Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2016), Bảo tàng Nghệ An tổ chức trưng bày triển lãm Nghệ An thời tiền sử đến buổi đầu dựng nước, tinh hoa cổ vật xứ Nghệ. Các hiện vật trong bộ sưu tập đồ trang sức của người Việt cổ thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách nay 2500-2000 năm) là phần đặc biệt của triển lãm.
Vòng ống chân, hiện vật thu được tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, huyện Nghĩa Đàn (nay là thị xã Thái Hòa) năm 1981. Vòng ống loại này thường có một rãnh hở để điều chỉnh độ rộng khi đeo. Ở vành miệng và thân vòng được gắn nhạc đồng. Vòng ống chân, hay ống tay ngoài chức năng trang sức còn có nhiệm vụ chống đỡ, làm vật cản khi những vật nhọn, nặng đâm vào cổ tay, cổ chân...
Vòng ống tay, hiện vật thu được tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Theo nghiên cứu, những vòng ống tay, vòng ống chân hoa văn đẹp, đeo đầy những quả lục lạc tìm thấy không thể là của người dân Đông Sơn bình thường mà phải của tầng lớp quý tộc giàu có mới đủ khả năng và được quyền đeo. Điều này cho thấy xã hội thời cổ đã có sự phân hóa giàu - nghèo.
Vòng tay, hiện vật thu được tại di chỉ Đồng Mô, xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên. Theo tài liệu, người Việt cổ chọn lọc các chất liệu làm đồ trang sức rất đơn giản, dễ kiếm tìm và giàu màu sắc. Bắt đầu từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như đá đến nguyên liệu do con người tạo ra như đồng và thủy tinh.
Một loại vòng tay khác thu được tại di chỉ Đồng Trương, huyện Anh Sơn năm 2000. Thông qua bộ sưu tập đồ trang sức cho thấy cư dân Đông Sơn trước hết sử dụng đồ trang sức đeo vào tai, cổ, ngón tay, cổ tay, cánh tay, bắp tay, cổ chân để làm đẹp...
Hầu hết hiện vật đồ trang sức văn hóa Đông Sơn thu được tại các di chỉ mộ táng. Trong các di chỉ mộ táng, các nhà khảo cổ tìm được vị trí của thân thể người chết như đúng chức năng của nó, gồm vòng tay ở tay, khuyên tai ở tai, hạt chuỗi ở cổ hay cổ tay. Điều này chứng tỏ người xưa giữ nguyên đồ trang sức khi chết, sống đeo đồ trang sức gì thì chết đeo đồ trang sức đó, nguyên vị trí.
Bộ nhẫn đeo tay, thu được tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (huyện Nghĩa Đàn) năm 1973 và 1990. Ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn, nhẫn dùng để đeo vào các ngón tay, chất liệu bằng đồng, màu xanh rỉ đồng, rộng bản với đường kính dao động 1,5-1,6 cm.
Chuỗi hạt này thu được tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (huyện Nghĩa Đàn) năm 1973. Trong sưu tập tại bảo tàng, có 34 hiện vật chuỗi hạt gồm các loại chất liệu như đá, thủy tinh và đất nung. Hiện vật gồm một hạt hoặc nhiều hạt kết thành chuỗi, có lỗ xuyên suốt ở giữa để xâu dây dùng đeo cổ, đeo cổ tay và có thể ở cổ chân.
Bộ sưu tập khuyên tai tìm thấy tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (huyện Nghĩa Đàn) năm 1973 và 1981. Tại bảo tàng có 65 hiện vật khuyên tai với chất liệu đá và thủy tinh. Các hiện vật cho thấy khuyên dùng để đeo tai, hình tròn, có khe hở, một mặt phẳng, một mặt có hai khớp với các màu sắc như xanh nhạt, màu xanh đậm, màu xanh lá cây.
Bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu kiểm kê bảo quản Bảo tàng Nghệ An cho biết, bộ sưu tập đồ trang sức văn hóa Đông Sơn tại bảo tàng có 495 hiện vật được chia thành 4 nhóm dựa vào tiêu chí chất liệu, bằng đá, đất nung, đồng và thủy tinh.
Cùng với các hiện vật là đồ trang sức thuộc văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng còn trưng bày hàng trăm hiện vật quý giá khác được tìm thấy tại Nghệ An cùng niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn. Nổi bật là chiếc trống đồng thu được tại xã Đồng Hợp huyện Quỳ Hợp tìm thấy năm 2006. Trống có đường kính 90 cm, đang được ghi nhận là chiếc trống đồng to và giá trị nhất tại Nghệ An đến nay.