Transerco: Nỗ lực xóa ‘vùng trắng’ xe buýt

Transerco: Nỗ lực xóa ‘vùng trắng’ xe buýt
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Transerco chia sẻ về nỗ lực xóa bỏ “vùng trắng” xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước thu hút người dân lựa chọn loại hình vận tải hành khách công cộng đặc biệt quan trọng của Thủ đô này.
Transerco: Nỗ lực xóa ‘vùng trắng’ xe buýt ảnh 1

PV: Xin ông cho biết kế hoạch hành động của Tổng công ty để vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trở thành phương tiện đi lại chính của người dân Thủ đô?

Ông Nguyễn Trọng Thông:

Trước tiên, phải khẳng định rằng quỹ đất dành cho giao thông hiện nay vẫn đang thiếu và yếu. Trong điều kiện này, việc lựa chọn xe buýt là loại hình vận chuyển công cộng đã được các nhà quản lý chứng minh là hợp lý nhất, tiết kiệm diện tích nhất. Chính vì vậy, TP yêu cầu phải phát triển loại hình VTHKCC sao cho tiện lợi và tiến tới phát triển hợp lý để sử dụng hợp lý quỹ đất đó.

Trong đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt đã được TP phê duyệt, việc phát triển từ nay đến 2015 cũng như các bước tiếp theo xác định rõ là phát triển VTHKCC là mục tiêu chủ yếu để giảm nguy cơ ùn tắc và rối loạn giao thông. Là đơn vị đang đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong lĩnh vực phát triển VTHKCC của TP, Transerco có nhiệm vụ tổ chức thực hiện, dẫn hướng cho VTHKCC. Hiện tại, chúng tôi đang tham gia triển khai Đề án theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, không có Trung tâm, đơn vị hành chính (quận, huyện) nào của Hà Nội “trắng” về xe buýt. Về cơ bản đến nay mục tiêu đã hoàn thành. Giai đoạn 2: Không có Trung tâm, thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và TT liên xã “trắng” về xe buýt. Giai đoạn 3: Đưa xe buýt về tận TT các xã, các điểm thu hút hành khách lớn.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi luôn xác định rõ mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt và sau này là các loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn khác để thu hút ngày càng nhiều hơn hành khách đi xe buýt. Đặc biệt, năm 2012 này được Transerco chọn là năm “Chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện và an toàn xe buýt”. Chúng tôi đã và đang triển khai mạnh mẽ để thực hiện tốt mục tiêu này.

PV: Giải quyết mối quan hệ giữa phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Làm thế nào để hài hòa được mối quan hệ này, thưa ông ?

Ông Nguyễn Trọng Thông:

Đây là một bài toán khó. Quỹ đất là hằng số, trong khi phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng. Theo tôi, muốn giải quyết hài hòa mối quan hệ này, trước hết, phải tuyên truyền cho toàn XH thấy rằng 1 đô thị như vậy, với quỹ đất như vậy, với con người như vậy thì cần phải kiềm chế cái gì, phát triển cái gì? Phải định hướng rõ phát triển VTHKCC trước mắt là xe buýt và sau này sẽ là các loại hình khác như BRT, Metro... để người tham gia giao thông có cái lựa chọn thì mới giải quyết được bài toán về GT, mới tránh được xung đột về GT.

Tất nhiên, nếu phương tiện giao thông cá nhân vẫn phát triển mà không kiểm soát được thì rất khó giải quyết. Hài hòa mối quan hệ này tức là phải hài hòa lợi ích của từng cá nhân khi tham gia giao thông. Bản thân phương tiện công cộng hay phương tiện cá nhân không có lỗi gì, tất cả đều do ý thức của chúng ta khi tham gia giao thông. VTHKCC nếu muốn thu hút hành khách thì phải nâng chất lượng dịch vụ. Muốn như vậy, không phải chỉ doanh nghiệp cố gắng, quản lý Nhà nước cố gắng mà cả người dân cũng phải cố gắng.

PV: Thời gian qua, Công ty xe khách Sài Gòn đưa vào hoạt động phương tiện sử dụng nhiên liệu CNG (khí nén thiên nhiên) hiện đại, có hỗ trợ cho người khuyết tật di chuyển, thân thiện với môi trường... Tổng công ty có ý định nghiên cứu, triển khai loại phương tiện này không?

Ông Nguyễn Trọng Thông:

Nếu nói về sử dụng năng lượng sạch, chúng tôi đã nghiên cứu rất sớm, ngay từ những ngày đầu thành lập. Cụ thể về phương tiện sử dụng nhiên liệu CNG, chúng tôi đã phối hợp với các đối tác trong nước và nước ngoài nghiên cứu triển khai. Tuy nhiên, ở Hà Nội, nếu muốn triển khai được thì phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Trước hết là hệ thống hạ tầng cơ sở cho việc thực hiện năng lượng sạch gồm hệ thống hạ tầng cơ sở về các văn bản pháp lý của Nhà nước theo tiêu chuẩn VN để áp dụng; năng lượng được tổ chức cung cấp như thế nào cho an toàn; Hỗ trợ cho đơn vị sử dụng như thế nào?

Khó khăn trong triển khai thì rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn xác định cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng công nghệ sạch nói riêng và ứng dụng KHCN nói chung. Đến nay, TCT đã đưa hệ thống giám sát hành trình GPS vào lắp đặt và hoạt động trên 100% xe buýt. Hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện được thực hiện theo quy trình thống nhất, áp dụng ISO 9001 -2008. Đoàn phương tiện của TCT hiện tại không có xe nào trên 10 năm tuổi và tất cả 100% đều đạt tiêu chuẩn khí thải Nhà nước quy định. TCT đã đưa một vài tuyến xe động cơ đạt tiêu chuẩn Euro 3 vào hoạt động.

Riêng trong năm 2012, chúng tôi sẽ thay mới 150 xe. Tất cả các xe đều được trang bị hệ thống âm thanh hướng dẫn hành khách lên xuống; Áp dụng công nghệ Nano làm trong kính; Ứng dụng các bảng điện tử LED trên một số tuyến xe buýt và nhà chờ; tiếp tục thử nghiệm camera giám sát trên xe và cố gắng đưa nhanh hệ thống bán vé tự động vào hoạt động...

PV: Cảm ơn ông!

Theo GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.