Nói chung trâu cứ không nghe lời người, sẽ bị coi là điên. Nhưng trong trường hợp này, nghe hay không đều chết. Chính việc trâu “phản” chủ đã có tính chất cảnh tỉnh về công tác tổ chức hội chọi trâu.
Xem clip, khi trâu húc người cú đầu tiên, tôi cứ tưởng sẽ có các nhân viên thiện xạ mang súng đến ngay. Không phải đạn sát thương mà là đạn thuốc mê. Trâu sẽ lăn ra liền. Và các bác sĩ sẽ vào tận nơi khám và cáng bệnh nhân ra ngoài. Nhưng tôi quá lãng mạn. Thực tế không như các trận bóng đá, cũng không như chương trình Thế giới Động vật trên tivi.
Nhằm lúc con trâu bỏ đi, mấy thanh niên vội vào khênh nạn nhân bằng tay chạy khỏi sân. Không phải vô cớ mà nạn nhân tử vong do gãy cổ, chết não… Ở các nước phát triển, không có kỹ năng chuyên môn mà lao vào cứu người như thế là phạm luật. Cho đến khi nạn nhân gặp bác sĩ và được cáng ra xe cấp cứu, con trâu vẫn tung tăng đi lại không ai kiểm soát. Lễ hội được phục dựng đầu thế kỷ XXI, nhưng thử hỏi cách tổ chức hơn ngàn năm trước được bao?
Nghe nói năm nay có 3 trâu không chịu vào đình tế, trong đó có số 18. Theo lệ những con trâu như thế sẽ bị loại nhưng chủ trâu số 18 vẫn tin trâu của mình làm nên chuyện. Lúc ra sân, kéo mãi nó mới chịu vào. Khi lâm trận vẫn không chịu húc bạn, chủ trâu lại càng có lý do nấn ná trong sân. Và hậu quả như chúng ta đã biết. Cặp sừng trâu quay trở lại đâm chính vào người đã vót cho chúng nhọn sắc.
Trong lần khai thị ở Mỹ, Hòa thượng Tuyên Hóa trích câu của người xưa: “Trăm ngàn năm nay khi nhìn vào bát canh thịt, mối hận nghìn năm lớn như biển khó tiêu trừ/ Nếu muốn biết rõ chuyện binh đao chém giết nhau trên đời, hãy lắng nghe tiếng kêu than của súc vật lúc nửa đêm”. Có vẻ trâu số 18 đã cương quyết “nói” không với bạo lực từ đầu, nhưng chẳng ai thèm lắng nghe… Mới đây qua báo, lại được biết chủ trâu xấu số nhà rất nghèo, và người ta đặt câu hỏi tiền thu được từ hội chọi trâu đi về đâu?