Tại Hội nghị ngành ngày 9/7, đề cập Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thẳng thắn thừa nhận: 6 tháng đầu năm mức tăng tín dụng như thế là thấp. Tuy nhiên trái với cái nhìn bi quan mọi người vẫn nghĩ, Thống đốc phân tích lạc quan: “thấp như thế nhưng cũng mừng vì với nền kinh tế yếu như thế này, nếu đưa tiền ra dồi dào quá, không biết chất lượng tín dụng thế nào”.
Trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ ngành ngân hàng chia sẻ, mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất tốt và NHNN đang đốc thúc quyết liệt tăng trưởng tín dụng nhưng không thể tránh được tâm lý thận trọng từ các TCTD bởi nhà băng nào đều trông cậy vào tín dụng là nguồn thu chính.
Cũng theo vị này, hiện các ngân hàng đều rất ủng hộ quan điểm của NHNN tạo mọi điều kiện cho DN vay vốn nhưng đi kèm cũng là một quan điểm rất rõ ràng: không hạ chuẩn tín dụng và chạy theo tăng tín dụng bằng mọi giá. Điểm này cũng trùng với quan điểm Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng cương quyết: “Ngân hàng phải sâu sát tới doanh nghiệp, nếu chữa được, cứu được thì phải quyết tâm làm nhưng nếu không cứu, không chữa được thì tuyệt đối cấm hạ chuẩn”.
Câu chuyện về tăng trưởng tín dụng vừa tiếp tục được hâm nóng vào ngày 5/8 khi Chính phủ ra Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 7/2014 trong đó yêu cầu về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu đề ra, không để dồn vào thời điểm cuối năm.
Lại nhớ trong kho truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, từng có chuyện về một bữa no. Truyện kể một bà lão không con không cháu, bị bỏ đói lâu ngày, cuối cùng bà cũng tìm cách có được một bữa cơm no như ý muốn. Nhưng kết thúc thật đáng buồn vì do ăn no quá không chịu được, bà lão đã chết. Nhìn xa trông rộng để thấy thời gian qua với sự ốm đau quặt quẹo của nhiều doanh nghiệp, việc tiên lượng sức khỏe để mà liệu cơm gắp mắm, bốc thuốc quan trọng thế nào. Và đây cũng là tiền đề để các ngân hàng tính toán tránh tín dụng dồn toa cùng một lúc.