Transerco: Đưa gara đỗ xe cao tầng đầu tiên vào khai thác

Transerco: Đưa gara đỗ xe cao tầng đầu tiên vào khai thác
Ngày 16-7 tới đây, Tổng công ty Vận tải Hà Nội sẽ chính thức đưa vào khai thác gara đỗ xe cao tầng bằng giàn thép lắp ghép tự động đầu tiên tại 32 Nguyễn Công Trứ. Xung quanh việc xây dựng, vận hành gara đỗ xe này, PV Báo GTVT đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Tạ Đình Thắng - Giám đốc Trung tâm Hạ tầng vận tải công cộng thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội.
Transerco: Đưa gara đỗ xe cao tầng đầu tiên vào khai thác ảnh 1

PV: Một gara đỗ xe như thế này được xây dựng trong bao lâu, thưa ông?

Ông Tạ Đình Thắng:

Sau khi UBND TP có văn bản yêu cầu Tổng công ty triển khai dự án này, ngày 15/4/2012, Trung tâm Hạ tầng vận tải công cộng đã tiến hành khởi công. Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND Thành phố và sự hướng dẫn tận tình, kịp thời hiệu quả của các Sở Quy hoạch Kiến Trúc, Sở KHĐT, Sở GTVT..., Tổng công ty đã chỉ đạo sát sao Trung tâm Hạ tầng vận tải công cộng triển khai dự án.

Sau gần 4 tháng, dự án đã cơ bản hoàn thành. Đây là gara đỗ xe cao tầng bằng giàn thép lắp ghép tự động theo công nghệ của Hàn Quốc. Dự án thực hiện trên diện tích 126m2, cao 5 tầng (10,5m), có sức chứa 30 xe ô tô, gồm 3 block cho xe 4 chỗ và 1 block cho xe 7 chỗ. Gara đỗ xe này có thể liên kết, tháo lắp di dời một cách cơ động (có thể lắp đặt trên mặt bằng nhỏ hẹp tối thiểu là 30m2/1 block) và tùy theo mặt bằng cho phép, block có thể kéo dài, nâng chiều cao thuận tiện, phù hợp với đô thị Việt Nam.

Sau 2 tháng tích cực triển khai, đến nay chúng tôi đã hoàn thành xong toàn bộ khối lượng công việc đầu tư, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, phù hợp với cảnh quan đô thị.

PV: Gara này hoạt động theo nguyên lý nào?

Ông Tạ Đình Thắng:

Nguyên lý hoạt động của thiết bị này khá đơn giản, động cơ chuyền chuyển động qua hệ thống xích và bánh đà đưa toàn bộ tấm pallet xoay tròn 360 độ quanh hệ trục cố định và có thể lên xuống theo 2 chiều thuận lợi cho việc lấy xe ở mọi hướng và trong cự ly chuyển động ngắn nhất (tốc độ xoay của hệ thống khoảng 3,8m/1 phút). Với chiều cao của công trình này thì thời gian lấy 1 chiếc xe mất khoảng từ 2 - 3 phút. Hệ thống được vận hành thông qua bảng điện tử đặt dưới chân mỗi block. Trên mỗi block đều có gắn số thứ tự từ 1 - 8 tương ứng với số thứ tự trong bảng điện tử. Khi khách vào gửi xe thì tấm pallet còn trống sẽ hiển thị trên nút của bảng điện tử.

PV: Ưu điểm của công nghệ này là gì, thưa ông?

Ông Tạ Đình Thắng:

Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này có thể lắp đặt trên mọi địa hình. Thiết bị có thể tháo lắp và di chuyển cơ động, thời gian lắp nhanh (tối đa 15 ngày). Một ưu điểm khác là cùng lúc có thể lấy được xe tại các block trong thời gian ngắn, khoảng 2 - 3 phút/xe.

Qua quá trình lắp đặt và nghiên cứu hệ thống này, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng sản xuất trong nước để giảm chi phí đầu tư.

PV: Dự kiến mức phí sẽ thu như thế nào, thưa ông?

Ông Tạ Đình Thắng: Mức phí trông giữ xe sẽ được áp dụng theo đúng Quyết định của Thành phố, cụ thể, giá trông giữ xe vé lượt là 30.000đ/xe/120 phút; trông giữ xe ngày, đêm từ 2 - 2.500.000đ/1xe/1 tháng.

PV: Với mức thu như thế này, dự kiến bao lâu sẽ có thể hoàn vốn, thưa ông?

Ông Tạ Đình Thắng:

Đây chính là băn khoăn lớn nhất của chúng tôi. Theo tính toán của chúng tôi, nếu áp dụng quyết định này thì phải mất 47 năm mới thu hồi được vốn. Tôi cho rằng, để khuyến khích cho các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này đề nghị các cấp, các ngành xem xét xây dựng ban hành giá trông giữ xe với các công trình có đầu tư (không phải chăng dây trên vỉa hè, dưới lòng đường thu tiền) nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư chủ quản thu hồi vốn theo quy định của nhà nước. Thời gian tới cúng tôi sẽ làm việc với Sở Tài chính và các ban ngành để trình TP phương án thu hợp lý.

Theo GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG