Transerco: Khai thác hiệu quả hệ thống GPS

Transerco: Khai thác hiệu quả hệ thống GPS
Xung quanh việc lắp đặt, khai thác thiết bị giám sát hành trình, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thủy - Trưởng Trung tâm điều hành buýt, Transerco.
Transerco: Khai thác hiệu quả hệ thống GPS ảnh 1

PV: Được biết, Tổng công ty là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) toàn mạng buýt của TCT. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm lắp đặt cũng như cơ chế vận hành của hệ thống?

Ông Nguyễn Thủy:

Hệ thống thiết bị GSHT của Tổng công ty là sự kết hợp của 04 ứng dụng công nghệ gồm: Định vị GPS + Bản đồ Gis + Internet + Viễn thông (GPRS, SMS). Hệ thống phần mềm phân quyền theo chức năng của từng vị trí.

Cấp Tổng công ty có quyền kiểm soát toàn mạng buýt (Trung tâm ĐH chính), các đơn vị thì kiểm soát, theo dõi và khai thác thông tin đối với những tuyến buýt do đơn vị mình quản lý (trung tâm nhánh). Hệ thống GPS của Transerco có đủ tính năng tiêu chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 31:2011/BGTVT về thiết bị GSHT của xe ô tô của Bộ GTVT ban hành như: Khả năng kiểm soát hành trình của xe hoạt động trên tuyến; Kiểm soát tốc độ vận hành của xe: xe chạy quá tốc độ, tăng tốc đột ngột, phanh gấp; Thống kê được vi phạm không dừng đỗ đón trả khách tại điểm dừng; Ghi nhận được những trường hợp mở cửa khi xe đang vận hành; Ghi nhận được thời gian làm việc của công nhân lái xe; Ghi nhận được thông tin của phương tiện và thông tin công nhân lái xe hoạt động trên tuyến. Ngoài ra hệ thống cho cảnh báo trực tuyến trên màn hình về khu vực khả nghi ùn tắc giao thông, những vi phạm về lộ trình, quá tốc độ...

PV: Sau một thời gian lắp đặt và sử dụng, ông đánh giá thế nào về hiệu quả, và lợi ích do lắp đặt GPS mang lại...?

Ông Nguyễn Thủy:

Tôi cho rằng việc lắp đặt và khai thác hệ thống đã thực sự có hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Đối với lái xe, hệ thống sẽ cảnh báo bằng âm thanh cho lái xe khi chạy quá tốc độ bằng tiếng “bíp bíp” trên hộp thiết bị. Đối với công tác quản lý, hệ thống sẽ giúp kiểm soát được những thông tin xe đang hoạt động trên tuyến về: BKS, vận tốc, vị trí, lộ trình xe đang vận hành...; Theo dõi trực tuyến tình trạng hoạt động của phương tiện, tình trạng ùn tắc giao thông để thông tin hỗ trợ công tác điều hành hoạt động các tuyến buýt kịp thời; Phát hiện ngay những vi phạm của lái xe thông qua hệ thống cảnh báo trực tuyến lỗi (sai lộ trình, không dừng đỗ, mở cửa khi xe đang di chuyển...) hỗ trợ cho lực lượng KTGS, điều hành xử lý, điều chỉnh hành vi vi phạm kịp thời.

Đối với hành khách, hệ thống GPS của Transerco kết nối với hệ thống loa trên xe để tự động thông báo cho hành khách tên điểm dừng tiếp theo trước khi xe đến điểm dừng để hỗ trợ hành khách đi xe chủ động trong việc xác định điểm dừng cần xuống. Cần phải nhấn mạnh rằng, sau một thời gian triển khai hệ thống GSHT, một số nhóm lỗi vi phạm đã được giảm hẳn như lỗi lái xe tự ý vận hành sai lộ trình, không dừng đỗ, mở cửa khi xe chạy... Ngoài ra, đối với công tác điều hành, công tác kiểm tra giám sát cũng được chủ động hơn, Việc xác minh kết quả các vi phạm nhanh chóng, chính xác, qua đó chất lượng phục vụ hành khách đã được cải thiện và nâng lên.

PV: Phía TCT có gặp khó khăn gì khi lắp đặt và vận hành thiết bị?

Ông Nguyễn Thủy:

Ứng dụng khoa học công nghệ mới vào quản trị doanh nghiệp cũng là cuộc cách mạng từ nhận thức đến triển khai áp dụng, từ người quản lý đến đối tượng bị quản lý. Nên khi triển khai cần có kế hoạch, lộ trình hợp lý từng giai đoạn. Thời gian đầu, khó khăn lớn nhất mà chúng gặp phải là những hành động tiêu cực từ đội ngũ CNLX. Cụ thể, do họ có suy nghĩ bị kiểm soát chặt hơn nên nảy sinh các động thái chống phá làm thiết bị không hoạt động như ngắt nguồn điện, tháo lỏng các giắc cắm...làm thiết bị trục trặc, hỏng hóc.

Ngoài những khó khăn mang tính chủ quan nêu trên thì còn có các yếu tố khách quan có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của hệ thống như chất lượng dịch vụ của các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông (dịch vụ gián đoạn, nghẽn mạng trong quá trình truyền dữ liệu) làm cho dữ liệu cung cấp về máy chủ xử lý không liên tục dẫn đến kết quả xử lý thiếu chính xác; Phụ thuộc vào chất lượng đường truyền internet, chất lượng hệ thống máy tính theo dõi, chất lượng kỹ thuật phượng tiện (hệ thống điện, loa, cảm biến cửa, cảm biến vận tốc...) và thiết bị lắp đặt trên xe. Ngoài ra, GPS cũng bị ảnh hưởng bởi khu vực bị phá sóng (quân đội, khu ngoại giao...), nhà cao tầng cũng có thể gây ra sai lệch về tọa độ của phương tiện làm cho thông tin thiếu chuẩn xác...

PV: Được biết, hệ thống GSHT có thể tích hợp được rất nhiều dịch vụ khác đi kèm, TCT đã khai thác ứng dụng này như thế nào?

Ông Nguyễn Thủy:

Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã kết hợp với hệ thống loa trên xe thông báo tên điểm dừng tiếp theo trước khi xe đến điểm dừng để hỗ trợ hành khách đi xe chủ động trong việc xác định điểm dừng cần xuống và thông báo số điện thoại đường dây nóng để hành khách có thể phản ánh, góp ý. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã và đang thí điểm tích hợp với bảng điện tử để hiển thị thông tin cho hành khách về xe đang cách bến bao xa, giúp hành khách chờ xe chủ động xác định khoảng thời gian xe đến bến. Tiếp tục thí điểm tích hợp hệ thống camera quan sát trên xe với hệ thống GPS để có thêm kiểm soát hình ảnh.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu tích hợp thêm trên trang Website nhằm hỗ trợ khách hàng quan sát, tìm xe trên máy tính hoặc điện thoại; Cung cấp dịch vụ tra cứu các tuyến xe, tìm xe sắp đến điểm dừng thông qua dịch vụ nhắn tin.... đặc biệt sẽ nghiên cứu tích hợp với hệ thống vé xe buýt thông minh (smartcard)...

PV: Cảm ơn ông!

Theo GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG