Tại phiên thảo luận, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) đồng tình với việc giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất ban hành Nghị quyết theo quy trình rút gọn về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) |
Theo nữ đại biểu đoàn Điện Biên, nếu những khó khăn từ thực tế tổ chức thực hiện 3 chương trình được tháo gỡ bằng 1 Nghị quyết của Quốc hội (quy định về cơ chế, chính sách đặc thù như Chính phủ trình) thì sẽ tháo gỡ được toàn bộ những khó khăn vướng mắc hiện nay. Qua đó sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, mục tiêu và hiệu quả của chương trình chắc chắn sẽ đạt được.
“Sau cuộc giám sát tối cao, các địa phương và người dân được thụ hưởng chính sách đang rất mong chờ Nghị quyết này của Quốc hội”, bà Luyến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Điện Biên cũng cho rằng, việc giao vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều bất cập, các văn bản hướng dẫn thực hiện ban hành chậm, tổ chức thực hiện nhiều khó khăn.
“Các địa phương không phải không muốn làm mà không thể làm được vì cơ sở pháp lý không rõ ràng, nếu cứ làm thì hậu quả về mặt pháp lý là có khả năng dẫn đến rủi ro cho người thi hành công vụ”, bà Luyến cho hay.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia đến hết giai đoạn, hoặc cho phép như đề nghị của 48 địa phương - cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024, bao gồm cả kế hoạch vốn của năm 2022 chuyển sang năm 2023.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu nội dung của một số chương trình còn trùng lặp với nhiệm vụ chi thường xuyên, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình theo dõi, đánh giá các chương trình chưa chặt chẽ.
Từ thực tiễn quản lý ở địa phương, bà Thanh thống nhất với đề xuất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư phát triển của chương trình đến hết năm 2025. Đồng thời giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn 3 chương trình này, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) còn đề nghị cho phép địa phương được chủ động quyết định việc điều chỉnh vốn giữa các nội dung, dự án, lĩnh vực chi trong kế hoạch vốn dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền giao cho.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) |
Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần cân nhắc về đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn cho 3 chương trình, bởi phiên thảo luận hôm nay là nhằm họp để bàn làm sao hoàn thành chương trình cho thật tốt.
Theo đại biểu, cùng lắm chỉ nên kéo dài đến hết quý I năm 2024, nếu qua thời gian này vẫn chưa hoàn thành thì sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ, và chuyển nguồn vốn này sang cho nội dung khác, dự án khác. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất hỗ trợ trực tiếp 500 nghìn đồng/tháng trong suất ăn ở lớp học cho mỗi học sinh nghèo, không phân biệt công lập hay dân lập.
Tuy nhiên, đăng ký tranh luận sau đó, một số đại biểu Quốc hội không đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Anh Trí, với nhiều lý do như văn bản ban hành chậm, chưa rõ, dẫn đến lúng túng, thời gian còn chậm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương này.
"3 chương trình mục tiêu quốc gia rất quan trọng, mục tiêu hướng đến người dân, đặc biệt là người dân nghèo, đặc biệt khó khăn. Đáng chú ý, đại đa số người dân, các địa phương từ mọi miền đất nước đều mong muốn các chương trình này được tiếp tục triển khai thực hiện, mong muốn được phép kéo dài thay vì thu hồi.
Chúng ra cần phải hành động thực chất hơn nữa để giải quyết được những bất cập, để chủ trương tốt đẹp này được đến với người dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân", đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) bày tỏ.