Tràn lan lò giết mổ không phép

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lò giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, tự phát đã bị cấm hoạt động từ lâu, thế nhưng đến nay 70% lò giết mổ thủ công trên cả nước vẫn tồn tại công khai. Những lò mổ này không được cấp phép, không đăng ký kinh doanh, trong khi mỗi ngày có hàng nghìn con gia súc, gia cầm...được “xuất lò” tại đây.

Lò mổ tồn tại ngay bên đường

2h sáng, chúng tôi có mặt tại chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín - Hà Nội), nơi được mệnh danh là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc. Những chiếc xe tải chở đầy gà, vịt từ các tỉnh tấp nập đổ về tạo nên sự náo nhiệt cho cả vùng ngay từ sáng sớm.

Đáng chú ý, ngay trước cổng chợ Hà Vĩ, lấp ló sau những tán cây vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ thủ công hoạt động. Qua quan sát, những lò mổ thủ công này nằm cạnh mương nước thải màu đen ngòm. Những thau chậu, nồi nước sôi để nhúng gà vịt đen xì và cáu bẩn. Chỗ để cắt tiết được đặt ngay bên cạnh gốc cây, sau khi gia cầm được cắt tiết xong người ta đặt ngay dưới nền xi măng, ruồi bâu khắp nơi.

Tràn lan lò giết mổ không phép ảnh 1

Người dân khu chợ Đông Phương Yên (Chương Mỹ) ngán ngẩm vì tình trạng các lò mổ không phép tràn lan Ảnh: Dương Hưng

Anh P, người chuyên mổ gà ở đây chia sẻ, mỗi ngày cơ sở nhận làm thịt hàng trăm con gà, vịt. Đa phần khách đều đặt mua gà vịt từ chợ Hà Vĩ. “Tiền công làm từ 7.000 đến 10.000 đồng/con, tùy theo số lượng, nhưng phải thông báo trước”, anh P nói. Khi được hỏi về việc làm thịt ở khu vực này không đảm bảo vệ sinh, anh P cho hay: “Hàng ở đây chủ yếu đều đặt về cho khách ở nội thành. Bao nhiêu năm làm rồi có sao đâu”.

Tiếp tục đi xuôi về hướng UBND xã Lê Lợi chừng vài chục mét, chúng tôi bắt gặp có 5 - 6 lán giết mổ gia cầm dịch vụ ven hai bên đường. Thấy chúng tôi đi qua khu vực này, những người thợ đang cắt tiết, vặt lông gà, vịt không khỏi đăm đăm quan sát.

Vịt gà được vứt ngổn ngang trên nền gạch để vặt lông. Còn lòng, mề nằm vất vưởng sát cạnh đường, nước nhuộm một màu đỏ chảy tràn ra cả đường đi. Dù đã treo khẩu trang chặt kín, nhưng đi qua khu vực này, chúng tôi cũng không thở nổi vì mùi hôi tanh nồng nặc.

Theo ghi nhận, từ 23h đêm đến 3h sáng là thời điểm các lò mổ ở đây hoạt động nhộn nhịp nhất. Theo quy định, gia cầm trước khi giết mổ phải được cán bộ thú y kiểm tra. Thế nhưng ở các lò mổ này hầu như chẳng có ai kiểm tra, gà vịt vẫn được đưa vào làm thịt. Các chủ lò mổ cũng chẳng quan tâm nguồn gốc xuất xứ của những con gà vịt này ở đâu.

“Cứ làm thịt sạch sẽ, nhận hàng thanh toán là xong. Còn nếu cần chứng nhận kiểm dịch cũng sẽ có. Nhưng chúng tôi sẽ lấy với giá khác. Ở đây chỉ nhận số lượng lớn, chứ không làm nhỏ lẻ”, một người tiết lộ với chúng tôi sau khi được nhờ đóng dấu kiểm dịch và làm thịt hộ 5 con vịt vừa mua trong chợ.

Không chỉ tại Hà Vĩ, ở các chợ đầu mối gia súc, gia cầm quanh các huyện ngoại thành Hà Nội, hầu hết cơ sở giết mổ đều thực hiện thủ công, với quy mô nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tràn lan lò giết mổ không phép ảnh 2

Một cơ sở giết mổ thủ công cạnh mương nước đen ngay trước cổng chợ gia cầm Hà Vĩ - Ảnh: Dương Hưng

Điển hình, người dân ở gần khu chợ Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, đang ngán ngẩm vì tình trạng các khu giết mổ gà vịt nằm tràn lan, bốc mùi hôi thối cho cả khu dân cư. Nhiều hộ dân phải dùng bạt để che chắn trước và đóng kín cửa kính ngăn ruồi bay vào đen đặc.

Các tiểu thương trong chợ còn đề nghị những hộ giết mổ gia cầm chuyển ra nơi khác vì họ cũng không chịu nổi. Chị L.T.M, một tiểu thương chia sẻ: “Chúng tôi nhiều lần nêu ý kiến với UBND xã rồi nhưng đâu lại vào đấy. Họ bảo muốn thơm tho thì chuyển nơi khác, còn ở trong chợ thì phải chịu”.

Tại chợ đầu mối Hải Bối (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), đây được xem là chợ lớn của thủ đô, chuyên cung cấp số lượng lớn các sản phẩm từ gia súc, gia cầm đến hàng nghìn bếp ăn. Thế nhưng, tình trạng hàng chục cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép vẫn vô tư hoạt động.

Bà L.T. N, (thôn Cổ Điển, Hải Bối) chia sẻ, các hoạt động của lò mổ diễn ra liên tục từ đêm tới sáng nên cuộc sống người dân xung quanh như bị tra tấn bởi tiếng kêu thảm thiết của trâu bò bị giết, gây sợ hãi cho trẻ nhỏ và ám ảnh giấc ngủ của cư dân. Ngoài ra, mùi phân bò bốc lên khiến người dân thở không được. Đặc biệt, mỗi lần các lò nhập trâu bò về, người dân đành ở trong nhà đóng kín cửa vì lo sợ nguy cơ trâu xổng chuồng húc phải người.

Ông Trịnh Minh Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối xác nhận, trong thôn Cổ Điển hiện có tới 5 lò mổ gia súc, tất cả đều… không có giấy phép. Lý giải về tình trạng này, ông Huân cho biết, cách đây hơn chục năm, xã Hải Bối đã có dự án gom tất cả các lò lại, đưa vào khu giết mổ tập trung nằm cách xa khu dân cư, thế nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa làm được. Lý do là các hộ dân kinh doanh từ nhiều năm nay nên rất khó di dời, chưa kể UBND xã cũng đã kiến nghị với UBND huyện để xin vị trí tập trung giết mổ nhưng vẫn chưa được.

70% cơ sở giết mổ không được cấp phép

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thống kê cho thấy, toàn TP Hà Nội hiện có 730 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng trong số này có tới hơn 90% là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội nhưng chỉ có 60% lượng thịt được cung cấp từ những cơ sở giết mổ được cấp phép.

“Số còn lại đều qua các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, thực hiện theo phương thức thủ công. Đa số các điểm, hộ giết mổ này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động nên nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao. Đây là nỗi đau đầu và trăn trở của ngành nông nghiệp, thú y của thành phố”, ông Tường nói.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động với công suất mỗi năm trên 349.000 trâu bò, 8,7 triệu con lợn và 78,6 triệu gia cầm.

Đáng chú ý, đến nay cả nước vẫn còn 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ 7.362 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số còn lại 17.292 cơ sở (trên 70%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.

Theo bà Thủy, việc còn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa đảm bảo điều kiện, chưa được cấp phép là do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức. Điển hình như các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương...”Những địa phương này điều kiện kinh tế không phải khó khăn nhưng đến nay vẫn có trên 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Ngược lại, một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước, Cần Thơ không có cơ sở giết mổ nhỏ lẻ”, lãnh đạo Cục Thú y cho hay.

Trước tình trạng lò mổ không phép diễn ra tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT vừa đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương: Ưu tiên bố trí nguồn lực để kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là khẩn trương thành lập lại trạm thú y cấp huyện; Tăng cường thanh, kiểm tra đối với cơ sở giết mổ động vật, xử lý triệt để đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung không có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.