Trần Ly Ly: Mình không đẹp nhưng rất hay!

Giám khảo/biên đạo múa Trần Ly Ly
Giám khảo/biên đạo múa Trần Ly Ly
Khi còn nhỏ, thấy mình không xinh đẹp như các bạn đồng lứa, hoặc quan điểm về đẹp khác; thì tôi đã nghĩ "mình không đẹp nhưng mình rất hay" (nháy mắt), hoặc là mình phải học rất giỏi cho bọn nó sợ (cười).

Giám khảo "20 giây"

Điều khó nhất khi ở ghế nóng giám khảo với chị là gì, chắc hẳn không phải vấn đề chuyên môn rồi?

- Việc làm giám khảo, khó nhất với tôi là sự phản ứng. Bởi có những lúc ý mình nghĩ đã bị bạn mình nói trước mất rồi. Cùng là giám khảo chuyên môn, chúng tôi có khả năng nhìn ra cùng một vấn đề, hoặc tương đồng với nhau ở nhiều rất phần.

Mình không thể nhắc lại ý của bạn mà phải nói cái khác. Nó tạo cho tôi việc phải phản ứng rất nhanh, phải nhìn rất nhiều... thì mới tạo ra được sự hưng phấn cho khán giả.

Để có được điều đó phải nhìn rất lớn, rất rộng. Ngay cả khi bạn mình đã nói 100% rồi, mình vẫn phải nói được 0,1% cái mà bạn mình không nói được.

Trần Ly Ly: Mình không đẹp nhưng rất hay! ảnh 1

Hai gương mặt giám khảo nữ mạnh về chuyên môn của Bước Nhảy Hoàn Vũ

Một bộ phận khán giả có nghi ngờ là ở những cuộc thi truyền hình thực tế hiện nay, giám khảo bị áp lực từ phía BTC phải tạo được dư luận hoặc ưu ái một thí sinh nào đó?

- Tôi thì không. Còn nói thật lòng, những người khác thì tôi không biết. Có lẽ họ cũng biết mình là một dạng không thể làm điều gì mà không phải là chính mình. (cười)

Lúc chấm chị bám theo tiêu chí chuyên môn và/hoặc giải trí như thế nào?

- 70% là chuyên môn, 30% là giải trí. Như anh Hoàng Mập chẳng hạn, nếu chấm điểm nhảy thì rất khó chấm; nhưng anh ấy rất giải trí, rất duyên dáng trong điệu nhảy và người ta không chán.

Nghệ sĩ đầy lúc tự kỷ

Chị là một người lý trí hay cảm xúc?

- Theo bạn? (nheo mắt cười)

Tôi cho rằng khi còn trẻ chị là một người rất giàu cảm xúc, sau này khi trưởng thành chị lý trí nhiều hơn, để tìm cách cân bằng lại.

- Có khi tôi cần một người "đọc" mình. Vì tôi chẳng biết mình là một người như thế nào (cười). Có lẽ tôi là một người rất nhiều cảm xúc và cũng rất lý trí. Chẳng biết được.

Chị từng nói rằng chị "từng cô độc đến tự kỷ"?

- Luôn luôn. Nghệ sĩ là như vậy. Đừng nhìn người ta ở bên ngoài mà nghĩ rằng họ luôn vui vẻ và hào nhoáng. Nghệ sĩ là đây: một nửa cuộc đời, hoặc một nửa thời gian rơi vào trạng thái tự kỷ. Có những người bề ngoài rất bình thường, rất thông minh, rất biết ngoại giao, rất tỉnh táo... nhưng đầy lúc họ tự kỉ.

Họ sống trong thế giới riêng của họ thì gọi là tự kỷ thôi. Nếu không làm sao họ sáng tác được? Phải nhìn vào tác phẩm của người ta mà đánh giá con người. Tác phẩm đó chính là con người đó. Trông bên ngoài rất cảm xúc, nhưng thực ra lại lý trí. Hoặc là ngược lại. Đến bây giờ, khi đã 35 tuổi rồi, thì có lẽ phần lý trí trong tôi cân bằng với cảm xúc hơn.

Chị không quan tâm, nhưng người khác có làm chị tổn thương không?

- Có chứ. Hồi bé tôi bị tổn thương nhiều lắm, thường xuyên cô độc, hay đau khổ. Mình đầy vết thương luôn. Tôi rất mâu thuẫn. Thích đẹp nhưng nếu mình không đẹp bằng người ta thì sẽ chọn một giải pháp khác. Thà là xấu hẳn đi thì cũng vui. (cười).

Trần Ly Ly: Mình không đẹp nhưng rất hay! ảnh 2

Tôi không chấp nhận được sự phản bội

Đến khi nào chị có thể giải phóng mình khỏi những nỗi đau đó?

- Tôi có may mắn được sống trong một gia đình rất hạnh phúc, yêu thương và tôn trọng con cái, được hưởng một sự tôn trọng khác hẳn những gia đình khác.

Phát ngôn của bọn trẻ con chúng tôi rất được tôn trọng. Nhà chỉ có 10.000 đồng thôi, nhưng tiêu như thế nào thì một đứa bé 4 tuổi cũng được hỏi. Bố tôi lý trí, học rất giỏi. Còn mẹ thì rất nhạy cảm.

Tôi toàn đau khổ những việc ở bên ngoài thôi. Nhờ gia đình, tất cả những việc ở bên ngoài xã hội, đau đớn thế nào, tôi cũng cảm thấy mình có một chỗ dựa vững chắc kinh khủng. Nên tôi có thể đối mặt luôn, kiểu "ừ tôi xấu đấy!" (cười).

Thời gian học ở nước ngoài, chị đã vượt qua như thế nào khi không ở bên cạnh gia đình?

- Tôi từng chống nạng cả tháng. Mẹ có linh tính, gọi điện hỏi con có sao không. Tôi chỉ trả lời là con không sao cả, sợ mẹ lo. Phải học tiếp dù nước mắt ròng ròng. Tiền không có để về, cũng không có cho mẹ sang.

Mình đâu phải con đại gia? Bố mẹ mình là cán bộ, mình phải đi làm để đỡ cho bố mẹ mình. Thế hệ 7X chúng tôi là thế. Và tôi yêu quý thế hệ đó. Đến bây giờ nhiều người bạn tôi đã thành đạt, nổi tiếng nhưng vẫn rất yêu thương bố mẹ.

Bên cạnh một gia đình hạnh phúc, tôi cũng có những người bạn đặc biệt, vì tôi không có nhu cầu chơi nhiều. Tôi thà chấp nhận cô độc, không ai chơi với mình... cho đến khi nào có một người nhận ra mình và chọn mình làm bạn. Tôi không thể nào chấp nhận được sự phản bội, và cũng đòi hỏi lắm. (cười)

Chị có yêu bản thân mình?

- Tôi luôn yêu bản thân mình. Khi còn nhỏ, thấy mình không xinh đẹp như các bạn đồng lứa, hoặc quan điểm về đẹp khác; thì tôi đã nghĩ "mình không đẹp nhưng mình rất hay" (nháy mắt), hoặc là mình phải học rất giỏi cho bọn nó sợ (cười). Mình vẫn phải là một phần không thể thiếu trong lớp này.

Cảm ơn chị!

Theo Hồ Hương Giang
Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.