trong lần trả lời phỏng vấn hàng trăm nhà báo trong nước và quốc tế vào ngày 15-7-2011, Đô đốc Tom Carney khẳng định Hải quân Mỹ đã hiện diện trên Biển Đông hơn 20 năm qua với trách nhiệm ổn định an ninh khu vực và chắc chắn sẽ duy trì sự hiện đó. “Sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở Biển Đông là vì hòa bình” - Đô đốc Tom Carney nói. Trong lần họp báo ngày 23-4 vừa rồi, cả Đô đốc Tom Carney cũng như Phó Đô đốc Scott Swift - Tư lệnh của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ đều mong muốn được nối dài quan hệ, nâng tầm huấn luyện với Hải quân Việt Nam.

Chiến hạm USS Blue Ridge cập cảng Tiên Sa Ảnh: Bảo Lam
Chiến hạm USS Blue Ridge cập cảng Tiên Sa Ảnh: Bảo Lam.

Một vài câu hỏi khá xoáy của các nhà báo khi đặt Tư lệnh Hạm đội 7 Scott Swift vào tình huống căng thẳng ở Biển Đông nếu nó xảy ra, khi vị Tư lệnh này trả lời rằng, mục tiêu chính của USS Blue Ridge cuối cùng vẫn chỉ là huấn luyện chung với Hải quân Việt Nam. “Lần này chúng tôi có 3 tàu cùng gần 2.000 sĩ quan, thuỷ thủ sẽ thực hiện các hoạt động trao đổi tương tự với Hải quân nhân dân Việt Nam và có thêm một số hoạt động khác.

Trong đó sẽ tăng cường mức độ và tính đa dạng trong chương trình huấn luyện giữa hai bên. Như tổ chức các hội thảo về hoạt động tìm kiếm và giải cứu, trao đổi kinh nghiệm huấn luyện y tế của hải quân và thuỷ quân lục chiến, chú trọng vào công tác tìm kiếm và giải cứu, các tình huống cấp cứu y tế trên tàu, huấn luyện mở rộng về liên lạc trên biển...” - Tư lệnh Scott Swift nói.

Trực thăng trên chiến hạm USS Blue Ridge Ảnh: Bảo Lam
Trực thăng trên chiến hạm USS Blue Ridge Ảnh: Bảo Lam.

Trung tá Lê Bá Hùng trở lại Đà Nẵng trong vai trò của trợ lý Tư lệnh Scott Swift - chức danh mà theo đánh giá của Hải quân Mỹ là một bước tiến dài trong con đường binh nghiệp. Năm 2009, anh trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, khẳng định mong muốn trí tuệ Việt lan tỏa trên khắp thế giới. Lần này, anh lặng lẽ đứng trên cầu cảng Tiên Sa, ngắm nhìn USS Blue Ridge, ánh mắt anh điềm tĩnh nhưng toát lên vẻ tự hào. Anh nói, tự hào bởi lẽ người Việt khẳng định được khả năng và trí tuệ ở một lực lượng quân sự được cho là cực mạnh.

Hôm qua, 12 bác sĩ Việt Nam đã tham gia vào ngày huấn luyện thứ hai trên tàu USS Safeguard về cấp cứu y tế khẩn cấp dành cho thợ lặn. Sau phần trình bày lý thuyết vào ngày 24-4, phần thực hành ngày 25-5 là thợ lặn SCUBA của Hoa Kỳ đã thể hiện các vấn đề liên quan đến bệnh giảm áp của thợ lặn và phương pháp phục hồi. Trên tàu USS Chafee, 5 sĩ quan của Hải quân Việt Nam đã chứng kiến phần biễu diễn kiểm soát thảm họa của thủy thủ Hoa Kỳ, bao gồm hướng dẫn sử dụng trang phục tự kiểm soát đường thở (SCBA), các dụng cụ thiết bị dùng để ngăn chặn ngập nước và lụt lội trên tàu, thiết bị và dụng cụ cắt PECU, trong đó một sĩ quan của hải quân Việt Nam đã thực hành với dụng cụ cắt PECU. Tối hôm nay, 26-4 là chương trình văn nghệ đặc sắc do Hải quân Hoa Kỳ biểu diễn tại công viên Biển Đông, trên đường Hoàng Sa (Đà Nẵng).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG