Tràn lan vi phạm về thức ăn bổ sung

Tràn lan vi phạm về thức ăn bổ sung
TP - Nhiều loại chế phẩm sinh học, thức ăn bổ sung trong chăn nuôi vi phạm về chất lượng, nhãn mác..., theo nội dung cuộc họp về an toàn thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp, do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 4-3.

> Phát hiện 5 tấn thức ăn dinh dưỡng gia súc không rõ xuất xứ
> Bác sĩ thú y làm 'trùm' chất cấm

Hơn 60% chế phẩm vi phạm

Theo Tổng cục Thủy sản hiện chỉ mới có 17/63 tỉnh, thành trong cả nước gửi báo cáo về kiểm tra về chế phẩm sinh học trong thủy sản về Tổng cục, trong đó phát hiện nhiều sai phạm về chất lượng, nhãn mác, giấy phép kinh doanh.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, hơn 60% số mẫu chế phẩm sinh học trong thủy sản được kiểm tra vi phạm chỉ tiêu chất lượng.

Qua kiểm tra, còn phát hiện 20% loại sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép bán trên thị trường. “Các loại chế phẩm này, được nhân viên kinh doanh của các Cty tiếp thị đến tận hộ nuôi, với chiết khấu rất lớn. Trong khi đó, hầu hết các địa phương, khi phát hiện sai phạm của các tổ chức, cá nhân, lại không công bố trên phương tiện thông tin đại chúng”, ông Điền nói.

Về thức ăn bổ sung cho chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay, loại này cũng đang trong tình trạng vi phạm phổ biến. Ví dụ, thức ăn bổ sung phải có tối thiểu 5.000 đơn vị đạm/kg, nhưng khi kiểm tra thì không đạt, ông Dương nói.

Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam mới đây nhập về khoảng 200 tấn hàng, thông tin là hàm lượng phốt pho 17%, nhưng kiểm tra chỉ 0%. Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, tình trạng sản phẩm hết hạn sử dụng được nhập về khá phổ biến. Trong tháng 3, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nhóm thức ăn bổ sung, ưu tiên kiểm tra về vi lượng và vitamin.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, qua theo dõi còn phát hiện tình trạng bán giấy phép kinh doanh các loại chế phẩm, thức ăn bổ sung, phân bón.

Có giấy phép cấp từ năm 2001, thậm chí trước đó vẫn lưu hành, trong khi giấy phép chỉ có hạn 5 năm. Khi kiểm tra, nhãn mác, thành phần sản phẩm khác hoàn toàn so với giấy phép.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị trong bộ tiếp tục giám sát, kiểm tra chặt chẽ các loại hàng trên.

“Tới hơn 60% chế phẩm sinh học vi phạm về chất lượng, chưa kể về nhãn mác là không thể chấp nhận được. Không để các đối tượng kiếm lời bất chính trên lưng nông dân”, ông Phát nói. Ông Phát cũng yêu cầu các tỉnh mở rộng lấy mẫu kiểm tra, đồng thời công bố các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thí điểm tổ dịch vụ bảo vệ thực vật

Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Cục dựa trên bốn cơ sở chính để phân tích độ rủi ro của các mặt hàng rau củ quả, là dùng máy chạy, rà soát trên rau quả trong nước, phân tích an toàn thực phẩm (ATTP) rau quả nhập khẩu, chương trình giám sát quốc gia hằng năm và thông tin cảnh báo của các nước. Năm 2012, đã lấy 1.200 mẫu rau, củ quả tươi trong nước để phân tích, phát hiện gần 6,1% dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.

Theo Bộ trưởng Phát, Cục BVTV và các đơn vị còn lại cần phân luồng xanh, vàng, đỏ với từng loại sản phẩm để cảnh báo về độ rủi ro, kể cả hàng nhập khẩu và trong nước. Ông Hồng đề xuất, cần quản lý qua tổ dịch vụ BVTV. Theo ông Hồng, Cục sẽ xây dựng đề án thành lập tổ dịch vụ này. Tổ dịch vụ sẽ được hỗ trợ vốn mua sắm thiết bị, tập huấn kỹ thuật bài bản, khám sức khỏe định kỳ.

“Ở đâu có sâu bệnh, tổ dịch vụ sẽ xử lý. Bây giờ ở nông thôn, thanh niên đi các khu công nghiệp làm ăn, còn người già, phụ nữ, trẻ em tiếp xúc nhiều với thuốc BVTV thì rất nguy hiểm”, ông Hồng nói. Ông Phát đề nghị, trước tiên sẽ áp dụng tổ dịch vụ trên cây chè, nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng sang các loại cây khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG