Tranh luận nóng xe cứu hỏa đi ngược chiều gặp nạn, chết người

Hiện trường vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách (ảnh cắt từ clip giám sát giao thông trên tuyến)
Hiện trường vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách (ảnh cắt từ clip giám sát giao thông trên tuyến)
TP - Vụ tai nạn của xe cứu hoả và xe cứu thương gây ra tranh luận xung quanh việc xe cứu hỏa đi ngược chiều vào cao tốc.

Ngày 19/3, Ủy ban ATGT Quốc gia có công điện khẩn gửi Bộ Công an, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 4 vụ tai nạn giao thông liên tiếp trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 18/3 làm 3 người chết, 10 người bị thương, gây ách tắc dài hơn 30 km. 

Trong 4 vụ, có vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa thuộc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội biển kiểm soát 29A-02307 với ô tô chở khách biển kiểm soát 29B-078.43 làm 4 cán bộ chiến sĩ trên xe cứu hỏa và 2 người trên ô tô khách bị thương (trong đó có 1 chiến sĩ đã hy sinh vào sớm 19/3 tại bệnh viện). Vụ việc xảy ra trong quá trình xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên đường cao tốc để đến cứu hộ vụ TNGT trước đó.

Trong công điện, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tăng cường tập huấn, diễn tập cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là công tác chỉ huy, phối hợp và thực hành cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc. Ủy ban ATGT quốc gia cũng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung quy tắc và biển báo theo thông lệ quốc tế với trường hợp này.

Vụ tai nạn của xe cứu hoả và xe cứu thương gây ra tranh luận xung quanh việc xe cứu hỏa đi ngược chiều vào cao tốc. Một số luật sư trích dẫn Điều 22 Luật Giao thông đường bộ cho hay: Xe cứu hỏa là xe ưu tiên nên được quyền đi vào đường ngược chiều, đường cấm, không bị hạn chế tốc độ nên không vi phạm trong trường hợp này, lỗi vi phạm thuộc về xe khách.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền phong, Tiến sỹ, chuyên gia ATGT Khương Kim Tạo cho rằng, cần xem xét thận trọng việc áp dụng quy định pháp luật trong trường hợp này. Theo ông Tạo, nếu xe cứu hoả phải đi ngược chiều thì cần đi vào làn khẩn cấp của cao tốc, không nên đi vào làn đường xe đang chạy tốc độ cao.

“Các nước đều quy định làn đường khẩn cấp cao tốc dành cho xe dừng khẩn cấp khi gặp sự cố, dành cho xe cứu hộ, xe cứu hoả, xe CSGT… Nếu trên cao tốc, phương tiện lưu thông với tốc độ 100 km ở thế ngược chiều với xe cứu hỏa phải phanh, nhường đường là cực kỳ nguy hiểm” - ông Tạo nói.

Cuối ngày 19/3, Tổng cục Đường bộ cho hay, xe khách 29B-078.43 (xe khách trong vụ tai nạn với xe cứu hỏa) trước khi tai nạn chạy tốc độ 88 km/h. Trong khi, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được lưu thông tối đa 100 km/h ở tất cả các làn, trừ làn khẩn cấp.

Bé trai 10 tuổi lái xe tải ở Thanh Hóa

Ngày 19/3, Ủy ban ATGT cũng có công văn yêu cầu Công an tỉnh Thanh Hoá xác minh làm rõ clip trên mạng xã hội ghi lại một trường hợp bé trai điều khiển xe tải (36M-3224) luồn lách trên đường hẹp. Cùng ngày, Đội CSGT thành phố Sầm Sơn (Thanh Hoá) xác minh, bé trai trong clip 10 tuổi được người chú ruột cho điều khiển xe ô tô tải nêu trên. Trước mắt, người chú sẽ bị phạt từ 2-4 triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.