Bạn trẻ tập làm nông dân để biết sẻ chia. |
Cô đơn có thật
Đêm thứ 3 trong chương trình Học kỳ quân đội được Trung tâm TTN miền Nam tổ chức hằng năm có tên gọi là Đêm gia đình. Trong doanh trại quân đội, các teen khoác trên mình áo lính, gọi nhau bằng đồng đội, không có bố mẹ, ông bà, anh chị em ở bên, rồi tất cả viết thư gửi tâm sự với bố mẹ. Chính trong đêm này, các chuyên gia nhận ra những đứa trẻ thực sự cô đơn khi chưa từng trò chuyện với bố mẹ hoặc được bố mẹ trò chuyện.
Anh Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm TTN miền Nam, cho biết trung tâm phân ra 3 đối tượng cô đơn.
Một là, khi các bạn bên cạnh nhận được những lá thư tràn đầy tình cảm cũng có em không nhận được dòng nào của bố mẹ. Trong khi các bạn bên cạnh vui sướng, khoe thư bố mẹ với nhau, các em không có thư bị tổn thương. Điều phối viên phải tìm cách trò chuyện để các em bớt cô đơn và mở lòng chia sẻ. Khi trao đổi, các em đã bật khóc, không muốn về nhà nữa vì cho rằng, ở trung tâm có bạn bè, có người quan tâm còn về nhà thì quá cô đơn.
Đối tượng thứ hai là bố mẹ các em chuẩn bị chia tay hoặc vừa chia tay. Đây là lúc trẻ gần như bị bỏ rơi thậm chí là đề tài của các cuộc chiến tranh giành quyền nuôi con với mong muốn là nhận thêm phần tài sản khi ra tòa. Trẻ cảm thấy tổn thương và bắt đầu sống cách biệt.
Đối tượng thứ ba tương đối nhiều là thành viên trong gia đình mà cha mẹ quá thành đạt. Họ mải mê chinh phục những giấc mơ của mình và quên đi một đứa trẻ đang khao khát tâm sự và sẻ chia.
Nhà giàu dễ cô đơn
Theo thống kê của Trung tâm TTN miền Nam, trong hàng chục nghìn thanh thiếu niên tham gia huấn luyện mỗi năm, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khá giả có hiện tượng phát sinh nhiều căn bệnh của teen nhiều hơn. Đó là bệnh đua đòi, ích kỷ, nói dối nhiều hơn so với đứa trẻ con nhà nghèo. Ngoài ra, hội chứng học trường quốc tế và nhất là dục vọng hóa ước mơ của bố mẹ cho chính đứa con làm cho con càng trở nên cô đơn hơn. |
Trong chương trình gặp gỡ những người làm cha mẹ có trẻ tuổi vị thành niên tại Hà Nội đầu năm 2011, một bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện có thật: “Một lần, tôi trò chuyện với con ‘Không biết Dũng con bác Hà (nhà hàng xóm) - nhà khá giả vậy mà sao nó bỏ nhà đi, mẹ không thể hiểu nổi?. Thằng bé cười, dụi vào lòng tôi và nói, con biết: Bố mẹ nó không quan tâm, nó ghét bố mẹ nó vì họ chỉ cho nó tiền sau khi đã quát mắng”.
Bà mẹ hỏi liệu con có ghét mẹ không mua được nhiều đồ chơi đẹp, không có nhiều tiền để cho con đi chơi xa không? Thằng bé trả lời: “Sau này con sẽ học thật giỏi, kiếm được nhiều tiền để đưa mẹ đi chơi xa. Con không thích nhà giàu mà luôn ở nhà một mình như thằng Dũng”. Qua câu chuyện, bà mẹ cảm thấy chia sẻ với con để hiểu con là sự cần thiết.
Theo anh Thành Nhân, những đứa trẻ sinh ra trong nhà giàu, có đầy đủ điều kiện kinh tế lại dễ thấy cô đơn, mất phương hướng và thiếu ý chí hơn những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo. Anh Thành Nhân cũng phân tích, những gia đình khá giả thường có tâm lý bao bọc, coi trẻ như gà công nghiệp.
Chương trình Hi! Teacher, Kỳ học văn hóa thiên nhiên và trải nghiệm của trung tâm thường đưa trẻ về vùng quê để trẻ chứng kiến, cảm nhận tình làng xóm, tình cảm gia đình và nhất là cảm quan về con người tốt hơn. Theo anh Thành Nhân, trẻ con thành phố bị đóng cửa trong nhà mình, nhà mẫu giáo sẽ có khoảng cách lớn với bố mẹ hơn trẻ sinh ra ở miền quê.
Cảnh báo nguy cơ tự tử
Hiện tượng rạch tay do trầm cảm, uống thuốc tự tử do nghĩ quẩn cũng được các chuyên gia lý giải điều đó thể hiện sự u uất, không chia sẻ được với người thân. Anh Thành Nhân cảnh báo, hiện tượng cô đơn, trầm cảm tương đối phổ biến nên đây cũng là giai đoạn báo động hiện tượng tự tử trong người trẻ. Biểu hiện gần nhất là dấu hiệu bạo lực học đường, vi phạm pháp luật của trẻ tăng cao.
Qua hàng nghìn lá thư các em viết chia sẻ về gia đình gửi tới trung tâm, anh Thành Nhân cho rằng bữa cơm gia đình chính là cơ hội để bố mẹ và con cái gần gũi trao đổi. Trong các buổi trò chuyện với phụ huynh, chuyên gia cũng không đồng tình với cách nói chuyện phê phán, bày tỏ thất vọng với con.
Căn nguyên của cô đơn Anh Nguyễn Thành Nhân cho rằng: Trẻ cô đơn xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Một là từ chính các em có tâm lý coi bản thân là cái rốn của vũ trụ, được cha mẹ cưng chiều, nên không muốn làm bạn và càng không muốn chia sẻ với bố mẹ. Lâu dần các em hình thành nên thói quen im lặng và sau đó là tính ích kỷ, ngang bướng và thậm chí nổi loạn. Nguyên nhân nữa là do bố mẹ quá bận, ít có thời gian quan tâm để nhận biết được sự thay đổi tâm tư của trẻ. Và cứ thế khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày một lớn, trẻ càng ngày càng thấy cô đơn. |