Trang trại bò sữa Việt Nam đạt kỷ lục Châu Á

Toàn cảnh khu trại chính của TH tại Nghĩa Đàn – Nghệ An
Toàn cảnh khu trại chính của TH tại Nghĩa Đàn – Nghệ An
TPO - Từ Ấn Độ, Tổ chức Kỷ lục châu Á vừa xác nhận: Trang trại của tập đoàn TH (sở hữu thương hiệu TH true MILK) tại Nghĩa Đàn, Nghệ An đạt danh hiệu “Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á”.  

Đây là không chỉ là tin vui đối với Tập đoàn TH và thương hiệu sữa TH true MILK, mà còn là thành công quan trọng với tỉnh Nghệ An và ngành nông nghiệp Việt Nam.

Giải thưởng cũng ghi nhận sự đóng góp của TH true MILK trong việc đặt nền móng cho ngành công nghiệp chế biến sữa tươi sạch, tạo cuộc cách mạng cho thị trường sữa tại Việt Nam, thay đổi thói quen tiêu dùng sữa nước pha lại từ sữa bột sang sử dụng sữa tươi.

Thành công của Tập đoàn TH là đã sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng trong nước dòng sữa tươi sạch TH true MILK đạt chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam. Khi TH true MILK chưa xuất hiện, thị trường sữa trong nước có đến 92% là sữa bột, nhập về pha lại (hiện được gọi dưới tên sữa tiệt trùng).

Trang trại bò sữa Việt Nam đạt kỷ lục Châu Á ảnh 1

Cánh đồng hoa hướng dương đang đang nở rộ tại trang trại TH 

Bên cạnh đó, mỗi năm, cả nước tiêu tốn hơn 1 tỷ USD để nhập sữa bột; đó là một sự phi lý đối với đất nước có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam. Đến nay, với sự đóng góp chủ lực của TH (hiện có khoảng 45.000 bò cho sữa), lượng sữa nước pha từ sữa bột đã giảm xuống còn 70%. Doanh thu của TH true MILK năm 2014 đạt hơn 4.000 tỷ đồng.

Dự án của TH triển khai từ tháng 10/2009 trên diện tích 37 nghìn ha với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Hiện, TH đã có đàn bò 45 nghìn con với năng suất sữa bình quân 40 lít/ con/ ngày.

Ngoài ra, TH sở hữu Nhà máy Sản xuất chế biến sữa tươi sạch TH có công suất thiết kế hơn 500 triệu lít sữa/năm (tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Đây là nhà máy sản xuất và chế biến sữa tươi sạch hiện đại và lớn nhất Châu Á cả về quy mô lẫn công nghệ.

Chìa khóa vàng cho sự thành công của dự án này chính là công nghệ chăn nuôi hiện đại nhất thế giới được nhập khẩu từ Israel, Newzeland, Australia. Bò là động vật ôn đới, khi nuôi ở Nghệ An, khó khăn về thời tiết được chế ngự bằng cách tạo ra các vùng tiểu khí hậu. Ở trang trại TH, bò sinh sống dưới các nhà trại lợp tôn lạnh 3 lớp, có quạt gió, phun sương, cùng các bản nhạc cổ điển du dương.

Thức ăn cho bò như ngô, cao lương, hạt hướng dương, cỏ giống Mỹ được trồng trên cánh đồng nguyên liệu rộng hàng trăm ha. Ở đó có máy làm đất, gieo hạt và thu hoạch cỡ lớn có năng suất làm việc bằng 800 người làm thủ công. Lần đầu tiên, đồng đất Việt Nam xuất hiện những cách tay tưới dài 500- 700m.

Thực đơn cho bò thay đổi từng ngày; có chế độ riêng cho bò đang vắt sữa, bò dưỡng bệnh, bê con. Nước uống cho bò được lọc qua hệ thống máy móc của Israel, sạch đến mức người có thể uống trực tiếp.

Từng con bò được gắp chíp dưới chân - được coi như những “con mắt” thần theo dõi sức khoẻ, kiểm soát thời kỳ phối giống… Đặc biệt, những con bò bị bệnh (phổ biến nhất với bò sữa là bệnh viêm vú) sẽ được phát hiện và tự động loại ra khỏi chuồng vắt, tránh hiện tượng mủ lẫn với sữa. Đây là yếu tố quan trọng nhất, quyết định chất lượng, an toàn của sản phẩm sữa.

Có chuyện thú vị về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình công nghệ tại trang trại TH: Khi bắt đầu dự án, TH đưa cả nông dân Israel sang chuyển giao kỹ thuật và kỷ luật làm việc cho nông dân Việt tại trang trại.

Ngoài giải thưởng của Tổ chức Kỷ lục Châu Á, bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH vừa được Tạp chí Forber bầu chọn vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2015 nhằm ghi nhận những đóng góp của bà cho ngành sữa Việt Nam. Tại Việt Nam, TH cũng là doanh nghiệp chăn nuôi bò và chế biến sữa tươi sạch duy nhất được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp chứng nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.