Trang mới Thượng thành Huế: Như một giấc mơ

0:00 / 0:00
0:00
Nhìn bên ngoài, không ai nghĩ khu phố này là dãy nhà liền kề “hộ nghèo” ở Hương Sơ do chính quyền vận động hỗ trợ xây dựng tặng cho dân. Ảnh: Ngọc Văn
Nhìn bên ngoài, không ai nghĩ khu phố này là dãy nhà liền kề “hộ nghèo” ở Hương Sơ do chính quyền vận động hỗ trợ xây dựng tặng cho dân. Ảnh: Ngọc Văn
TP - Nhiều người dân di cư Thượng thành Huế bắt đầu có những tháng ngày tươi sáng nhất trong đời mình. Họ được sống trong những ngôi nhà mới xây tinh tươm, cất dựng trên những lô đất "trong mơ" có trị giá tiền tỷ. Thượng thành Huế cũng dần bước sang trang mới...

Ám ảnh Thượng thành

83 tuổi, cụ Hồ Văn Cư có gần một đời người lay lắt sống bám trên Thượng thành Huế. Xưa, cụ theo cha lên Thượng thành, để rồi những thế hệ con cháu nối tiếp bám lấy mảnh đất cheo leo khổ ải này.

Năm nay, cụ cùng các thành viên trong gia đình lần đầu tiên đón Tết ở nơi mới - khu tái định cư Bắc Hương Sơ, phường Hương Sơ, thành phố Huế. Với đôi vợ chồng già này, đó là một cái Tết đúng nghĩa. Nhiều hàng xóm mới của cụ nhận xét, cụ Cư như trẻ lại vài tuổi sau khi rời Thượng thành và có được ngôi nhà mới đón Tết ấm. Đó là ngôi nhà mơ ước mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đứng ra vận động từ nhiều nguồn hảo tâm để xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” dành tặng vợ chồng cụ Cư cùng 24 hộ nghèo Thượng thành khác sau khi dời về Hương Sơ. Trị giá xây dựng nhà “người nghèo” khoảng 220 triệu đồng mỗi căn.

Trong căn nhà mới ấm cúng, vợ chồng cụ Cư hồi tưởng lại những tháng ngày sống vất vưởng, lửng lơ trên Thượng thành Huế. Nhà cửa xuống cấp dù có tiền cũng không được phép xây mới vì quy hoạch “treo” giải tỏa kéo dài gần 30 năm. Cụ ám ảnh mãi về lần cả 7 người trong gia đình suýt bỏ mạng do nhà sập trong một đêm bão bùng đổ bộ vào Huế. Đêm đó, gió bão quần thảo cả vùng Kinh thành Huế. Ngôi nhà lợp tôn với cột kèo chắp nối bằng gỗ và sắt thép phế liệu từ thời chiến tranh rung lên bần bật. Rồi ngôi nhà cấp 4 xập xệ phát ra tiếng động khác thường. Cả nhà vừa kịp qua hàng xóm lánh nạn thì ngôi nhà sập xuống như một chiếc bẫy. Lần đó cụ bị thương ở đầu, máu chảy ra giữa đêm tối mà cứ ngỡ là nước mưa.

Cùng ra tái định cư như vợ chồng cụ Cư có gia đình ông Võ Đình Nhật. Ngày trước ở Thượng thành, cả gia đình 6 người của ông Nhật luôn khổ sở trong ngôi nhà 20m2. Nắng lên chẳng khác lò nung, mưa bão thì lại lo sập. Dời khỏi Thượng thành Huế về nơi mới, ngôi nhà cũ cũng đã được tháo dỡ, nhưng ông Nhật kể nhiều khi trong giấc ngủ vẫn còn mộng mị ám ảnh về những tháng ngày “sống khổ”, sống trong sợ hãi ở chốn cũ.

Trong cái nắng đầu hè chói chang lúc gần trưa tại khu tái định cư Hương Sơ, dõi mắt ra con đường mới, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (từng trú phường Thuận Thành) kể như sực nhớ: “Sống trong nớ (Thượng thành Huế) nếu trúng giờ ni có nắng to kéo dài đến hai, ba giờ chiều thì cả nhà phải tản đi. Ngồi bên trong nhà là không thể chịu được, toàn thân như bị nướng. Giờ mỗi lần nghĩ về nơi đó, tui vẫn còn giật mình”.

Đổi đời

Buột miệng hỏi một hàng xóm ở dãy tái định cư đối diện về khu nhà “hộ nghèo” mới xây ở Hương Sơ, người này nói đùa: “Giờ mà nói những hộ này nghèo là không đúng rồi. Tính cả giá trị ngôi nhà mới do chính quyền xây tặng và thửa đất bố trí tái định cư, thì các bác, các chú, các mệ (bà) hiện ở trong những khối tài sản tiền tỷ đấy chứ. Bây giờ gọi họ là “tỷ phú” mới phải”.

Theo tìm hiểu, từ khi các khu tái định cư hình thành ở Hương Sơ, với thiết kế quy hoạch dân cư có hạ tầng đồng bộ kiểu mẫu chẳng khác khu đô thị mới, giá đất ở vùng lân cận và khu vực này dao động từ 15 - 20 triệu đồng/m2. Không ít gia đình đông anh em đã quyết định “sống gom”, bán bớt lô phụ được chính quyền bố trí tái định cư để lấy tiền tỷ xây dựng trên lô chính một ngôi nhà lớn khang trang, bề thế chẳng khác kiến trúc ở những khu đô thị hạng sang.

“Dù có nằm mơ, vợ chồng tui cũng không nghĩ mình được sống ở một nơi đàng hoàng như thế này”, cụ Hồ Văn Cư thổ lộ. Cụ nói thêm, con trai cụ cũng được tặng phần nhà xây trên lô đất được chính quyền bố trí tái định cư tại khu 25 nhà “người nghèo” ở vùng Bắc Hương Sơ. Đó cũng là điều mà cả đại gia đình chưa bao giờ dám mơ tưởng, trước khi nhà nước thực hiện Đề án di dân Kinh thành Huế.

Cụ Cư còn kể về chuyện mà cả đời mình cũng chưa bao giờ dám nghĩ, đó là có nhiều tiền tặng cho con cái. “Khi di dời khỏi Thượng thành, nhà nước bồi thường phần tài sản trên đất được mấy chục triệu đồng. Đời tui có khi mô nhận số tiền lớn như rứa. Tui chỉ giữ lại một ít, còn lại chia cho các con để trang trải cuộc sống. Nếu không có cuộc di dân, chuyện đó không bao giờ xảy ra”, cụ Cư kể.

Cuộc di dân tốt nhất

Hằng chục năm qua, tại Thừa Thiên-Huế có nhiều cuộc di dân để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn di sản văn hóa, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai...

Nhiều người cho rằng, đưa dân Thượng thành về an cư tại Hương Sơ là cuộc di dân tốt nhất tại Huế từ trước tới nay. Còn nhớ, hơn 10 năm trước tại Huế từng có cuộc “đại di dời” dân vạn đò sông Hương, với quy mô hơn 1.000 hộ chủ yếu thuộc các phường Phú Bình, Vỹ Dạ về tái định cư tại Hương Sơ và xã Phú Mậu (huyện Phú Vang). Với nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là điều kiện kinh phí tổ chức thực hiện, sau di dời, người dân gặp các sự cố về nhà cửa và chất lượng công trình, gặp vấn đề về cấp quyền sử dụng đất. Mãi đến những năm gần đây, một số vấn đề tồn tại hậu di dân vạn đò sông Hương mới được tháo gỡ rốt ráo.

Ông Lê Kim Nam, Chủ tịch UBND phường Hương Sơ, cho hay, với người dân Thượng thành tái định cư ở Hương Sơ, ngay khi nhận giao đất bà con có luôn giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, được cấp giấy phép xây dựng nhà đồng chuẩn để tạo nên một khu dân cư, khu đô thị kiểu mẫu, đồng bộ về kiến trúc cảnh quan môi trường. Ngay như chuyện kéo điện sinh hoạt, lắp đồng hồ nước vào nhà cũng được tạo điều kiện tối đa, với một bộ phận chuyên trách tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho bà con ngay tại chỗ, với thời gian nhanh nhất có thể.

Hôm về Hương Sơ, chúng tôi nghe bà con nhắc nhiều về “ông Thọ” (ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) - người “thuyền trưởng” của Đề án di dân Kinh thành Huế. Trước đó, khi về thăm dân và kiểm tra tiến độ xây dựng các khu tái định cư ở Hương Sơ, ông Thọ lưu ý các cơ quan chức năng về chất lượng công trình, các điều kiện thiết yếu để phục vụ bà con, trong đó phải có một ngôi trường mẫu giáo hiện đại hình thành. Ông Thọ cũng mong người dân tái định cư hãy cùng nhau chung tay xây dựng nơi ở mới trở thành khu dân cư kiểu mẫu, cùng nhau sống thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau để cùng phát triển.

Chợt nhớ lần dừng lại trước một công trình trường mầm non trong giai đoạn xây dựng tại khu tái định cư Bắc Hương Sơ, một người dân “khoe”: “Trường của bác Thọ đó. Trường ni do bác và các lãnh đạo kêu gọi, vận động nhà hảo tâm xây dựng để con em khi về đây sinh sống có nơi học thuận tiện an toàn”. Được biết, khu trường mầm non mới này có trị giá đầu tư 21 tỷ đồng, phạm vi xây dựng giai đoạn 1 khoảng 0,8ha. Sau khi hoàn thành sẽ là một cơ sở giáo dục hiện đại, độc lập với trường cũ đã có từ trước.

Theo UBND phường Hương Sơ, sau khi di dời khỏi Thượng thành Huế, hiện có hơn 1.300 hộ dân nhận mặt bằng đã phân lô tái định cư để xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống tại nơi mới. Người dân đã và đang xây dựng hơn 500 ngôi nhà tại vùng Bắc Hương Sơ, nhiều ngôi nhà khang trang đã được đưa vào sử dụng.

MỚI - NÓNG