Trẻ em nghỉ hè mùa COVID-19: Ẩn họa sau màn hình

0:00 / 0:00
0:00
Làm việc trong nhà mùa dịch, nhiều phụ huynh dùng điện thoại làm “vú em” cho con. Ảnh: Như Ý
Làm việc trong nhà mùa dịch, nhiều phụ huynh dùng điện thoại làm “vú em” cho con. Ảnh: Như Ý
TP - Nghỉ hè thời COVID-19, trẻ em bị “nhốt” trong nhà, thiếu sân chơi nên điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, tivi… trở thành vật “bất ly thân”. Hại mắt, vẹo cột sống, chậm phát triển, thậm chí trầm cảm, bị lôi kéo, xâm hại từ những trang mạng “đen”… là ẩn họa với trẻ khi “nghiện” những thiết bị trên.

Do ảnh hưởng của dịch, hàng loạt các sân chơi, hoạt động cho trẻ em phải đóng cửa. Vì thế trẻ em bị “nhốt” trong bốn bức tường tại nhà. Những câu chuyện dở khóc dở cười khi cả trẻ em và phụ huynh đều bị bắt làm “con tin cộng nghệ”.

Cuộc sống đảo lộn

Bà mẹ trẻ Hoàng Thị Minh Trang (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) gọi tổ ấm nhỏ của mình là “gia đình hi-tech” (gia đình công nghệ cao) với đầy vẻ chán nản. Nguyên nhân là từ khi vợ chồng chị Trang chuyển sang làm online tại nhà theo yêu cầu của công ty, cậu con trai đang học lớp 5 cũng phải “nhốt” trong nhà vì khu vực đang bùng dịch. Để tập trung làm việc, Trang phải đưa con trai chiếc máy tính bảng để tự chơi, tự học.

“Từ sáng sớm đến tận khuya, cả gia đình mỗi người một máy tính, không nói với nhau một lời. Thỉnh thoảng tôi có nhắc con học tiếng Anh, Toán trên mạng. Con “vâng, dạ” nhưng mình cũng không kèm sát được vì nhiều việc đang chờ giải quyết. Mỗi người một thế giới riêng. Dù ở chung nhà, gặp mặt nhau hàng giờ nhưng chúng tôi gần như không biết người kia đang nghĩ gì, làm gì”, chị Trang thở dài.

Hơn 10 ngày cả “gia đình hi-tech” của chị Minh Trang sống cảnh “riêng một góc trời”, cậu con trai càng trở nên lầm lì, ít nói. Điện thoại luôn cầm trên tay, cậu bé mải mê xem các đoạn video và chơi game đến nỗi không nghe thấy tiếng mẹ gọi ăn cơm. Người lớn nặng lời mới phụng phịu bỏ chiếc máy xuống.

Vào bữa, cậu cố ăn thật nhanh, xong rồi chạy ngay lên phòng ôm điện thoại. Nhiều khi còn lảm nhảm một mình… Thấy con bất ổn, vợ chồng chị Trang dành thời gian rủ con cùng tập thể dục trong nhà. Tuy nhiên mới được dăm mười phút, cậu bé than mệt, không chịu hợp tác.

Còn chị Minh Thùy (42 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), dù sống chung với ba mẹ chồng nhưng cũng phải đưa điện thoại, máy tính cho con giải trí trong thời gian giãn cách. “Ba mẹ chồng lớn tuổi, không thể chăm con thường xuyên được. Ba đứa nhỏ sáp vào chơi chung, kiểu gì cũng cãi nhau chí chóe. Nhà như cái chợ khiến tôi không tập trung làm việc được. Chỉ khi giao cho mỗi đứa một cái điện thoại thì mình mới yên thân”, chị Thùy chia sẻ.

Hai con bước vào kỳ nghỉ hè sớm, nhưng vợ chồng chị Trịnh Tâm (Long Biên, Hà Nội) vẫn phải đi làm. Để hai con ở nhà, dù lắp thêm camera giám sát nhưng anh chị vẫn không thực sự yên tâm. Những ngày đầu tiên kỳ nghỉ, các con ở nhà xem tivi, chơi game cả ngày, tự ăn trưa theo những món mẹ đã chuẩn bị từ sáng trước khi đi làm.

Qua theo dõi và thường xuyên tâm sự với con, chị Tâm hiểu thêm việc nhàm chán của trẻ khi thiếu không gian và không có người chơi cùng. Chị Tâm nghĩ cách và lập thời gian biểu cùng con gái đầu như làm bài tập, đọc sách, học nấu ăn và làm việc nhà... Chỉ hơn tuần, con gái đã cày hết bộ truyện tranh “Lịch sử thế giới” gồm 12 tập.

