Trẻ bị xâm hại tình dục ngày càng nhỏ tuổi

TPO - Đó là khẳng định của bà Nhữ Thị Minh Nguyệt – Cục trưởng C43 cho biết tại hội thảo Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) do Ban chỉ đạo NQLT 01/TW tổ chức ngày 28/7 tại TPHCM.

5 năm qua (2012 – 2016) theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có gần 6.700 vụ XHTE, với 8.930 đối tượng, xâm hại hơn 8.000 trẻ em. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc phát hiện 805 vụ XHTE, trong đó XHTD là 696 vụ.

Thống kê hàng năm cho thấy, số vụ XHTDTE của các tỉnh thành phía Nam chiếm gần 30% của cả nước. Trong khi công tác phòng ngừa và điều tra khám phá loại tội phạm này còn nhiều hạn chế. Phần lớn các vụ xâm hại đều do người dân, gia đình và nạn nhân đến tố cáo, còn các vụ do ngành công an phát hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ chỉ chiếm 6%.

Trẻ bị xâm hại tình dục ngày càng nhỏ tuổi ảnh 1

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát cho rằng còn nhiều kẽ hở trong việc xác định tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Theo bà Minh Nguyệt, tình trạng trẻ em bị xâm hại đang có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng ngày càng gia tăng và độ tuổi trẻ bị XH ngày càng nhỏ. Hầu hết trẻ em bị XHTD đa số đều là nữ giới (80%), trong đó dưới 6 tuổi chiếm 278 em, từ 6-13 tuổi chiếm 1.333 em, từ 13-16 tuổi chiếm 2.538. “Có những trẻ mới 1 tuổi cũng bị xâm hại. Đây là điều rất nhức nhối hiện nay” – bà Nguyệt chua xót.

Trong khi nạn nhân còn rất non nớt thì đối tượng phạm tội lại đa dạng, phức tạp. Đối tượng phạm tội phần lớn chưa có tiền án tiền sự, hầu hết đều có quan hệ gần gũi với nạn nhân. Đối tượng thường lợi dụng trẻ ở nhà một mình, ngồi chơi nơi vắng vẻ hoặc xâm hại trẻ ngay tại trường nơi trẻ đang theo học…

Mặc dù vậy, việc phát hiện, bắt giữ đối tượng phạm tội lại cực kỳ khó khăn. Nguyên nhân là do gia đình và nạn nhân thường không kịp thời tố giác tội phạm, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác. Có nạn nhân chưa có hiểu biết về pháp luật cũng như kỹ năng nhận biết tội phạm, dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, đe dọa… Hơn nữa, một số gia đình lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hoặc xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến tương lai của con cái sau này, nhất là bé gái… nên không trình báo với cơ quan chức năng. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc sau một thời gian dài mới bị phát hiện, tố giác gây khó khăn trong quá trình điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý trước pháp luật.

Một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng này. Mặt khác, hiện  nay cũng chưa có những quy định về giám định khẩn cấp đối với những vụ tố giác XHTD. Công tác phòng ngừa  nghiệp vụ còn sơ hở, thiếu sót khi “bỏ lọt”  người dưới 18 tuổi tham gia các bang nhóm tội phạm nhưng chưa được ngành công an quản lý” – đại diện công an tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Trẻ bị xâm hại tình dục ngày càng nhỏ tuổi ảnh 2

Anh D.K (Sóc Trăng) khóc ngất khi kể lại chuyện con gái mới 7 tuổi của mình bị hàng xóm xâm hại

Thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phòng ngừa và xử lý tội phạm, Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt – Cục trưởng C43 Bà cho rằng, tại một số địa phương, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm XHTDTE chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, đến đúng người; tài liệu cũng chưa được đầu tư về nội dung, chưa đến từng gia đình.

“Cấp cơ sở chưa có lực lượng chuyên trách làm công tác phòng chống tội phạm XHTDTE, đội ngũ điều tra viên, trinh sát viên, kiểm sát viên chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có kinh nghiệm, phản ứng chưa kịp thời, có địa phương còn xem nhẹ và chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác phòng ngừa, phòng chống tội phạm XHTD. Bên cạnh đó, việc quản lý các ngành nghề kinh doanh như karaoke, quán bar, cơ sở massage còn chưa chặt chẽ. Đây là môi trường trẻ em dễ bị sa ngã, dễ bị người khác xâm hại” – bà Nguyệt khẳng định.

Ở góc độ pháp lý, vẫn còn nhiều kẽ hở trong việc xử lý XHTDTE. Đơn cử như với hành vi ấu dâm, rõ ràng hành vi của đối tượng xâm hại đến thân thể, nhân phẩm của nạn nhân, nhưng việc xác định tội danh gặp nhiều khó khăn do hậu quả để trên thân thể nạn nhân khó xác định.

“Các văn bản luật hiện hành chưa điều chỉnh được hết vấn đề này, pháp lý vẫn còn kẽ hở, gây khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm. Về vấn đề này, Tổng cục cảnh sát sẽ tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc từng bước hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn” - Trung tướng Đỗ Kim Tuyến – Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia tâm lý cho hay, trẻ em là người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về tâm sinh lý, dễ bị tổn thương do các tác động từ môi trường xâm hại. Trẻ em bị XHTD thường bị chấn thương cả về thể xác lẫn tinh thần, các em thường có hành vi hoảng sợ khi gặp người khác giới; thường lo lắng, luôn bị ám ảnh bởi các hành vi mà đối tượng gây ra, nhiều trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm. Rất nhiều trẻ có tâm lý bỏ mặc, bất cần dẫn đến những việc làm tiêu cực như tự tử, bỏ nhà đi, hoặc làm điều sai trái…

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có rất nhiều hoạt động trong công tác đấu tranh  phòng ngừa loại tội phạm này như tổ chức tuyên truyền, tập huấn; thành lập các CLB tiêu biểu ở các cấp hội Phụ nữ; thiết lập đường dây nóng, điện thoại, email, hộp thư tố giác tội phạm nơi công cộng dể tiếp nhận kịp thời những thông tin có liên quan đến các vụ việc XHTDTE

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.