Trần Ly Ly - Nhìn đâu cũng thấy múa

Trần Ly Ly - Nhìn đâu cũng thấy múa
Nghệ thuật Việt Nam có khá nhiều nghệ sĩ (và nửa nghệ sĩ), có khá nhiều giáo sư (và nửa giáo sư). Nhưng vừa nghệ sĩ vừa giáo sư như Trần Ly Ly thì khó vô cùng và hiếm vô cùng.
Trần Ly Ly. Minh họa: Nha Đam (Đẹp)
Trần Ly Ly. Minh họa: Nha Đam (Đẹp).

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Ly Ly là trên truyền hình. Mà trên đấy, như ai cũng biết, do ánh sáng mờ, do màn ảnh bé và do trăm ngàn lý do, hầu như chân dung bất cứ ai cũng đều không đẹp, kể cả Lê Hoàng.

Và Trần Ly Ly tất nhiên không ngoại lệ. Tuy không ai có thể nhầm nàng với Mai Phương Thúy hoặc Minh Hằng, nhưng bù lại, Ly có đôi mắt rực sáng như đèn ô tô, và những lời nhận xét cầu kỳ phức tạp đến kinh người. Ngay lập tức, tôi tự nhủ “Lạy trời, đừng bao giờ để mình là nạn nhân của bà này”.

Nhưng trời, như chúng ta đã biết, vừa hay quên, vừa vô tâm đãng trí, đã thế khi nhờ trời, tôi chỉ cầu nguyện bằng mồm chứ không đưa quà cáp gì. Thế là vài tháng sau, tôi có dịp ngồi cùng, ăn cùng, uống cùng với Trần Ly Ly. Rất tiếc là không còn cùng gì khác nữa.

Đầu tiên, về ngoại hình, Ly là cô gái phải nhìn lâu mới thấy đẹp, đã thế càng nhìn kỹ, độ đẹp càng tăng lên. Nước da nàng rám nắng, đôi tay nàng nhanh nhẹn, hàm răng nàng chắc khỏe và mái tóc nàng vừa đen vừa bung ra tứ phía một cách kiêu kỳ.

Về tác phong, có thể khẳng định, Ly Ly nằm trong số ít những cô gái táo tợn. Đây là loại phụ nữ có thể ngồi uống rượu với ta, đánh ta sau đó ôm hôn ta rồi lại đánh ta.

Những cử chỉ vụng về, những tác phong dịu dàng, những động tác êm ái nếu có ở Ly Ly thì có lẽ cũng ít khi dùng đến. Nàng chỉ yêu hay ghét, giết hay tha, đánh hay ôm chứ không có những tình cảm trung gian. Nếu Ly Ly làm quan tòa, một nửa tội phạm sẽ bị tử hình, một nửa sẽ được tha bổng. Không có ai phải mệt mỏi trong tù.

Ưu điểm nổi bật của Ly là không giả dối, mặc dù giả dối là vũ khí lợi hại, là chìa khóa để nghệ sĩ tiến thân. Nàng cũng không biết lựa lời, không dùng từ ở ngôi thứ ba. Nếu cử Ly Ly đi đàm phán với kẻ thù, thế nào chiến tranh cũng đến.

Cái đêm tôi, Ly và Lê Minh Sơn uống rượu ngoài vỉa hè, Ly nhìn chai Vodka khinh bỉ như nhìn chai nước lọc và nàng cũng uống như nước lọc khiến tôi khiếp vía. Còn Sơn hình như đã quen. Hình như anh và Ly từng có chuyến đi Tây Nguyên hay đi gì đó với nhau, cả hai uống hết vài chum rượu.

Nếu Lê Hoàng nhìn đâu cũng thấy tiền thì Trần Ly Ly nhìn đâu cũng thấy múa. Đến mức độ một con dao hay một cái thớt muốn học ba lê hay học múa hiện đại nàng cũng thấy bình thường. Tất cả mọi tình cảm, mọi suy nghĩ trong con người đều được Ly Ly quy ra động tác.

Có lần nàng véo tai tôi và tôi không hiểu như thế là ghét hay yêu, nhưng không dám hỏi vì sợ người ta biết mình dốt. Nhưng thực ra, về hiểu biết nghệ thuật múa, nói chuyện với Ly khéo ai cũng dốt. Theo như Ly thú nhận, nàng biết múa từ lúc chưa sinh ra và cha nàng là giáo sư trong lĩnh vực này.

Tất nhiên, trên đời thiếu gì những cha làm nhà bác học còn con làm phu xe hay vận động viên bắn súng. Nhưng trường hợp của Ly lại khác, có cảm giác nàng còn thích múa hơn cả cha mình. Trong mắt nàng, mọi người đều chuyển động và nếu đứng im thì sắp sang bài múa khác mà thôi.

Nhược điểm lớn của Trần Ly Ly là nàng không hiểu cuộc đời còn xôi còn thịt, còn vàng, bạc, châu báu, còn Chí Phèo và Lê Hoàng, chứ không phải toàn múa. Do đấy, khi ngồi ghế giám khảo khiêu vũ, nhận xét ai, nàng hay nói say sưa, dùng nhiều từ phức tạp và quên phắt rằng, phần lớn thiên hạ chỉ nghĩ tới giải thưởng chứ chả nghĩ tới gì hơn.

Vì vậy, tất cả các cuộc thi có nàng tham dự đều bỗng nhiên mang tính hàn lâm, trong khi thực ra nó chỉ mang tính giải trí. Do đó, sự trung thực của Ly Ly, vẻ nghiêm túc và say mê của nàng luôn làm cho thí sinh và các giám khảo khác vừa khâm phục, vừa kính cẩn, vừa sợ hãi.

Nếu như ngồi cạnh Khánh Thi, Lê Hoàng tìm mọi cách ngồi gần, thì ngồi cạnh Ly Ly, Lê Hoàng tìm mọi cách ngồi xa. Bởi bất thình lình Ly có thể vung tay ra kéo trai đẹp lại, giật mạnh như giật một con chim non khỏi tổ. Mà tay Ly thì chắc khỏe giống như răng nàng, ai mà thoát được!

Lê Hoàng
Theo Đẹp

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.