Đến trưa 27/6, tại Bệnh viện T.Ư Huế vẫn còn 6 trường hợp cấp cứu, điều trị ngộ độc do ăn cá nóc, trong đó có 4 bệnh nhi. Tất cả bệnh nhân đều trú tại thôn Quy Lai (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế), gồm 4 thành viên trong một gia đình, là người mẹ Nguyễn Thị Dung (39 tuổi) và các con Nguyễn Thị Thanh Trang (7 tuổi), Nguyễn Thị Bảo Ngọc (3 tuổi), Nguyễn Văn Tiến (4 tuổi).
Hai bố con hàng xóm là anh Hoàng Văn Lưỡng (40 tuổi) và cháu Hoàng Trần Hữu Chiến (4 tuổi).
Riêng một người con khác của chị Dung tên Oanh (bố là Nguyễn Văn Thiện) tử vong trước khi nhập viện do ăn cá nóc, là cháu Nguyễn Thị Oanh (9 tuổi).
Anh Lưỡng vẫn còn cấp cứu điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế sáng 27/6.
Theo người nhà các nạn nhân, trưa 26/6, anh Nguyễn Văn Thiện (chồng chị Dung) đi biển về mang theo một con cá nóc để làm món canh um chua với con cá lệch.
Món này được 5 người trong gia đình anh Thiện và cha con người hàng xóm Hoàng Văn Lưỡng dùng vào buổi cơm trưa.
Sau khi dùng bữa, đến chiều cùng ngày, cháu Oanh (con anh Thiện - chị Dung) đã tử vong do ngộ độc nặng, 4 người trong gia đình anh Thiện bị đau bụng, nôn mửa dữ dội phải nhập viện cấp cứu. Hai bố con anh Lưỡng cũng trong tình trạng tương tự. Riêng anh Thiện không ngộ độc.
Bệnh viện đã cấp cứu tích cực, loại bỏ chất độc khỏi cơ thể các bệnh nhân. Đến ngày 27/6, sức khỏe anh Lưỡng và các cháu bé chuyển biến tích cực, riêng trường hợp chị Dung vẫn còn nôn mửa.
Cá nóc
Biển Việt Nam có 66 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ.
Độc tố cá nóc có tên là Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu. Độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7).
Khi đánh bắt, chế biến, để cá ươn, dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi dùng.
Độc tố cá nóc rất độc, chỉ cần 4 mg thịt cá có độc tố đã giết chết 1 con thỏ 1kg. Với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.
(Nguồn Trang điện tử Truyền thông Giáo dục sức khỏe)