“Sẽ có một phiên tòa luận tội tại Thượng viện, và sẽ có một cuộc bỏ phiếu về việc nếu tổng thống bị kết tội thì liệu ông có bị cấm tái tranh cử hay không”, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer – lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện cho biết.
Ông Schumer nói thêm, rằng phiên tòa luận tội tại Thượng viện có thể bắt đầu ngay lập tức nếu lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell đồng ý triệu tập một phiên họp khẩn cấp.
Nếu không, Thượng viện sẽ chỉ có thể bắt đầu quá trình họp sau ngày 19/1.
"Bây giờ Hạ viện đã hành động, và Thượng viện sẽ tổ chức một phiên tòa công bằng về việc luận tội Donald Trump vì vai trò của ông trong việc kích động cuộc nổi dậy bạo lực tại Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6/1, và cố gắng lật ngược một cuộc bầu cử tự do, công bằng”, Schumer nói.
Trước đó cùng ngày, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Trump với 232 phiếu thuận và 197 phiếu chống.
Theo nghị quyết, ông Trump bị cáo buộc “kích động nổi dậy” vì đã có bài phát biểu với nội dung công kích ngay trước khi đám đông ủng hộ ông Trump tấn công Điện Capitol.
Vụ tấn công khiến các nghị sĩ phải sơ tán giữa phiên họp Quốc hội, và ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có 1 cảnh sát.
Theo Hiến pháp, sau phiên bỏ phiếu tại Hạ viện, Thượng viện sẽ tiếp tục tổ chức phiên tòa luận tội Tổng thống Trump. Nếu có 2/3 số Thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận, ông Trump sẽ bị tuyên có tội và bị cách chức.
Tuy nhiên, nếu ông Trump bị tuyên có tội sau khi đã hết nhiệm kì, thì có khả năng ông sẽ bị xem xét cấm ra tranh cử trong tương lai.
Trong lịch sử, từng có 2 trường hợp tương tự, với đối tượng bị luận tội là các thẩm phán liên bang.
Paul Campos, Giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Colorado, nói rằng ngay cả khi Thượng viện không kết tội tổng thống, thì các thượng nghị sĩ vẫn có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu riêng biệt để ngăn ông Trump tái tranh cử.
Điều đó có nghĩa là đảng Dân chủ, phe sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện vào cuối tháng 1, có thể ngăn ông Trump tranh cử tổng thống vào năm 2024 ngay cả khi không có sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, một số chuyên gia pháp lý khác cho biết Thượng viện chỉ có thể ngăn ông Trump tái tranh cử nếu ông bị 2/3 số thượng nghị sĩ bỏ phiếu “có tội”.
Các nghị sĩ cũng có thể cáo buộc ông Trump “tham gia vào cuộc nổi dậy” để ngăn ông tái tranh cử, viện dẫn Tu chính án thứ 14. Việc này sẽ phải được thông qua ở cả Hạ viện và Thượng viện. Lệnh cấm tái tranh cử sau đó chỉ có thể được dỡ bỏ nếu 2/3 số nghị sĩ Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu thuận.
Trong lịch sử nước Mỹ chưa từng có tổng thống nào bị luận tội 2 lần như ông Trump.
Không, nhưng các chuyên gia pháp lý cho biết rõ ràng Quốc hội làm như vậy là hợp hiến.
Hạ viện trước đó đã bỏ phiếu để luận tội Trump vào tháng 12/2019 với cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội, xuất phát từ việc ông yêu cầu Ukraine điều tra Biden và con trai Hunter trước cuộc bầu cử. Sau đó, vào tháng 2/2020, Thượng viện đả bỏ phiếu trắng án và giữ ông Trump tại vị.