Cân nhắc lợi và hại
Tại hội nghị, có 3 nhà khoa học về thủy lợi được mời phát biểu, trình bày nghiên cứu về ảnh hưởng của việc lấn sông là T.S Lê Hùng (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), GS.TS Phạm Thị Hương Lan (Trường Đại học Thủy lợi) và PGS.TS Lê Song Giang (ĐH Bách khoa TP HCM). Điều đáng chú ý, ba nhà khoa học đều có chung đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình lấn sông Hàn mà cụ thể là dự án bất động sản và bến du thuyền (Marina Complex ) là không lớn. Trong số 3 người này, GS.TS Phạm Thị Hương Lan chính là một trong số thành viên xét duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường để thông qua dự án này.
PGS.TS Lê Song Giang (ĐH Bách khoa TP HCM), cho biết: Kết quả tính toán cho thấy, việc san lấp tại khu vực dự án không làm gia tăng ngập lũ của Đà Nẵng mà ngược lại đã giúp nắn lại dòng chảy, thoát lũ tốt hơn. Khu vực dự án chỉ gây một tác động bất lợi nhỏ là trong trường hợp có lũ lớn sẽ làm gia tăng vận tốc tại đầu đê khoảng 13 - 14cm/s…Từ đó ông Giang đi đến kết luận việc lấp sông ảnh hưởng không lớn đến dòng chảy sông Hàn!
Tuy nhiên, các chuyên gia của TP Đà Nẵng tỏ ra lo lắng về các dự án lấn sông Hàn hiện nay. Ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng), cho rằng: Về mỹ quan đô thị, vấn đề lấn sông Hàn mà đặc biệt là ở cửa sông như Đà Nẵng rất khó chấp nhận. Vấn đề người Pháp từng xây kè và dựng hải đăng ở cửa sông Hàn theo ông Tiếng cũng rất đáng bàn. “Mục đích người Pháp xây kè trước đây là để trị thủy chỉnh lưu, chứ không phải lấn sông để làm tăng quỹ đất”, ông Tiếng nói.
Theo ông Tiếng, quyết định cho tiếp tục triển khai dự án dễ hơn nhiều so với quyết định dừng dự án. Bởi vì trong chuyện này lỗi không chỉ và chủ yếu không phải của nhà đầu tư. Nếu lãnh đạo thành phố quyết định không cho triển khai dự án nữa thì quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được tính toán ra sao, nhất là đối với những thiệt hại mà hoàn toàn không do lỗi của họ? Đó là chưa kể chi phí xử lý kè, trả lại nguyên trạng bờ sông và dòng chảy?
PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) phản bác ý kiến của ông Tiếng và cho rằng: Chuyên gia khoa học lịch sử không thể nói về ảnh hưởng dòng chảy. Cũng như bản thân ông là chuyên gia kinh tế nên chỉ nói về kinh tế! Theo ông Thiên, việc thành phố dừng dự án, điều chỉnh dự án phải tính đến lợi tích của nhà đầu tư, lợi ích của sự phát triển. Tác động của môi trường kinh doanh đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Đà Nẵng, nếu các nhà đầu tư lớn không vào hoặc ngại vào thì cơ may của Đà Nẵng không còn.
Lo ngại ảnh hưởng lâu dài
Ông Trần Văn Thiết - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng, cho rằng: Sông Hàn có vị trí vô cùng quan trọng về du lịch và môi trường sống của dân, được xem như là “động mạch dẫn máu về tim nuôi cơ thể”. Động mạch không xơ vữa, không tắc nghẽn thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, trí tuệ sẽ minh mẫn, còn động mạch bị xơ vữa, tắc nghẽn thì trước sau gì cũng tai biến, nhồi máu cơ tim. Chính vì thế ông Thiết đồng ý với ý kiến của các chuyên gia: “Dù ít hay nhiều, việc lấn sông Hàn đều có tác động đến dòng chảy và có ảnh hưởng đến địa chất tại đây. Hậu quả đó, có thể không thấy được ngay nên cần phải xem xét thận trọng để tránh thiệt hại về lâu về dài”.
“Ảnh hưởng của việc lấn sông trước mắt không thấy được nhưng tương lai sẽ là bài học rất đắt. Việc này đã chứng minh hậu quả ở việc lấn sông ở Đồng Nai hay đồng bằng Sông Cửu Long”, ông Thiết cảnh báo. Đồng thời đề nghị lãnh đạo thành phố điều chỉnh quy hoạch chung, cần nhìn lại những dự án lấn sông, nhà cao tầng, xem xét kỹ lợi hại để điều chỉnh, không chỉ dự án Marina Complex này mà các dự án ở hai bên bờ sông Hàn khác.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng nói gì?
Trước một số ý kiến cho rằng dự án lấn sông Hàn hiện nay vi phạm luật, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết: Trong Luật Tài nguyên nước không nói di dời hay tháo dỡ dự án nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước mà phải có biện pháp hạn chế gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, dự án Marina Complex được cấp phép trước khi Luật Tài nguyên nước ra đời năm 2012 và có hiệu lực vào đầu năm 2013.Nói về tính pháp lý của dự án, ông Hùng cho hay, kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định dự án không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đồng thời kiến nghị thu bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đô thị đối với việc điều chỉnh dự án này. Trong kiến nghị của TP Đà Nẵng, đối với những trường hợp không đấu giá sử dụng đất ở dự án trên phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng do đó dự án này không thuộc trường hợp phải đấu giá sử dụng đất.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: TP Đà Nẵng đã kịp thời tạm dừng các dự án này để rà soát, tìm kiếm giải pháp về mặt quy hoạch không gian, nhằm đáp ứng được nguyện vọng của người dân theo đúng tinh thần của Thông báo số 331 của Thành ủy Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, sẽ sớm đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch hợp lý, với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và các nhà đầu tư. Đặc biệt là khả năng thực thi theo đúng pháp luật hiện hành.
Trước luồng ý kiến cho rằng chính quyền TP Đà Nẵng không nhất quán trong chỉ đạo điều hành, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói: Chính quyền TP Đà Nẵng đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. “Quy hoạch đô thị và quá trình xây dựng thành phố mặc dù được khen ngợi, nhưng hôm nay nhìn lại thì chúng ta cũng đã nhận ra nhiều bất cập, tồn tại cần sớm được điều chỉnh”, ông Dũng cho biết.
NGUYỄN THÀNH
“Chính quyền TP Đà Nẵng sẽ cùng với nhà đầu tư dự án nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, nhằm tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn. Đặc biệt, sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể. Bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân và du khách”.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng