Trẻ đau khổ thì sai

Trẻ đau khổ thì sai
TP - Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Hồ Ngọc Đại, người mở trường thực nghiệm đầu tiên ở Việt Nam, trao đổi với Tiền Phong xung quanh câu chuyện đổi mới giáo dục hiện nay: Nhiệm vụ lớn nhất, trong sáng nhất và cũng là thiêng liêng nhất mà tôi muốn nói tới trong giáo dục là phải bảo vệ lớp trẻ.

> Triết lý nào cho giáo dục Việt Nam?

Đi học là hạnh phúc, trẻ đến trường khổ hay sướng là do chúng ta. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đi học là hạnh phúc, trẻ đến trường khổ hay sướng là do chúng ta. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Ai cũng nói phải bảo vệ, yêu thương yêu trẻ, tôi đề nghị thêm “phải tôn trọng trẻ”. Tức là yêu thương và tôn trọng. Yêu thương còn mang tính kẻ cả, ban ơn, chiếu cố. Xã hội hiện đại, trẻ không cần ban ơn, chiếu cố, mà cần tôn trọng, đối xử công bằng. Tôn trọng trẻ là phải dạy trẻ những cái gì đúng đắn, chững chạc. Không phải nhồi nhét đủ thứ, ép buộc trẻ tin những gì người lớn cho là đúng.

Tôi đưa ra tiêu chí: “Nếu như trẻ em chấp nhận thì hy vọng chúng ta đúng, nếu trẻ em không chấp nhận thì sai”; Và, “trẻ em hạnh phúc thì có thể anh đúng, nhưng trẻ đau khổ thì anh sai”. Mấy chục năm trước, tôi phát biểu như vậy, coi đó là một trong những phương châm giáo dục, nhưng nhiều người cho là cực đoan.

Sự nghiệp giáo dục phải lấy trẻ làm mục đích: Trẻ luôn đúng. Học sinh luôn luôn đúng. Trẻ con vốn là chân thành, hồn nhiên, nhưng sao vào nhà trường nó lại nói dối, có phải vì anh dạy nó thế. Trẻ không thích sẽ bảo là không thích, nhưng anh lại bảo thế là hư!? Anh bắt trẻ phải tin điều anh nói là đúng. Trái ý người lớn là hư.

Vậy, đổi mới giáo dục căn bản theo quan đỉểm của Giáo sư là như thế nào?

Thời chúng ta lấy mình làm chuẩn đã qua rồi. Chúng ta đã không nhận thức được biến đổi căn bản của thời đại. Bây giờ là lúc phải nhìn lại vấn đề như chính nó. Nhiều người bảo phải dạy trẻ giỏi như Ngô Bảo Châu. Tôi can. Nhờ mỗi người giỏi một thứ mà nhân loại hạnh phúc.

Trước hết phải tôn trọng trẻ: Trẻ giỏi cái gì phải tôn trọng cái đó, thích cái gì ta tôn trọng cái tự nhiên đó. Đấy là nguyên lý căn bản của giáo dục. Người lớn bao giờ cũng muốn thắng trẻ con. Chúng ta có thể thắng trẻ con trong từng trận lẻ, nhưng đại cuộc thì thua. Để thắng toàn cuộc, trước hết phải biết thua trẻ. Giáo dục phải lấy lợi ích trẻ em làm chuẩn, tưởng thế là ngược đời, nhưng đó chính là căn bản của giáo dục hiện đại.

Thực ra làm giáo dục đơn giản lắm, có mấy chữ: “Ai cũng được học”. Và “Ai cũng học được”. Nếu chúng ta đều làm tốt mấy chữ ấy, mọi thứ sẽ được giải quyết ngay. Nền giáo dục mà học sinh sợ học, học không được thì học làm gì?

