Trăn trở vùng chè Thượng Sơn

Trăn trở vùng chè Thượng Sơn
Nằm dọc dải Tây Côn Lĩnh, ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, những cây chè Shan tuyết có sự thích nghi đặc biệt với khí hậu cũng như thổ nhưỡng của vùng núi cao hoang sơ này.

Trải qua hàng trăm năm, những cây chè cổ thụ sinh trưởng và phát triển tự nhiên nên vẫn giữ được nguyên sơ chất chè hữu cơ (chè sạch). Với màu nước vàng mật sóng sánh cùng hương thơm dịu nhẹ đặc trưng, hậu vị ngọt miên man, dư vị chất chứa trong từng tách trà mới, chè Shan tuyết nói chung và những búp chè Thượng Sơn (Vị Xuyên, Hà Giang) nói riêng đã chinh phục cả những người thưởng trà sành sỏi nhất.

Tuy vậy, do địa hình đồi núi dốc, giao thông đi lại không thuận tiện, khí hậu khắc nghiệt và dân trí thấp, nên thực trạng sản xuất và phát triển cây chè ở xã Thượng Sơn cũng giống như các loại nông sản khác, gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của giống chè ngon nức tiếng này.

Trăn trở vùng chè Thượng Sơn ảnh 1

Photo: ..

Năm 2013, các thôn: Bó Đướt, Đán Khao, Cao Bành, Khuổi Luông và Hạ Sơn thuộc xã Thượng Sơn đã được Nhà nước hỗ trợ đầu tư chi phí xây nhà xưởng chế biến chè, máy sao chè mini và tôn quay theo đề án “Phát triển sản xuất vùng chè Shan hữu cơ Thượng Sơn” của huyện Vị Xuyên. Theo đó, 66 hộ trong xã đã tham gia đề án phát triển, nhận diện tích trồng chè mới và được các cán bộ huyện hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, giám sát quy trình trồng và chăm sóc chè với diện tích lên đến 40 ha toàn vùng.

Hiện tại, thực trạng vùng chè Thượng Sơn, theo anh Nguyễn Cao Sơn – một người có tâm huyết với việc làm trà và phát triển trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang – thì vẫn đầy tiềm năng phát triển. Nhưng do người dân ở đây dân trí thấp (90% đồng bào là dân tộc Tày), việc nắm bắt và hiểu rõ kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè còn gặp nhiều khó khăn, không những thế, các thương lái đua nhau ép giá nên cây chè – vốn được coi là cây trồng chủ lực của xã – chưa mang lại thu nhập cao cho người dân. 

Tuy vậy, anh Sơn cũng cho biết, người dân ở đây rất đôn hậu, thật thà, có khao khát giải bài toán khó này để nâng cao hơn  nữa chất lượng cuộc sống.

Cuối tháng 3, một nhóm các bạn trẻ thuộc Câu lạc bộ khởi nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã quay trở lại Thượng Sơn để tìm hiểu sâu kĩ hơn về thực trạng vùng chè nơi đây dưới sự hướng dẫn và  hỗ trợ của anh Nguyễn Cao Sơn. Trước đó, dự án ‘’Xây dựng hợp tác xã và phân phối chè Shan tuyết Bó Đướt’’ của nhóm đã đạt Giài nhì trong cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia năm 2014 do phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam tổ chức.

Tuy còn trẻ tuổi, nhưng các thành viên trong Câu lạc bộ đều là những người có tâm huyết và đam mê với trà, có nhiều trăn trở và ý tưởng để phát triển vùng chè Bó Đướt (Thượng Sơn, Vị Xuyên, Hà Giang), nhằm kết nối gần hơn và hiệu quả hơn giữa những người trồng và cung cấp nguồn trà với người sử dụng.

Cũng trong chuyến đi, nhóm đã thực hiện một chương trình từ thiện nhỏ cho hơn 100 học sinh trường tiểu học Thượng Sơn. Trong đó, khó khăn nhất nhưng cũng là vùng trà nhiều tiềm năng nhất là ở điểm trường lẻ Bó Đướt (thôn Bó Đướt, xã Thượng Sơn). Cùng với gần 90% dân số Thượng Sơn, Bó Đướt cũng nằm trong khu vực chưa được sử dụng điện lưới Quốc Gia. Người dân trong thôn vẫn phải thắp đèn dầu hoặc may mắn lắm thì có một vài nhà sử dụng máy phát điện loại nhỏ chạy sức nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Từ điểm trường chính xã Thượng Sơn, để đến được với Bó Đướt phải mất 18km đường rừng núi. Ngày nắng còn đỡ, nhưng những ngày mưa, đoạn đường này trơn trượt, mưa lớn dễ có nguy cơ sạt lở, vô cùng khó khăn, hiểm trở. Những con đường mòn nhỏ chênh vênh bên bờ vực, vách đá cao vút và heo hút, âm u, rất nhiều đoạn phải dắt xe đi bộ và thậm chí rất dễ bị ngã. Đây cũng là con đường mà ngày ngày các em nhỏ vẫn cần mẫn, chăm chỉ cõng trên lưng cái chữ với mong muốn thoát khỏi đói nghèo.

Trên con đường nhỏ xíu, ngoằn nghèo, dốc cao dựng đứng và những vỉa đá tai mèo sắc nhọn trồi lên khúc khuỷu dẫn đến Cổng trời, ở hai bên là bạt ngàn và xanh ngắt những đồi chè cổ thụ đang vào kỳ nảy lộc. Sau trận rét kỷ lục cuối năm ngoái, những búp chè tuyết trắng tinh thi nhau mọc trên những gốc chè có tuổi đời hàng trăm năm. Phía bên trên Cổng trời, cách điểm trường lẻ Bó Đướt 1,5 tiếng đi bộ, là nơi sinh sống của khoảng 40 hộ dân. Họ bám đất, bám rừng, bám cây chè cổ thụ. Trẻ con ở đây hầu như không được đến trường!

Sau khi tặng nhiều sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm, sữa…cho các học sinh Trường tiểu học Thượng Sơn, điểm trường Bó Đướt và điểm trường Đán Khao, nhóm cũng đến thăm và tặng quà các hộ trồng chè có đời sống khó khăn để động viên đồng bào. Cũng từ những khuôn mặt khắc khổ mà chất phác ấy, từ những ánh mắt trẻ thơ trong veo mà ám ảnh ấy, nhóm các bạn trẻ của Câu lạc bộ Khởi nghiệp đều trở về với nỗi niềm trăn trở đong đầy. Phải làm gì để giúp bà con đồng bào, giúp các em nhỏ đều được cắp sách đến trường và con đường tìm cái chữ bớt chênh vênh, khổ cực hơn?

Họ - những người trẻ ấy -  sau những vất vả, khó khăn vì đường xá xa xôi mà không quản ngại, sau những gì đã tận mắt chứng kiến và tìm hiểu về tâm tư của đồng bào, về thực trạng và tiềm năng phát triển của vùng chè Bó Đướt, Thượng Sơn, đã manh nha những ý tưởng khả thi về việc thành lập một Hợp tác xã chế biến và phân phối chè Thượng Sơn. Để, dư vị ngọt hậu và màu vàng mật óng ánh của nước chè Shan tuyết Thượng Sơn sẽ được nhiều người biết đến hơn. Để, đời sống đồng bào được cải thiện, nâng cao hơn và những em thơ, ai cũng được cắp sách đến trường trên con đường xanh ngắt màu chè cổ thụ./.

Trà My

Ảnh:

Trăn trở vùng chè Thượng Sơn ảnh 2

Đường lên đồi chè

Trăn trở vùng chè Thượng Sơn ảnh 3

Trường học tuềnh toàng và hoang sơ

Trăn trở vùng chè Thượng Sơn ảnh 4

Tặng quà cho học sinh Thượng Sơn

Trăn trở vùng chè Thượng Sơn ảnh 5

Những búp chè nảy lộc, đâm chồi sau những ngày đông giá

MỚI - NÓNG