Trang mới Thượng thành Huế: Chuyện ở Mang Cá

0:00 / 0:00
0:00
Cửa Hậu (Chánh Bắc môn) được khai thông ngày nay. Cổng thành này từng bị “bế môn” trong suốt 120 năm
Cửa Hậu (Chánh Bắc môn) được khai thông ngày nay. Cổng thành này từng bị “bế môn” trong suốt 120 năm
TP - Song song thực hiện Đề án di dân Kinh thành, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xúc tiến di dời “đồn Mang Cá” cùng hệ thống cơ quan quân đội nằm bên trong vùng Di sản Huế, với diện tích giải tỏa hàng chục héc ta. Đây được xem là cuộc di dời “lịch sử của lịch sử”.

“Bế môn” xuyên thế kỷ

Ngày nay, từ đường Trần Hưng Đạo rẽ vào Kinh thành Huế (Thành nội) qua cửa Thượng Tứ ở mặt thành phía Nam, người ta dễ dàng thẳng thông bằng tuyến phố Đinh Tiên Hoàng ra cổng thành phía Bắc tại Chánh Bắc môn (cửa Hậu). Tuy nhiên, điều này là không thể vào thời điểm 17 năm về trước.

Thượng Tứ - Chánh Bắc môn hiện là một trong hai cặp cổng thành đồng trục thông suốt từ mặt trước (phía Nam thành) ra mặt sau Kinh thành Huế, cùng với cặp cổng Nhà Đồ - An Hòa (Tây Bắc môn). Nếu không sống ở Huế, ít ai biết rằng trong một thời gian rất dài chỉ có hai cổng Nhà Đồ - An Hòa là thông nhau qua một trục thẳng đường Nguyễn Trãi. Quay ngược thời gian, việc đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay nhiều thập niên không thể thẳng thông ra đến cửa Hậu là do liên quan đến “đồn Mang Cá”...

Nói đến đồn Mang Cá không thể không nhắc về kiến trúc Kinh thành Huế, cùng những biến cố lịch sử liên quan khu đất này. Kinh thành Huế về mặt kiến trúc có chức năng của một công trình quân sự, với vai trò phòng thủ rất quan trọng. Xung quanh chân thành có 24 pháo đài được xây lồi ra ngoài. Mỗi mặt thành có 5 pháo đài và 4 góc thành là 4 pháo đài. 24 pháo đài đều có tên riêng, chữ đầu mỗi tên riêng là một trong bốn từ chỉ phương hướng Nam, Bắc, Đông, Tây.

Trang mới Thượng thành Huế: Chuyện ở Mang Cá ảnh 1

"Bức tường ô nhục” liên quan đồn Mang Cá thuở xưa

Riêng góc Đông Bắc xây thêm Trấn Bình đài, được xem là một khu thành phụ của Kinh thành Huế, trở thành pháo đài thứ 25. Trấn Bình đài hoàn toàn mang tính quân sự. Khi muốn tấn công Kinh thành Huế bằng đường thủy từ cửa Thuận phía biển lên, đối phương phải đi bằng tàu thuyền ngược sông Hương. Góc Đông Bắc Kinh thành có hai nhánh sông giao nhau ở phía trên cảng thị cổ Bao Vinh. Vì thế ở đây cần có thêm khu thành phụ nhô ra để kiểm soát, chế ngự tất cả tàu thuyền hoạt động trên hai nhánh sông này.

Mặt bằng Trấn Bình đài có hình mang cá nên còn có tên gọi là “đồn Mang Cá”. Nhận thấy Trấn Bình đài như yết hầu trọng yếu của Kinh thành Huế thế nên chính quyền thực dân Pháp quyết tâm bằng mọi cách chiếm hữu bằng được. Năm 1884, thông qua hiệp ước Patenôtre, triều đình Nguyễn phải nhường Trấn Bình đài để Pháp xây dựng doanh trại, đồn bốt, bệnh xá, nhà nguyện... Năm 1886, sau biến cố “Kinh đô thất thủ”, Toàn quyền Paul Bert lại ép triều Nguyễn nhường thêm đất ở bên trong góc Đông Bắc Kinh thành. Sau đó người Pháp xây thêm tường cao để ngăn phần nhượng địa này với phần còn lại của Kinh thành Huế. Vì phần đất nhượng địa của Pháp ở trong Kinh thành lớn hơn diện tích Trấn Bình đài nên dân gian thường gọi là “Mang Cá lớn” (nay là trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế), Trấn Bình Đài là “Mang Cá nhỏ” (cũng là đất quân sự).

Tại phần nhượng địa Mang Cá lớn, trước khi bị người Pháp cưỡng chiếm, nơi đây một thời tập trung nhiều công xưởng, cơ quan quân sự của triều Nguyễn như Hậu Bảo, lao cấm cố, Tượng cuộc (nơi ở và xưởng sản xuất của thợ thủ công), Tượng Lại bái (thợ chuyên bịt đồng, bịt bạc cho nhà vua)... Đặc biệt đây cũng là đất đặt dinh Quảng Đức cũ, sau là Phủ doãn Thừa Thiên.

Tổng thể khu vực Mang Cá (lớn và nhỏ) chiếm gọn Chánh Bắc môn (cửa Hậu, hướng bắc) và Đông Bắc môn (cửa Kẻ Trài, hướng đông). Vì thế Kinh thành Huế có 10 cửa, nhưng từ thời thuộc Pháp, qua chế độ Việt Nam Cộng hòa, và nhiều thập niên sau năm 1975, người dân chỉ được ra vào qua 8 cửa. Riêng hai cổng Kẻ Trài và cửa Hậu đều trong tình trạng “bế môn” xuyên thế kỷ. Mặt sau thuộc phía bắc Kinh thành Huế, dân chúng chỉ được vào ra tại Tây Bắc môn (cửa An Hòa như đã nêu ở trên), mặt tả chỉ có Chánh Đông môn (cửa Đông Ba) là thông suốt vào ra. Thực trạng đó được lý giải bởi lý do, vùng Mang Cá lớn và Mang Cá nhỏ đều là khu vực quân sự qua nhiều thời kỳ.

“Bức tường ô nhục”

Ở Huế từ xa xưa người ta đã lưu truyền về “bức tường ô nhục” liên quan đồn Mang Cá do người Pháp chiếm cứ đất Kinh thành Huế rồi dựng nên. Đó là bức tường giới hạn khu nhượng địa đồn Mang Cá với phần đất còn lại của Kinh thành Huế do nhà Nguyễn kiểm soát.

Thêm một cuộc di dời “lịch sử của lịch sử”

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ Quốc phòng đã đồng ý chuyển giao 42 ha đất thuộc Mang Cá nhỏ, Mang Cá lớn về cho Di tích Huế. Đây là một dự án di dời tiến hành song song với Đề án di dân Kinh thành Huế, do đó khối lượng công việc trong năm 2021 này sẽ rất lớn.

Chủ tịch Thọ chia sẻ rằng, công tác di dời liên quan đến đất quốc phòng là một điều khó. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rất rõ ràng, thuận với quy hoạch chung. “Đến nay, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương di dời các cơ quan quân sự tại Mang Cá. Hy vọng một ngày gần đây, di tích Huế sẽ hoàn nguyên như nó vốn có!”, ông Thọ bày tỏ.

Theo sách “700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế” (NXB Trẻ-2009), sau khi có được khu nhượng địa, người Pháp định cho đào một đoạn sông dọc theo đường ranh giới nối Ngự Hà với Hộ Thành hà phía sau Kinh thành Huế. Triều đình Huế nhận thấy đây là việc hệ trọng nên đã lấy cớ “đứt long mạch” để ngăn cản. Không đào được sông như ý đồ ban đầu, Trung tướng Pháp, Roques cho xây một bức tường cao 4m, dài 600m, thẳng góc và tiếp giáp với mặt trong của bắc Kinh thành. Bức tường hoàn tất xây dựng vào năm 1888. Điều đáng nói, bức tường được xây không theo đường ranh giới đã được thỏa thuận, mà người Pháp còn ngang nhiên đẩy “lấn” ranh giới dịch về phía tây thêm 50m nữa. Việc này gây “bế môn” cửa Hậu.

Với người Huế, đây là “bức tường ô nhục” sau thời Kinh đô thất thủ (7/1885). Từ đó, cửa Chánh Bắc bị “bế môn” triền miên, chấm dứt sự đi lại sau bảy thập niên kể từ lúc được hình thành. Việc cửa Hậu bị “bế môn” khiến cho giao thương, sinh hoạt từ ngoài vào trong và ngược lại ở vùng phía bắc Kinh thành Huế bị đình trệ. Theo thời gian, công trình Chánh Bắc môn sừng sững uy nghi dần bị đổ nát, cỏ cây phong kín lối đi. Từ đường Tản Đà ngày nay phía ngoài Kinh thành nhìn vào, nơi đây một thời luôn trong cảnh hiu hắt, hoang phế, đượm buồn.

Từ năm 1975, khu vực Mang Cá lớn và Mang Cá nhỏ thuộc đất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhiều năm sau đó, vấn đề tái khai thông cửa Hậu luôn là nguyện vọng, là nhu cầu tha thiết phục vụ phát triển kinh tế xã hội của dân Huế, đặc biệt là người dân Kinh thành. Bộ Quốc phòng đã đáp ứng nguyện vọng đó. Năm 2004, cửa Hậu đã được giải tắc, khai thông trở lại. Tuy nhiên, thời điểm đó, lối đi vào thành vẫn là hướng vòng lên phía tây một quãng, theo đường Mang Cá rồi mới rẽ lên cầu Kho để vào phố Đinh Tiên Hoàng.

Rồi đến một ngày cuối năm 2012, người dân Huế lại thêm một lần hân hoan, với sự kiện đoạn đường Cầu Kho - Cửa Hậu (đường Đinh Tiên Hoàng nối dài) khánh thành. Đoạn đường xây dựng trên đất của “đồn Mang Cá” như là một sự kiện lịch sử “100 năm có một”. Từ đây, hai cổng thành đồng trục Bắc - Nam là Chánh Bắc môn và Thượng Tứ chính thức thông suốt trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng nằm gọn trong đất Kinh thành Huế. Đặc biệt, ở mé tây của đoạn đường Đinh Tiên Hoàng mới xây nối dài ngay trên đất quân sự một thời, một bức tường gạch cũ vẫn nằm đó lặng lẽ, trầm mặc. Đó là bức tường của đồn Mang Cá xưa - “bức tường ô nhục” một thuở! Bức tường xưa đã “kết thúc sứ mạng”, trở thành chứng tích lịch sử của xứ Huế.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.