Năm 1978, khi mở trường thực nghiệm đầu tiên ở Hà Nội, tôi đưa ra khẩu hiệu: “Đi học là hạnh phúc” (đau khổ đi học làm gì); “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”. Phải tạo điều kiện để trẻ em thích học, được học và được chơi. Làm gì để trẻ con thích? Việc học ấy phải đem lại cho trẻ niềm vui, hạnh phúc. Anh không đi học anh thiệt. Đi học mà đau khổ thì ở nhà cho sướng. Trẻ đến trường sướng hay khổ là do người lớn chúng ta.

Là người đầu tiên và duy nhất mở trường thực nghiệm ở Việt Nam, Giáo sư quan niệm về vai trò của người thầy thế nào?

Ngày xưa, thầy giáo là cái gì đó rất cao cả. Còn bây giờ, người thầy hiện đại chỉ là điều kiện, phương tiện trong tay học sinh. Lẽ sống của anh là học sinh chứ anh không có mục đích tự thân. Trong quan hệ, trò tôn trọng thầy, thầy tôn trọng trò. Học sinh là nhân vật trung tâm, thầy giáo đóng vai trò quyết định (không thầy đố mày làm nên).

Thầy chính là người phục vụ học sinh. Nói thế không phải không đề cao vai trò người thầy. Thầy vẫn thiêng liêng, vĩ đại nếu làm đúng chức năng đó. Anh phục vụ cho học sinh, chứ không phải học sinh phục vụ cho anh. Như thế là đổi mới căn bản.

Giáo sư có tin tưởng công cuộc đổi mới giáo dục lần này sớm thành công?

Tin thì tôi tin, vì đó là quy luật của cuộc sống. Nhưng vấn đề là ai làm, đó mới là cái khó nhất. Tôi không tin những người từng làm các dự án về giáo dục hiện nay lại có thể làm được. Mấy thập kỷ qua, chúng ta vật vã đổi mới giáo dục nhưng kết quả của nó là gì, chưa thấy rõ. Người ta thấy nhiều hơn những khiếm khuyết, bất cập. Chương trình nặng mà thấp. Nếu lại tiếp tục làm giáo dục theo kiểu làm dự án, để chia chác nhau thì giáo dục còn thụt lùi, nguy hại.

Thành tựu vĩ đại nhất của ngành giáo dục là học sinh sinh năm 2001 có 100% được đi học. Nhưng thực ra, đó là thành tựu của cuộc sống mà ngành giáo dục được thừa hưởng.

Còn vấn đề đổi mới toàn diện?

“Nền giáo dục cho 100% dân cư coi nhà trường là nơi trẻ em đang sống cuộc đời thực, nơi em cảm nhận được ngay bây giờ: Đi học là hạnh phúc! Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui. Được học và học được là lợi ích cơ bản nhất của đời em, của gia đình em, của toàn xã hội”- Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Phải tập trung vào nội dung, phương pháp, thể chế tổ chức. Những gì người ta đã làm từ trước đến nay giống như việc cải tiến chiếc cày chìa vôi. Cải tiến thế nào, về nguyên lý cày chìa vôi vẫn là cày chìa vôi chứ không thành được máy cày. Phải xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới, không phỏng theo, không kéo dài nền giáo dục cũ.

Triết lý giáo dục của Giáo sư là gì?

Là tất cả những gì tôi đã nói. Cuối cùng, cốt lõi là học để làm gì. Nhiều người nhắc đi nhắc lại 4 trụ cột mà UNESCO nêu ra: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để thành người. Nhưng biết để làm gì? Làm để làm gì?

Trước đây 95% dân số không đi học thì không thành người ư? Ngày trước, 95% dân cư không đi học vẫn cứ sống bình thường, bây giờ chỉ để sống bình thường thì cả 100% dân cư phải đi học. Như vậy, học là để sống bình thường, để xứng đáng với chính mình, là trở thành chính mình. Làm được như vậy đã là rất nhiều rồi.

Cảm ơn Giáo sư.

Nguyễn Tuấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG