Trắng án hiếp dâm, vẫn chưa được làm công dân

TP - Tô Phương Trọng (20 tuổi, ở xã Tân Thành, TP Cà Mau) vẫn chưa được làm giấy tờ tùy thân sau khi được tuyên trắng án “Hiếp dâm trẻ em” hôm 13/5. “Em cần làm giấy tờ tùy thân để xin việc làm, nuôi mẹ đang bệnh nặng” - Trọng nói.

Trọng đang chờ nhận bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TPHCM tuyên vô tội hôm 13/5/2014, để đủ thủ tục làm giấy tờ tùy thân. Liên hệ với Công an xã Tân Thành làm giấy chứng minh nhân dân, họ trả lời phải chờ bản án phúc thẩm mới giải quyết được.


Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18 giờ ngày 5/11/2008, Tô Phương Trọng bị nghi hiếp dâm cháu Nguyễn Ngọc H. (5 tuổi). Thời điểm đó, Trọng mới 14 tuổi 3 tháng, học lớp 7 Trường THCS Hiệp Bình, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi. Trọng bị bắt tạm giam suốt 3 năm, 7 tháng để điều tra, xét xử.

Ngày 18/6/2010, TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm, tuyên Trọng 6 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Trọng chống án, TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm, hủy án sơ thẩm yêu cầu điều tra lại. Ngày 30/7/2013, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên Trọng không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Đến ngày 13/5/2014, TAND Tối cao tại TPHCM xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm. 

Tại thời điểm bị bắt giam, Tô Phương Trọng chưa đủ 16 tuổi. Từ một học sinh nghèo, đang học lớp 7, suốt quá trình bị tạm giam, truy tố, xét xử, Tô Phương Trọng luôn kêu oan, không thừa nhận hành vi hiếp dâm trẻ em, tố bị dụ cung, ép cung.

Trắng án hiếp dâm, vẫn chưa được làm công dân ảnh 1 Tô Phương Trọng và mẹ
Tô Phương Trọng là con trai út của ông Tô Văn Phước - bà Lê Thị Nương có cả thảy 9 người con. Khi hay tin con trai bị bắt giam, ông Tô Văn Phước bị bệnh thần kinh, bệnh nặng hơn, rồi chết. Bà Lê Thị Nương- mẹ của Trọng tái phát bệnh tai biến. Các anh chị em của Trọng đều nghèo khó, không đất đai, đi làm mướn nuôi thân.

Cha mẹ của Tô Phương Trọng chỉ có 5 công đất nuôi tôm nhưng thiếu nước vì ở trong hậu đất người khác. Anh Tô Trường An, 36 tuổi, anh thứ ba của Trọng nói trong nước mắt: “Trước đây, tôi canh tác 5 công đất để nuôi cha mẹ. Nay, thằng Trọng trắng án về nhà, tôi giao lại 5 công vuông, vợ chồng tôi tìm việc làm thuê, kiếm sống”.

Bà Lê Thị Nương, 60 tuổi, chỉ biết khóc khi hay tin con trắng án. Từ ngày con trai út vào tù, bà khóc đã thành quen. “Em đi làm mướn, người ta gọi thằng mới ra tù. Dạo này, mẹ hay bệnh, phải chở đi thầy thuốc nam, châm cứu hàng ngày nên em đành ở nhà với mẹ”- Tô Phương Trọng nói.

MỚI - NÓNG