Tuy nhiên, với cậu con trai đang tuổi mầm non, hai vợ chồng chị Tâm thực sự “đau đầu”. Dù đã mua thêm đồ chơi và hướng dẫn để hai chị em cùng chơi, nhưng cu cậu vẫn cuồng chân cuồng tay, dễ nổi nóng. “Nhiều lúc dở khóc dở cười với cậu con trai nghịch ngợm. Hôm thì ném điện thoại của mẹ xuống ban công, lấy son của mẹ vẽ khắp nhà... Chưa đầy tuần ở nhà, tôi phải tìm thuê người trông trẻ ban ngày”, chị Tâm nói.

Tivi thành “bảo mẫu”

Cứ đi làm về đến nhà, câu đầu tiên chị Nguyễn Thúy Hằng (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) thường nói với con: “Tắt tivi đi!”. Nhiều hôm con phụng phịu mặc cả để xem tiếp, chị tức tối chạy lại cầm điều khiển tắt phụt tivi, rồi bắt phạt hai con đúng úp mặt vào tường vì tội không nghe lời.

Chị Hằng có hai con trai, đứa đầu 10 tuổi, đứa sau lên 6 tuổi. Từ khi dịch bùng phát trở lại, sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các con nghỉ học ở nhà, cuộc sống gia đình chị bị đảo lộn. Năm ngoái, chị cho con về quê ông bà nội ở Nam Định nhưng ông bà già rồi, không trông được nên suốt ngày cho xem tivi. Lần này, vợ chồng chị Hằng quyết định cho hai đứa ở lại Hà Nội.

Thời gian đầu, anh chị cắt phép luân phiên để ở nhà trông con, nhưng không duy trì được lâu, vì như thế ảnh hưởng đến công việc, thu nhập. Sau đó, vợ chồng chị quyết định tập cho con các kỹ năng ở nhà tự trông nhau. Chị mua nhiều loại đồ chơi, sách truyện cho con ở nhà giải trí.

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới WHO, để trẻ sử dụng các thiết bị di động sẽ tác động rất xấu đến tâm sinh lý của trẻ: Làm trẻ tăng nguy cơ béo phì lên tới hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55%, sự suy giảm hệ thống miễn dịch do tiếp xúc với vi khuẩn trên điện thoại, gây ra các bệnh tim mạch cho trẻ, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung của trẻ…

Mỗi ngày chị dậy sớm, chuẩn bị sẵn đồ ăn sáng, đồ ăn trưa, đồ ăn vặt chất đầy tủ lạnh cho hai đứa. Lúc vợ chồng đi làm con vẫn đang ngủ. Đến cơ quan chị Hằng ngồi canh xem camera ở nhà con sinh hoạt thế nào. “Bình minh của chúng thường bắt đầu lúc 10 giờ sáng. Hai đứa ngủ dậy, gần như không đánh răng, rửa mặt gì, lao thẳng ra mở tivi xem. Ăn sáng, ăn trưa của chúng thành một bữa; miệng nhai ăn mà mắt cứ dán vào tivi”, chị Hằng kể.

Dù bố mẹ cho xem tivi hai khung giờ sáng chiều, nhưng hai đứa con luôn phá vỡ. “Bố mẹ dặn đi dặn lại chỉ được xem mấy chương trình cho thiếu nhi, học tiếng Anh nhưng chúng xem đủ thứ. Nhiều hôm về nhà, tôi tá hỏa khi phát hiện chúng xem mấy kênh hoạt hình bạo lực, “giang hồ mạng”, rồi còn bắt chước nói mấy từ bậy bạ. Có bữa ăn chỉ riêng việc tranh luận con siêu nhân này nọ, còn ăn thua, khóc lóc loạn cả nhà”, chị Hằng lo lắng.

Dù biết hệ lụy từ việc xem tivi nhiều, nhưng chị Hằng đành tặc lưỡi: “Giờ không có ai trông con, để chúng xem tivi như…bảo mẫu còn an toàn hơn là thả chúng đấy chơi các trò nghịch dại, nguy hiểm biết đâu mà lần”.

Vợ chồng chị Trang Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) có cậu con trai ba tuổi. Nhiều lúc bố mẹ làm việc, con lại quấy khóc đòi điện thoại, máy vi tính. “Nhiều lúc, tôi đành phá nguyên tắc, thỏa hiệp bật tivi cho con xem phim hoạt hình, quảng cáo. Đến khi đề nghị con tắt tivi cũng là một cuộc chiến không hề dễ dàng”, chị Thu nói.

MỚI - NÓNG