Tranh chấp bản quyền nhãn hiệu: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Nhãn hiệu Bảo Xuân của Cty Ích Nhân (trái) và cơ sở Ngân Anh (phải).
Nhãn hiệu Bảo Xuân của Cty Ích Nhân (trái) và cơ sở Ngân Anh (phải).
TP - Doanh nghiệp làm ăn chân chính dù bị đối thủ vô tình hay cố ý tranh chấp bản quyền nhãn hiệu thì hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín, thương hiệu đều bị ảnh hưởng. Ngay người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng xấu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.

Thiệt hại hàng tỷ đồng vì tranh chấp nhãn hiệu

“Hiện trạng chung hiện nay của các doanh nghiệp (DN) là họ không quan tâm tới quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Đặc biệt là việc tạo dựng tên tuổi, thương hiệu thông qua việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm của công ty mình” - ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, mở đầu cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong.

“Ngoài việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, DN phải thường xuyên kiểm soát nhãn hiệu trên thị trường, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Thậm chí phải thuê các đơn vị chuyên nghiệp để tư vấn chiến lược bảo hộ nhãn hiệu, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” 

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ

Theo ông Lâm, các vụ xâm phạm SHTT không chỉ xảy ra trong nước mà còn căng thẳng trên thương trường quốc tế. Ở Việt Nam, bài học sâu sắc nhất thuộc về các đơn vị như Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Cà phê Trung Nguyên, cà phê Đắk Lăk, nước mắm Phan Thiết, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi,… “Cứ nhãn hiệu nào xuất hiện thành công trên thị trường đều trở thành mục tiêu để các doanh nghiệp làm ăn phi pháp “ăn theo”” – ông Lâm cho hay.

Sự chủ quan, chậm trễ trong đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp đánh mất tên sản phẩm của chính mình. Không những thế, tên thương hiệu cũng gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, cũng là tài sản của Nhà nước. 

Việc chủ thể nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với việc tài sản Nhà nước bị rơi vào tay người khác. Nguy hại hơn, nếu đấy là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì sản phẩm đó có thể bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước, do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu.

Chẳng hạn, năm 2002, thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam - Vinataba đã bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean. Vinataba đã phải chi đến 1 tỷ đồng cho việc bảo vệ và giành lại thương hiệu ở Lào và Campuchia. Mới đây, Vinataba lại đệ đơn lên Cục SHTT đăng ký sở hữu 2 nhãn hiệu Jet và Hero. 

Theo đơn vị này, thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu là Jet và Hero (chiếm đến 80%), gây thất thu ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, một công ty của Indonesia là Sumatra lại khẳng định, họ là chủ sở hữu của 2 nhãn hiệu Jet và Hero, đăng ký bảo hộ ở hàng loạt nước châu Á. Tại Việt Nam, Sumatra đang bán hai sản phẩm trên cho các doanh nghiệp như Cty CP Dịch vụ sân bay Tân Sơn Nhất, Cty Thế Kỷ Vàng... Vụ việc này, Cục SHTT vẫn đang phải chờ xin ý kiến của Chính phủ. 

Tranh chấp bản quyền nhãn hiệu: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” ảnh 1

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ.

Cục Sở hữu Trí tuệ cũng bị kiện

Không chỉ các doanh nghiệp tranh chấp, lôi nhau ra tòa vì bị xâm phạm quyền SHTT mà Cục SHTT – đơn vị thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ cũng không ngoại lệ. Điển hình như vụ Cục SHTT bị khởi kiện vì từ chối cấp văn bằng cho nhãn hiệu mỹ phẩm “Bảo Xuân” của cơ sở Ngân Anh (trụ sở tại huyện Châu Thành, Hậu Giang). Đây là nhãn hiệu vốn đã được Cty TNHH dược phẩm Ích Nhân (Cty Ích Nhân, trụ sở ở Hà Nội) đăng ký và cấp chứng nhận từ năm 2008.

Phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang đã chấp nhận đơn khởi kiện của cơ sở Ngân Anh, vì cho rằng, sản phẩm yêu cầu được đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân là mỹ phẩm không trùng lặp với sản phẩm của nhãn hiệu bảo hộ là dược phẩm, thuốc đông y, thực phẩm dinh dưỡng của Cty Ích Nhân.

Ngày 29/8 vừa qua, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm đã chấp nhận đơn kháng cáo của Cục SHTT, Cty Ích Nhân và kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Hậu Giang; tuyên bác đơn khởi kiện của bà Phạm Hồng Phượng - Chủ cơ sở Ngân Anh.

DN cần chuyên nghiệp trong quản lý nhãn hiệu

Theo Cục phó Cục SHTT, nguyên nhân của tình trạng tranh chấp bản quyền nhãn hiệu có nhiều. Về chủ quan, hầu hết các DN khi mới đi vào hoạt động chỉ quan tâm đến việc làm sao bán được sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng, tăng doanh số. 

Do đó, khi sản xuất ra sản phẩm, họ vô tình lựa chọn 1 nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, cung cấp ra thị trường thì bị kiện cáo vì xâm phạm quyền SHTT. Về khách quan, do các doanh nghiệp ra đời sau cố tình “ăn theo”, dựa vào thương hiệu có uy tín của các Cty đang hoạt động tốt để rút ngắn thời gian quảng bá, thu lợi được ngay.

Điều quan trọng nhất, theo ông Lâm, các DN chân chính cần nâng cao mức độ chuyên nghiệp. Ngoài việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, DN phải thường xuyên kiểm soát nhãn hiệu trên thị trường, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

 Thậm chí phải thuê các đơn vị chuyên nghiệp để tư vấn chiến lược bảo hộ nhãn hiệu, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Doanh nghiệp cũng có thể liên hệ thường xuyên với Cục SHTT để nắm bắt thông tin về tình hình thị trường, các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, Cục phó Cục SHTT cũng thừa nhận do lượng hồ sơ đăng ký xin cấp quyền SHTT, bảo hộ nhãn hiệu ngày càng nhiều, trong khi máy móc, trang thiết bị, công nghệ của Cục đã cũ kỹ, nguồn nhân lực còn thiếu dẫn đến việc cập nhật thông tin, hồ sơ của các đơn vị còn chậm.

 Ông Lâm kiến nghị Chính phủ cần có những hỗ trợ thiết thực về nguồn lực tài chính, cải thiện hạ tầng cơ sở, nhân lực để giải quyết nhanh các hồ sơ, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, phát triển.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.