Một xu hướng đang gia tăng nhanh chóng ở Hàn Quốc, đặc biệt là khu vực thành thị, là những người trẻ tuổi đăng ký tham gia tang lễ mô phỏng của chính họ với hy vọng tìm lại được khát vọng sống.
Ngày càng nhiều người Hàn Quốc trải nghiệm tang lễ của chính mình. Ảnh: Koreaboo. |
Theo Koreaboo, Hàn Quốc phải đối mặt với tỷ lệ tự tử gia tăng trong nhiều năm. Thống kê cho thấy nguyên nhân tử vong hàng đầu của người trong độ tuổi 10-39 là tự tử. Áp lực học tập, cuộc chạy đua không hồi kết để theo đuổi sự nghiệp thành công và lối sống cô lập nằm trong top lý do người trẻ tại quốc gia Đông Á lựa chọn con đường giải thoát cực đoan. Mặt khác, tỷ lệ tử vong do tự tử cũng rất cao trong nhóm dân số già của Hàn Quốc, với 50,3/100.000 người. Người cao tuổi bị xa lánh trong xã hội hiện đại với nhịp độ nhanh và ít hỗ trợ về kinh tế, xã hội. Không thể tự lo về cả vật chất và tình cảm khiến người già ở xứ sở kim chi xem tự tử là cứu cánh tối thượng.
Trước thực trạng đó, Trung tâm Chữa lành Hyowon ở Seoul đã đưa ra giải pháp độc đáo để chống lại sự tuyệt vọng. Công ty hoạt động từ năm 2012 mang đến cho mọi người cơ hội trải nghiệm tang lễ của chính mình. Jeong Yong Mun, người đứng đầu trung tâm, cho biết ý tưởng bắt nguồn từ sự xúc động của anh khi thấy mọi người gạt bỏ những mâu thuẫn để gần nhau hơn trong đám tang của người thân.
“Chúng ta không tồn tại mãi mãi. Đó là lý do tôi nghĩ trải nghiệm này rất quan trọng. Chúng ta có thể nói lời xin lỗi, hòa giải sớm hơn và sống hạnh phúc suốt phần đời còn lại”, anh nói.
Điều gì xảy ra trong tang lễ giả?
Những người tham gia tang lễ được dẫn vào một căn phòng, họ được nghe bài giảng và video hướng dẫn. Theo trình tự, mỗi người tiến hành chụp ảnh thờ, mặc áo liệm rồi đến sảnh chính diễn ra tang lễ. Hội trường được trang trí bằng hoa cúc, không có đèn điện, chỉ có ánh sáng le lói phát ra từ những ngọn nến. Người trải nghiệm ngồi bên tráp viết và đọc di chúc. Sau đó, họ thay vải liệm, nằm trong quan tài.
Bước đầu tiên của tang lễ giả là chụp ảnh thờ. Ảnh: Koreaboo. |
Một người đàn ông có vẻ ngoài dữ tợn, đóng vai thần chết, làm động tác giả đóng đinh nắp đậy quan tài (thực tế là nắp quan tài vẫn mở). Mọi người nằm trong quan tài khoảng 10 phút. “Không có tia sáng nào lọt vào. Tôi đã khóc như mưa trong quan tài tối tăm, ngột ngạt”, một người mô tả.
Trước khi kết thúc trải nghiệm, anh Jeong thông báo: “Bây giờ các bạn đã trút bỏ được con người cũ. Các bạn được tái sinh để có khởi đầu mới”.
Bà Choi Jae Hee (75 tuổi) đánh giá tích cực về toàn bộ trải nghiệm: “Một khi bạn nhận thức được cái chết, bạn xem đó như cách tiếp cận mới với cuộc sống”.
Anh Choi Jin Kyu, sinh viên đại học, cũng có kết luận tương tự. Anh dần thoát khỏi suy nghĩ xem những người xung quanh là địch thủ. Thanh niên 28 tuổi muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng thay vì lao vào thị trường việc làm đầy cạnh tranh.
Nhiều người suy nghĩ tích cực hơn sau khi nằm trong quan tài đóng kín. Ảnh: Koreaboo. |
Tuy nhiên, theo anh Jeong, mặt trái của phương pháp này là một số người dường như cảm thấy thoải mái khi ở trong quan tài. Anh cho biết phải để mắt đến những người suy nghĩ cực đoan như vậy vì họ có khả năng gây ra hành động tiêu cực sau tang lễ giả.
Không ít người chỉ trích dự án của anh Jeong. Song Hun, tốt nghiệp đại học, quan ngại thái độ trân trọng cuộc sống của những người trải nghiệm tang lễ giả chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, không có tác dụng chữa lành.
Bà Emma, người mất em gái vì tự tử, cho rằng dự án định hướng sai cảm xúc. “Mọi người nghĩ đến tự tử không phải vì họ trân trọng cuộc sống mà vì họ chán sống”, bà nhấn mạnh.
Bất chấp phản ứng trái chiều, hơn 25.000 người đăng ký tham gia tang lễ giả vào năm 2019. Đa số xác nhận thay đổi tích cực trong suy nghĩ. “Tôi muốn cho mọi người biết rằng họ quan trọng và ai đó sẽ buồn nếu họ ra đi. Hạnh phúc là ở hiện tại”, anh Jeong chia sẻ về mục tiêu cuối cùng của dự án.
Không ít lo lại trải nghiệm tang lễ giả càng thúc đẩy ý muốn tự tử. Ảnh: Koreaboo. |