Tràng An - giàu quá cũng khổ

Du khách vừa ra khỏi hang Nấu rượu Ảnh: Minh Đức
Du khách vừa ra khỏi hang Nấu rượu Ảnh: Minh Đức
TP - Nếu có một chốn thật thanh tịnh không xa thị thành, thì chắc chắn đó là Tràng An.

> Tràng An đáp ứng hai tiêu chí của UNESCO

Nơi đây có đủ non xanh nước biếc, ngồi thuyền đi bộ leo núi, nghe chim hót, vượn hú, thoáng phượng hoàng ẩn hiện trên tán cây, le le nghịch ngợm lặn ngụp rồi bay là là mặt nước.

Dường như vì giàu có, nên Tràng An thành ra phân vân trên lộ trình làm hồ sơ di sản thế giới.

Trận đồ bát quái

Chợt thấy thú vị về con số 12 ở Tràng An. Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân. Khu Tràng An có 12 di tích lịch sử văn hóa. Trong số 50 hang khô và 50 hang nước (xuyên thủy động), thuyền đã đi qua được 12 hang động.

Để qua được 12 hang động lắt léo quanh co của Tràng An, mất 3 giờ đồng hồ ngồi đò lẫn lên bộ chiêm bái. Lần lượt hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, Nấu Rượu, Sính, Si, Ba Giọt, Seo, Sơn Dương, Khống, Trần, Quy Hậu.

Lòng hang chỗ rộng chỗ hẹp, nơi thắt vào nơi rộng thênh. Nhũ đá lung linh nhiều hình thù cá sấu, rồng…do người dân liên tưởng mà thành tên. Không khí mát lạnh.

Đôi chỗ nước từ trần hang đóng thành tuyết, rỏ xuống vai du khách. Mỗi hang một đặc trưng. Hang Ba Giọt có ba dòng nước cùng đổ vào. Hang Địa Linh dài nhất, 350m (một số tài liệu viết là 2km thực ra là tính cả các ngóc ngách trong lòng hang).

Hang Tối 320m nhìn không rõ đường đi, lái đò cứ chèo bằng cảm giác và lần theo vách đá. Hang Khống nằm dưới phủ Khống - nơi thờ 7 vị trung thần triều Đinh.

Tương truyền khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều mang nhiều quan tài chôn theo các hướng để giữ kín bí mật về ngôi mộ vua. Sau đó họ tự vẫn. Một vị tướng cảm kích nghĩa khí của các trung thần nên lập bát nhang thờ cúng ở đây.

Vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ. Cây thị nghìn năm tuổi mỗi năm lại trổ hai loại quả tròn và vuông.

Hang Nấu Rượu là địa chỉ buộc phải qua chiều vào lẫn chiều ra, nếu không muốn bị lạc giữa thẳm xanh thung lũng và mênh mang nước Tràng An.

Trong hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm chảy mãi không bao giờ cạn, mát ngọt và trong vắt. Tương truyền, dân Trường Yên dùng nước này nấu rượu dâng vua. Nay, mạch nước vẫn được bơm vào cho đền Trần sử dụng.

Sông chảy quanh hang động Tràng An là nhánh sông Hoàng Long và một phần sông Sào Khê. Mùa lũ, mặt nước Tràng An lên cao, khách nhoài mình sát lòng thuyền mới qua được lòng động.

Hết 12 thủy động thì lên bờ leo hàng trăm bậc đá để lên đền Trần- thờ vị tướng của vua Hùng thứ 18 có tên hiệu là Quý Minh Đại Vương cùng phu nhân.

Đền xây dựng từ thời Đinh, sau vua Trần Thái Tông cho xây lại bằng đá và đổi là đền nhà Trần, với bốn cột đá chạm trổ hoa văn tinh xảo theo hình tứ linh.

Vào nhà của người tiền sử

Chúng tôi rời đền Trần để đi sâu vào hang Trống và hang Bói (động Người Xưa). Tiếng chèo khua nước vang lên mồn một giữa chiều vắng. Chim cuốc giật mình bay ra.

Thi thoảng có thể bắt gặp chim phượng hoàng đất. Le le thì nhiều, bơi, lặn ngụp và bay sè sè mặt nước.

Chị Nguyễn Thị Loan ở Ninh Xuân Hoa Lư, chèo đò cho chúng tôi: "Ở núi Con gần đền Trần có chim sâm cầm. Chẳng ai bắt, để làm du lịch. Dân chúng tôi hiểu rằng có Tràng An, chúng tôi mới có thêm thu nhập".

Muốn chèo đò qua mọi ngóc ngách hang động, chị Loan và hàng ngàn lái đò khác phải trải qua kỳ thi do Ban quản lý hang động Tràng An tổ chức.

Giới khoa học thống kê, ở quần thể Tràng An có nhiều loài động vật quý như voọc quần đùi trắng, le le, sâm cầm, phượng hoàng đất, cầy đổi màu, tắc kè, tê tê, mèo rừng, trăn...

Nước xanh trong nhìn rõ từng cọng rong, từng con tép dưới đáy. PGS.TS Phạm Mai Hùng từng thốt lên: Dường như tất cả cái đẹp của trời đất dồn góp về đây cả.

Chị Loan đã chèo đò ở Tràng An 5 năm. Chị gầy nhẳng, chèo dẻo, đi bộ cũng thoăn thoắt. Qua dăm bảy quèn (một lần trèo lên và trèo xuống), rồi bốn năm quãng đường bằng, khách bở hơi tai, chân nặng trĩu, mà chị cứ tươi rói không cần nghỉ ngơi.

Lối vào động Người Xưa thăm thẳm, rậm rạp. Cây cối ken dày, ánh nắng không thể chiếu xuống đất nên con đường đầy rêu và thảm lá cây.

Thảng hoặc thấy bầy khỉ đánh đu hái quả và trêu ghẹo nhau trên cây sung trĩu quả. Thấy người, chúng “khẹc khẹc” rồi biến mất vào rừng.

Động Người Xưa được hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lữ và Nguyễn Cao Tấn (Bảo tàng Ninh Bình) phát hiện năm 2002.

Lúc đó lòng hang có nhiều vỏ nhuyễn thể, xương động vật và một vài mảnh tước, bằng chứng cho thấy dấu ấn người tiền sử thuộc Văn hóa Hòa Bình sớm cách ngày nay khoảng một vạn năm.

Hai nhà nghiên cứu thống nhất đặt tên hang là Bói trong khu thung Bói gắn với truyền thuyết vua quan nhà Trần từng gieo quẻ bói tại đây.

Còn người dân địa phương vẫn gọi nôm na là hang Xưa, động Người Xưa (không phải động Người Xưa ở Vườn quốc gia Cúc Phương, huyện Nho Quan).

Từ năm 2007, khu này đã được các nhà cổ sinh, địa chất, khảo cổ của Việt Nam và Đại học Tổng hợp Cambridge- Anh quốc nghiên cứu khảo sát. Vỏ ốc núi được đoàn khảo cổ đào đãi còn vứt ngổn ngang. Hố thám sát và cửa hang được rào kín bằng lưới sắt.

Di chỉ khảo cổ học hang Bói gồm hai phần: hang trên rộng khoảng 200m2, hang dưới rộng 150m2. Từ cửa hang, phải cầm đèn pin lần theo cầu thang sắt cheo leo đi xuống.

Nhiều cột đá, măng đá lấp lánh như kim tuyến. Các nhà khoa học cho rằng nơi đây có dấu ấn người tiền sử cách nay 5.000 đến 30.000 năm.

Nguồn thức ăn chính của người tiền sử là ốc núi, thủy sản sông suối, rùa núi, cua đá, chim thú nhỏ, các loại củ, quả, hạt... Chỗ ở của họ là hang đá, mái đá. Giới khoa học nhận định, dưới đáy hang có thể là một dòng sông cổ.

Giàu quá cũng khổ

Quang cảnh Tràng An nhìn từ đền Trần
Quang cảnh Tràng An nhìn từ đền Trần.
 

Trong lịch sử hình thành, khu Tràng An chịu tác động của quá trình biển tiến, biển thoái cách đây 4.000-6.000 năm. Những ngấn nước trên vách đá vôi ở Tràng An ngang với các ngấn nước Vịnh Hạ Long.

Vùng đất này được đánh dấu chói lọi với những dấu tích: thờ Quý Minh Đại Vương (đền Trần), thờ Cao Sơn Đại Vương (núi chùa Bái Đính). Thời Đinh, Lê, Lý hệ thống núi đá, rừng cây, sông hồ, suối đã là “quân thành đá”, đã là trận đồ bát quái nào phủ Đột, phủ Khống, hang Địa Linh, thung Nấu Rượu, thung đền Trần, thung Thuốc, thung Lang.

Hai lần chống quân Nguyên, Tràng An là thủ đô kháng chiến của vua quân nhà Trần. Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chọn nơi đây làm lễ tế cờ mở đầu cho cuộc tấn công đồn Gián Khẩu.

Hội thảo khoa học về giá trị khu sinh thái Tràng An và cố đô Hoa Lư năm 2008 đã chỉ ra giá trị toàn diện của Tràng An về lịch sử, văn hóa, địa chất, địa mạo, cảnh quan, sinh thái, hệ động thực vật.

Nhưng có lẽ vì giàu có như vậy, nên sự nổi bật về từng giá trị cụ thể chưa được nhấn nhá, chưa được làm rõ hơn nhằm đáp ứng tiêu chí của UNESCO (6 tiêu chí di sản văn hóa, 4 tiêu chí di sản thiên nhiên). Bởi trong mỗi tiêu chí lại có một dạng di sản khác nhau.

Trong hội thảo diễn ra 4 năm trước, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) nói: “Ngay từ khi lập hồ sơ di sản chúng ta phải bảo đảm sự toàn vẹn và chân xác của di sản. Kế hoạch quản lý di sản phải loại bỏ được sự xâm phạm di sản do làm đường sá, xây nhà hàng, khách sạn, tác động tiêu cực của hoạt động du lịch…”.

Ông Trần Hữu Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, ngày 5- 3 vừa rồi, một số chuyên gia UNESCO đã về Ninh Bình theo lời mời của tỉnh để tư vấn về các tiêu chí của di sản thế giới, từ đó có căn cứ lập hồ sơ và có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ, chọn đối tác ký hợp đồng làm hồ sơ.

Nhóm chuyên gia UNESCO sẽ làm việc tại Ninh Bình trong vòng hai tuần. Dự kiến, ngày 30- 9, Ninh Bình sẽ hoàn thiện hồ sơ di sản. Năm 2013, các ủy ban của UNESCO sẽ kiểm tra thực tế tại Ninh Bình và đến năm 2014, sẽ biết kết quả.

Sắp tới, Ban quản lý hang động Tràng An và tỉnh Ninh Bình sẽ khai thác 53 hang động nhằm tạo thêm nhiều tuyến du lịch.

Ở núi Con gần đền Trần có chim sâm cầm. Chẳng ai bắt, để làm du lịch chứ. Dân chúng tôi hiểu rằng có Tràng An, chúng tôi mới có thêm thu nhập” - Lái đò Nguyễn Thị Loan

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.